Sunday, May 27, 2018

Có Một Phẩm Chất Mà Ai Cũng Cần Phải Học, Được Gọi Là… "Đợi Người Khác Nói Xong"


“Đợi tôi nói xong đã nào!”. Đây là một lời nhắc nhở, cũng là sự châm chọc về việc tôi và bạn quá nóng vội và muốn sớm gặt hái được thành quả. Khi Thượng đế tạo ra con người, vì sao chỉ có một cái miệng mà có tới tận hai cái tai? Là để chúng ta nói ít lại và lắng nghe nhiều hơn. Chúng ta cũng chẳng vội đến mức nước lên đến cổ hay đang xảy ra hỏa hoạn, mà sao ngay cả đợi người khác nói hết những gì họ muốn cũng chẳng được?
Câu chuyện người mẹ trẻ và quả táo

Người mẹ trẻ muốn kiểm tra thành quả về cách giáo dục con cái của mình. Cô vui vẻ đưa cho cậu con trai nhỏ hai quả táo. Tiếp đó, cô chờ đợi cậu con trai nhỏ sẽ tặng lại cho mẹ một quả. Nhưng cậu bé nhận lấy hai quả táo từ tay mẹ xong cũng chẳng thèm nhìn mẹ lấy một cái, mà cắn ngay mỗi quả một miếng.

Người mẹ trẻ vô cùng thương tâm, suýt nổi giận và định dạy cho cậu con một bài học về sự tham lam, ích kỷ. Ai ngờ được rằng đúng vào lúc này cậu con trai bé nhỏ cất tiếng ngọng líu ngọng lô: “Mẹ ơi, mẹ ăn quả này này. Con ăn thử rồi, không chua đâu!”.
Nước mắt của mẹ đột nhiên rớt xuống. Đôi khi chúng ta tức giận là vì không đủ kiên nhẫn và không có thời gian chờ đợi câu trả lời. Bởi phía sau sự lắng nghe là một tấm lòng ấm áp.

Nhờ biết lắng nghe tôi đã kịp thời cứu vãn được công việc và một cuộc hôn nhân
Thời gian trước, có một người bạn làm cùng tôi. Tôi tự cảm thấy mình đã dành hết tâm huyết cho công việc. Nhưng tới khi nghiệm thu anh ấy lại phê bình tôi và đưa ra đề xuất của mình. Điều này khiến tôi rất không vui. Bạn tôi gọi điện cho tôi vì muốn thay đổi ý kiến. Cậu ấy còn chưa kịp mở miệng thì tôi đã tuôn xối xả một tràng dài những lý do và suy nghĩ của mình. Sau đó hai người chúng tôi hầu như miệng ai nói thì tai người nấy tự nghe. Một lúc sau cả hai cùng tức giận và bỏ đi, kết quả là chẳng ai nói rõ được suy nghĩ của mình.

Bạn tôi sốt ruột hỏi rằng: “Chúng ta có thể nói chuyện không? Nếu không thì chúng ta chat nhé!”. Sau đó cậu đã nói rõ ràng mọi suy nghĩ của mình qua chat. Kỳ thực cũng có nhiều chỗ tôi cũng có thể tiếp thu, vấn đề đã được hóa giải trước cơn nguy nan. Sau chuyện này tôi thầm nghĩ, rất nhiều việc đã thành xôi hỏng bỏng không chỉ vì tôi không cho đối phương có cơ hội nói hết. “Đợi tôi nói xong đã nào”. Đây là một yêu cầu vô cùng nhỏ bé trong giao tiếp nhưng chúng ta lại thường quên mất sự tôn trọng cơ bản nhất này trong giao tiếp.

Em trai tôi mới lập gia đình, đang trong giai đoạn hai vợ chồng tìm cách hòa hợp với nhau. Vậy nên đôi vợ chồng trẻ ngày nào cũng cãi cọ. Cả hai đều rất khổ tâm, cãi qua cãi lại tới bước sắp phải ly hôn. Hôm qua cô gái gọi điện tới than thở với tôi. Tôi biết rằng, chẳng qua chỉ là những chuyện vụn vặt trong nhà, ví như cô ấy đã hy sinh rất nhiều mà anh chồng đáp lại chẳng được bao nhiêu. Tôi nhẫn nại lắng nghe cô ấy than thở và thể hiện sự đồng cảm và đồng tình một cách thích hợp. Cuối cùng cô gái vui vẻ quay về nhà nấu cơm cho chồng. Về sau cô gọi điện thoại tới khen ngợi tôi: “Chị quả thực là người biết an ủi người khác. Sau khi chị an ủi xong em mới thấy hóa ra chẳng có chuyện gì to tát cả”. Tôi mỉm cười rồi gác máy, thầm nghĩ, tôi đâu có nói lời nào, chỉ là cô ấy muốn than vãn một chút về nỗi ấm ức trong lòng mà thôi.

Nghệ thuật lắng nghe và câu chuyện về đôi tri kỷ Bá Nha, Tử Kỳ
Tương truyền rằng Chung Tử Kỳ là một tiều phu đầu đội nón lá, lưng khoác áo lá, vai đeo dao quặp, tay cầm rìu. Trong lịch sử còn ghi chép lại rằng, một lần nọ Du Bá Nha gảy đàn bên sông Hán Giang, Chung Tử Kỳ nghe xong xúc động thốt lên rằng: “Vòi vọi như non cao, mênh mang như nước chảy”.

Từ đó hai người trở thành bạn tri kỷ, tâm giao. Sau khi Tử Kỳ qua đời, Bá Nha cho rằng trên đời này không còn ai có thể hiểu được tiếng đàn của mình. Nên từ đó về sau ông không bao giờ gảy đàn nữa.
Bởi vậy, lắng nghe không chỉ có thể khiến tâm hồn xích lại gần nhau hơn, mà còn là sự khởi đầu của những đôi tri kỷ.

Không biết lắng nghe đã khiến một hãng hàng không thiệt hại nặng nề
Năm 2008, nhạc sĩ Dave Carroll đi lưu diễn, chiếc đàn guitar của anh được vận chuyển theo đường hàng không của hãng United Airlines và bị gãy. Carroll bèn kiện công ty hàng không, nhưng không một ai lắng nghe anh ấy nói. Công ty hàng không cho rằng Carroll thích chuyện bé xé ra to. Nhưng đối với những người có tâm hồn mong manh như các nghệ sỹ thì chiếc đàn guitar cũng là một sinh mệnh thân thiết của anh. Cách xử lý của công ty hàng không khiến Carroll rất đau lòng.

Thất vọng với cách hành xử của hãng hàng không lớn thứ hai thế giới, tháng 6/2009, sau 9 tháng xảy ra vụ việc, nhạc sĩ Dave Carroll đã cho ra đời bài hát “United breaks guitars” (United làm vỡ đàn guitar). Bài hát này với giai điệu vui tươi được Dave và nhóm nhạc của anh dàn dựng, tung lên youtube với đoạn điệp khúc nghe có phần “cay đắng”: United, anh làm vỡ cây đàn guitar Taylor của tôi rồi!

Clip cũng được thể hiện hết sức hóm hỉnh, với hình ảnh những nhân viên của hãng United Airlines đủ mọi sắc thái cảm xúc. Chắc hẳn, ai xem clip cũng không khỏi mỉm cười thú vị. Bài hát không những vui tươi, lại còn…dễ thuộc!

Không ngờ rằng, chỉ trong hai tuần ngắn ngủi, số lượt truy cập bài hát này đã lên tới 5 triệu lượt. Điều mà không ai nghĩ tới rằng, ảnh hưởng phụ diện của video này đã khiến cổ phiếu của United Airlines giảm xuống 10% chỉ vẻn vẹn trong 10 ngày. Họ đã phải chịu tổn thất vô cùng lớn, tới 180 triệu đô la Mỹ, đủ để mua 51.000 chiếc guitar đền cho Carroll.
“Kỳ thực tôi chỉ cần có một người trong United Airlines đứng ra lắng nghe sự bất mãn của tôi, thừa nhận họ đã làm sai và nói với tôi một lời “Xin lỗi”, chỉ cần vậy thôi. Nhưng họ đã không làm như vậy”.

Cuối cùng Carroll đã nói ra nguyên nhân mà anh kiên quyết kiện hãng Hàng không Liên bang Mỹ cho bằng được: “Hãy đợi tôi nói xong đã”. Carroll chẳng qua chỉ cần được lắng nghe, được tôn trọng mà thôi.

Rất không may cho United Airlines, Dave Carroll là một nhạc sĩ/ca sĩ tài ba. Có hề gì, anh sáng tác nhạc! (Ảnh dẫn theo CafeF)

Các bậc phụ huynh và những đứa con ở tuổi dậy thì
Hiện nay có rất nhiều bậc phụ huynh than vãn rằng con cái mình bước vào thời kỳ tâm lý phản nghịch, căn bản là không biết nghe lời! Nỗi khổ ấy đã trở thành tiếng lòng của những bậc phụ huynh có con đang tuổi dậy thì. Nhưng tĩnh tâm nghĩ lại, kỳ thực sự oán trách này bản thân nó đã có vấn đề: Thử đóng cửa tự hỏi mình xem bạn có thực sự lắng nghe tiếng lòng của con không? Bạn có biết con mình đang nghĩ gì, mong muốn điều gì không? Bạn muốn hiểu con mình, nhưng lại không chịu lắng nghe chúng, mà chỉ muốn chúng lắng nghe bạn. Bạn cứ ở đó như cái máy nói, thì chúng sao có thể nghe lời bạn được?!

“Đợi tôi nói xong đã nào!”. Đây là một lời nhắc nhở, cũng là sự châm chọc về việc tôi và bạn quá nóng vội và muốn sớm gặt hái được thành quả. Khi Thượng đế tạo ra con người, vì sao chỉ có một cái miệng mà có tới tận hai cái tai? Là để chúng ta nói ít lại và lắng nghe nhiều hơn. Chúng ta cũng chẳng vội đến mức nước lên đến cổ hay đang xảy ra hỏa hoạn, mà sao ngay cả đợi người khác nói hết những gì họ muốn cũng không có?”. Đôi khi tôi tự nhủ với mình rằng đây là một căn bệnh, phải chữa.

Lắng nghe là sự tu dưỡng tâm tính
Đợi người khác nói xong là một loại năng lực, cũng là sự tu dưỡng tâm tính. Có một cách lắng nghe gọi là trầm tĩnh. Đó là một bầu không khí hài hòa, yên lặng và uy nghiêm, không lời nhưng cũng rất ấm áp, và đầy sức cuốn hút. Có một cách lắng nghe là quên mất cả bản thân mình, yên lặng nghe tiếng tuyết rơi, nghe tiếng gió luồn qua mái nhà, nghe tiếng chim hót buổi sớm mai, nghe một giai điệu du dương. Điều này cũng thể hiện cảnh giới và sự tu dưỡng của một người. Chỉ khi có được một nội tâm an hòa mới có thể hiểu được sự tĩnh lặng của năm tháng thật tuyệt vời.
Đợi người khác nói hết cũng là một phẩm chất của bậc trí huệ, chứ không phải nói thao thao bất tuyệt mới thể hiện mình là người có năng lực.

Trí huệ của cha ông dạy chúng ta về nghệ thuật lắng nghe
Kỳ thực trí huệ về việc lắng nghe đã được ông cha ta gửi gắm trong chữ Nho, loại ký tự đã từng gắn liền với cuộc sống và sử sách của dân tộc Việt chúng ta thời xưa. Chữ “Thính聽” (lắng nghe) ở dạng chính thể gồm bộ “Nhĩ耳” (tai), bộ “Vương 王” (vua), chữ “Thập 十” (mười), chữ “Mục目” (mắt), chữ “Nhất一” và chữ “Tâm 心”.  Nếu ghép các bộ này vào nhau chúng ta sẽ hiểu được hàm ý mà ông cha ta muốn gửi gắm. Khi lắng nghe một ai đó, chúng ta phải khiến người ấy cảm thấy mình quan trọng như một vị vua (chữ Vương), và lắng nghe bằng đôi tai của mình (bộ Nhĩ). Đồng thời chúng ta còn phải dồn mọi ánh nhìn và sự chú ý tới họ (chữ Thập, chữ Mục). Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, điều quan trọng nhất là phải dành trọn trái tim để cảm nhận những điều họ nói (chữ Nhất Tâm). Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể lắng nghe trọn vẹn những thông điệp mà họ muốn truyền tải, mới biết cách thấu hiểu và trân trọng người khác.

Ngày nay, trong tiếng Hán hiện đại chúng ta cũng có chữ “Thính听” (lắng nghe) nhưng lại ở dạng giản thể. Và điều kỳ lạ là nội hàm của chữ này lại bị thay đổi hoàn toàn, đi ngược hẳn lại với những giá trị trong văn hoá chính thống (vốn được viết bằng chữ phồn thể/chính thể). Chữ “Thính听” giản thể gồm bộ “Khẩu口” (cái miệng) và bộ “Cân斤” (cái rìu). Đại ý là không phải dùng tai, dùng mắt, hay dùng tâm để lắng nghe như văn hóa truyền thống, mà là nghe bằng miệng, bằng những lời búa rìu sắc nhọn. 

Chữ Hán chính thể bị thay thế bằng chữ giản thể, kéo theo đó là giá trị giáo dục và nhân văn sâu sắc bị đánh cắp một cách tài tình. Văn vốn là phương tiên để giáo hoá con người, khi văn tự bị biến đổi mất đi nội hàm chân chính của nó, thay bằng một nội hàm khác hẳn thì đương nhiên giá trị giáo dục ấy bị thay đổi rồi. Vậy nên việc cắt lời người khác, để mau chóng biểu đạt suy nghĩ của mình, mới trở thành một thói quen quá phổ biến như bây giờ.

Thay vì lắng nghe bằng cái Tâm, bằng cảm nhận từ trái tim như người xưa nhắn nhủ, thì con người ngày nay thường xuyên ngắt lời, chỉ muốn nói mà không đủ kiên nhẫn để lắng nghe, có nghe cũng là với tâm thái tranh đấu phản biện. Nội hàm của chữ giản thể mới dẫn đến một các biểu hiện văn hoá trở nên phố biến như: ‘chưa nói xong đã cãi xong’, ‘cướp diễn đàn’, ‘đốp lại’, ‘bật tanh tách’… Lời nói thay vì là phương tiện của sự thấu hiểu, thì nay là phương tiện để tranh đấu. 

“Đợi người khác nói xong”, điều tưởng chừng vô cùng đơn giản, sao giờ đây lại khó khăn đến vậy? Đó là hệ luỵ của lối sống chỉ biết nghĩ đến lợi ích của riêng mình, chỉ quen tranh giành để bản thân luôn là vị trí số 1 trong mắt người khác. Lắng nghe với thái độ khiêm nhường cầu thị trở thành thứ gì đó xa xỉ khó hình dung trong văn hoá người nhiện đại. Bằng cách đó nét đẹp của văn hóa tu dưỡng truyền thống ngày một bị lãng quên.

Người ta không ngừng than thở về chuyện xã hội thiếu vắng niềm tin, tình yêu thương, lòng nhân ái. Thực ra nếu chúng ta có thể quay trở về với những giá trị đạo lý truyền thống, biết ‘đợi người khác nói xong’, biết nghe bằng sự tập trung của đôi mắt, sự chân thành của trái tim như chữ ‘Thính’ mà ông cha ta để lại như một bài học uyên bác, thay vì nghe bằng ‘cái rìu’ như cách mà ĐCSTQ biến đổi văn tự truyền thống, thì hẳn rằng, chúng ta có thể thấu hiểu nhau nhiều hơn, và xã hội không thể thiếu vắng đi tình yêu thương và lòng nhân ái.

Nhã Văn 
dkn.tv


No comments:

Post a Comment