Sunday, April 6, 2025

Thôi! Mình Về Linh Xuân Thôn Đi Em ! - Phan Công Tôn

Hình minh hoạ

Chiếc xe Jeep nhà binh chạy thật khó khăn giữa luồng xe cộ tấp nập từ đường Trần Hưng Đạo đổ vào đường Lê Lợi, nhất là lúc ngang khu bùng binh trước chợ Bến Thành. Lúc đó vào khoảng 10 giờ đêm, nhưng khu vực từ chợ Bến Thành dọc theo đường Lê Lợi vẫn đông nghẹt người ta! Hôm nay là ngày 25 tháng Chạp, gần cao điểm của thời gian Chợ Tết!

Hùng lái xe, bên cạnh là Hoàng và băng sau là chú tài xế, luồng xe cộ chạy thật là chậm, phần vì quá nhiều xe đang lưu thông, phần khác gây nhiều khó khăn và căng thẳng hơn, vì khách bộ hành cứ băng đại ngang đường bất cứ chỗ nào họ muốn. Cả 3 người trên chiếc xe Jeep đang thắc mắc và trao đổi nhau những câu hỏi liên quan đến việc rất nhiều người vẫy gọi Taxi dọc đường, nhưng các tài xế Taxi cứ khoác tay từ chối, mặc dù trên xe không có khách! Họ đã có khách hẹn trước ở một địa điểm nào đó chăng? Họ không muốn đón khách trong khu vực này vì không có khoảng trống để tấp vào? Hoặc họ không muốn đón những người khách với quá nhiều đồ đạc cồng kềnh vừa mua sắm?

Khi xe đang chạy trên con đường trước Khách sạn Caravelle (bên hông tòa nhà Quốc hội), bỗng một toán người vẫy tay gọi, hình như họ muốn xin “quá giang”, Hùng đã lái trờ tới bỏ lại phía sau nhóm người này, vì khúc đường này không còn bị kẹt xe nên tốc độ khá nhanh. Hoàng nói lớn: “Hùng! Hùng! Ghé lại cho họ ‘quá giang’ làm phước!”. Nghe vậy, Hùng tấp vào lề và lui xe lại. Toán người xin “quá giang” chạy ùa tới, họ gồm có 4 người, một cô gái khoảng 17, 18 và 3 cô, cậu bé khoảng từ 12 tới 14 tuổi.
Hoàng nhảy xuống xe để lo sắp xếp chỗ ngồi, thấy cô chị trồng trộng nên Hoàng tỏ ra “galant”, mời cô ta ngồi ghế phía trước với 1 bé gái, Hoàng chui ra băng sau với chú tài xế và 2 “nhóc” kia. Dĩ nhiên rất là chật vì băng sau có tất cả 4 người với quà mới mua ở chợ Tết, các “nhóc” không ai than phiền gì cả, ngược lại rất là vui và cảm thấy rất hạnh phúc và biết ơn.

Qua lời cô chị lớn cho biết, sau khi mua sắm xong, mấy chị em ra về. Bắt đầu đón Taxi từ đầu đường Lê Lợi, đợi hoài đợi mãi, chẳng có Taxi nào chịu ngừng. Cuối cùng phải đi bộ dọc theo đường, vừa đi vừa đón xe để cầu may, nhưng vẫn không có. Khi tới khúc đường này, thấy cái xe “nhà binh”, cả toán cứ vẫy đại, cô chị lớn nói “mấy ông nhà binh ‘chịu chơi’ lắm, có thể họ giúp mình ... ” May quá, toán này được giúp thật!

Hùng hỏi nhóm này muốn đưa về vùng nào thì được biết ở Gia Định, gần khu chợ Bà Chiểu. Khi xe chạy ra tới đường Thống Nhất, Hùng ngỏ ý với Hoàng là cần phải ghé qua Đại đội để xem có việc gì không, trước khi đưa toán “quá giang” này về Bà Chiểu. Hùng và Hoàng đang phục vụ tại 1 Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Hùng, Trung úy, Đại Đội Trưởng, Đại đội tác chiến, Hoàng, Trung úy thuộc Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, kiêm Trung Đội Trưởng Trung đội súng cối 81 ly. Đơn vị đang hành quân ở Vùng 4 Chiến thuật từ mấy tháng nay, cách đây 4 ngày, đang hành quân ở Vĩnh Long thì được lệnh cấp tốc chuyển về Sài Gòn.
Sau khi lật đổ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963, chính quyền SàiGòn thường bị rơi vào tình trạng “chỉnh lý”, “biểu dương lực lượng” của các vị Tướng lãnh. Mỗi lần có những “sự kiện đặc biệt” như vậy, các đơn vị Tổng Trừ Bị như Nhảy Dù hoặc Thủy Quân Lục Chiến được điều động về Thủ đô để kịp ứng phó với tình huống mới.

Lần này cũng vậy, Tiểu đoàn được điều động về SàiGòn một cách bất thường chứ không phải được về nghỉ dưỡng quân tại hậu cứ ở Thủ Đức như thường lệ sau một cuộc hành quân dài. Đại đội của Hùng được đóng quân tại Sở Thú Sài Gòn và Sở Thú tạm thời ngưng hoạt động trong thời gian này.
Hơn 1 giờ trước đây, Hoàng từ Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn (tạm đóng bên Trại Nguyễn Văn Nho, ở Thị Nghè) “dzọt” qua thăm Hùng và rủ Hùng đi “nghễ” một vòng Sài Gòn vì lâu lắm chưa được “ngửi” mùi Sài Gòn. Hoàng gốc người Quảng Trị và thích dùng chữ “nghễ”, được hỏi về nghĩa của chữ này thì Hoàng nói “cứ coi như là rửa mắt vậy mà!”
Nói của đáng tội, chỉ đi một vòng vậy thôi chứ có “nghễ” hoặc “rửa mắt” cái gì đâu! Một phần vì ban đêm, phần thì lo tập trung lái xe qua cái “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!” đã thấy nhức đầu rồi, và trên đường về Sở Thú thì gặp cái toán “quá giang” này.

Hùng ghé vào Đại đội để xem tình hình có gì không và nhân tiện lấy thêm 1 cái máy truyền tin bỏ lên xe cho tiện việc liên lạc với Tiểu đoàn và các Trung đội. Sau đó, tất cả lại lên xe để Hùng đưa dùm toán “quá giang” này về nhà bên Bà Chiểu.
Qua sự giới thiệu lúc còn ở trong sở thú, được biết cô gái “đàn chị” này tên là Khánh Tâm, một “nhóc” gái là em ruột của Khánh Tâm tên là Khánh Hằng và 2 “nhóc” kia là đàn em lối xóm. Gần đến khu chợ Bà Chiểu, Hùng gợi ý rủ mọi người cùng đi ăn hủ tiếu mì, mấy “nhóc” hoan hô hết mình vì từ tối đến giờ phải lội bộ nhiều và đang đói bụng!

Khi tô mì được đem đến bàn của Tâm, Hùng cầm bình dấm chế vào tô mì một vòng rồi ngưng lại. Tâm vội nói: “Xin ông cho thêm”. Hùng lại rưới thêm một vòng nữa rồi ngưng. Tâm lại nói: “Ông cứ cho thêm, khi nào tôi ra dấu thì ông ngưng cũng còn kịp”. Hùng tiếp tục rưới dấm vào tô mì và nói diễu: “Cái này là dấm ‘xủ’, chua lắm à nghen!” Tâm trả lời tỉnh bơ: “Dạ, tôi biết”. Và cứ thế, Hùng tiếp tục rưới dấm vào tô trong khi vẫn nhìn vào mắt Tâm để xem chừng nào có thể ngừng. Một hồi lâu, áng chừng cũng đến gần nửa bình dấm, lúc bấy giờ Tâm mới đưa tay làm dấu cho Hùng ngưng, kèm theo lời cám ơn. Hùng tỏ ra rất ngạc nhiên, vì lần đầu tiên mới biết được có người ăn “dấm xủ” nhiều đến như vậy và càng thích thú hơn khi quan sát, thấy Tâm thưởng thức tô mì một cách rất ngon lành! Tiếp theo chầu hủ tiếu mì là chầu chè tráng miệng, mọi người có vẻ “ấm bụng” nên Hùng đề nghị đưa mấy chị em Khánh Tâm về nhà. Nhà cách chợ Bà Chiểu không xa, gần một trạm đón khách của các xe đò Sài Gòn - Thủ Đức. Lúc bấy giờ cũng đã quá nửa đêm!

******
Trưa hôm sau, nghe anh lính gác tại cổng (trên đường Hồng Thập Tự) báo Hùng có người nhà muốn gặp, Hùng vội lái xe ra cổng. Vô cùng ngạc nhiên khi thấy Tâm đến thăm, vì đêm qua sau khi chia tay, không ai có lời hẹn hoặc ngõ ý sẽ gặp lại! Tâm cho biết, hôm nay Chủ Nhật, cô đi lễ ở Nhà thờ Đức Bà. Sau khi tan lễ, cô muốn đến thăm và cám ơn về việc đã cho mấy chị em “quá giang” về nhà đêm qua và còn đãi thêm một chầu hủ tiếu mì, làm mấy đứa nhỏ khen nức nở:
- Mấy anh lính thật tốt bụng và dễ thương quá chừng chừng...

Hùng, với tánh tiếu lâm cố hữu, vội ngắt lời:
- Mấy đứa nhỏ thì khen nức nở, nhưng bà chị tụi nó có thèm khen câu nào đâu?
Khánh Tâm thẹn đỏ mặt, nhìn xuống đất, nói mấy lời nho nhỏ:
- Cái ông... này!

Vì Tiểu Đoàn đang trong tình trạng ứng chiến nên Hùng không dám đi đâu xa, chỉ chở Tâm đi một vòng trong sở thú. Trong khi xe đang chạy vòng vòng, Tâm vụt hỏi:
- Ông có thể chạy một chút ra đằng phía trước cổng? Tôi muốn chỉ cho ông thấy cái trường tôi đang học.
- Cô học trường nào?
- Dạ, Trưng Vương.
- Ồ, cũng gần, để tôi đưa cô đến đó!
Hùng lái xe ra cổng trước và chạy tới trường Trưng Vương, chỉ đi một vòng vậy thôi vì phải vội về Đại đội. Tuy vậy cũng đủ thì giờ nghe Tâm nói sơ sơ về lớp Đệ Tứ của mình, vị trí của lớp mình, tánh tình của các vị Giám thị và một số các thầy cô. v.v... Từ hôm qua đến giờ, nghe Tâm nói giọng Nam, Hùng mới thắc mắc:
- Cô là người Nam, sao cô được học ở Trưng Vương?
- Không, tôi là người Bắc mà! Bắc Kỳ 54!
- Trời ơi! Sao cô nói rặc giọng Nam Kỳ! Ở trường cô nói giọng gì?
- Thì giọng cũng y như tôi đang nói chuyện với ông!
Hùng hình như tìm được một điều gì thích thú, vội nói:
- Cô phải cẩn thận, tôi sợ có ngày trường sẽ đẩy cô về bên Phan Thanh Giản!
Chưa kịp hiểu câu nói đùa của Hùng, Tâm hỏi vặn:
- Tại sao phải về bên Phan Thanh Giản?
Hùng cười cười giải thích:
- Vì họ tưởng cô là người Nam nên họ thảy cô về bên trường Gia Long ấy mà!
Tâm hiểu câu nói châm chọc của Hùng, cười xòa và buột ming:
- Cái ông... này ! 
Rồi hỏi tiếp:
- Bộ ông không biết bên Gia Long vẫn có một số học sinh Bắc Kỳ hay sao?
Hùng rất ngạc nhiên về điều này và nói:
- Vậy mà tôi cứ tưởng, bên Trưng Vương toàn là Bắc Kỳ, còn bên Gia Long chỉ toàn là giá sống!

Về đến sở thú, Hùng ngỏ lời xin lỗi vì không thể đưa Tâm đi ăn trưa được vì bận trực ứng chiến, Hùng gợi ý hỏi xem Tâm có thích pizza không, Tâm trả lời : “Tôi cũng thích pizza lắm” nên Hùng nhờ chú tài xế và một chú “đệ tử” chạy ra tiệm pizza trên đường Lê Thánh Tôn, đối diện với La Pagode để mua pizza và spaghetti vì Hùng rất thích pizza và spaghetti của tiệm này! Khi thức ăn được mang về và đem đến một cái lều dựng lên bên một hồ nước, từ lều này có thể nhìn thấy “cây cầu lịch sử” của Sở Thú Sài Gòn (gần 10 năm về trước, nhân dịp có Hội Chợ tại Sở Thú này, vào buổi tối, trong khi cả ngàn du khách đang nườm nượp kéo tới Hội Chợ... vì một “báo động” lầm lẫn sao đó, khiến cả ngàn người tranh nhau chạy qua cầu, việc này đã gây ra cảnh hỗn loạn khủng khiếp với kết quả là hơn 10 người bị chết và cây cầu bị sập).

Hồi trước, Hùng có vài lần vào Sở Thú với cái thú vui riêng cùng đùa vui với bạn bè và nhất là để coi... người nhiều hơn coi... thú và dĩ nhiên không để ý nhiều đến cảnh trí chung quanh! Hôm nay, nhân dịp Sở Thú đóng cửa và với sự vắng lặng, mới có thể thưởng thức được những nét đẹp hài hòa giữa cái đẹp nhân tạo hòa nhập với cái đẹp thiên nhiên của vùng này! Đặc biệt, có Tâm, người con gái mới quen và còn rất ư là “nóng hổi” ngồi cùng ăn bên cạnh, Hùng thành thật trình bày cảm nghĩ của mình:
- Đơn vị anh mới về đây được 2 ngày, quá bận rộn vì công việc nên anh không để ý đến bối cảnh chung quanh. Hôm nay có em đến đây, cùng ngồi ăn chung trong cái lều này anh thấy cảnh vật chung quanh rất đẹp, có lẽ vì ảnh hưởng của... người đẹp ngồi bên cạnh!
Tâm coi câu nói của Hùng như một lời nói “nịnh” nhưng cũng đủ làm Tâm thẹn đỏ mặt, vội cúi đầu và nói nho nhỏ: 

- Cái ông... này!
Hùng ghi nhận được câu điệp khúc “Cái ông... này” của Tâm và coi như một lời mắng yêu hay một tán thán tự mà Tâm có thói quen thường dùng. Hùng thấy cũng hay hay và dễ thương với nét chấm phá này để tạm kết thúc một đàm thoại, biểu lộ cái tâm trạng ngạc nhiên pha lẫn buồn, vui và ngay cả (đôi khi) giận dỗi... Sau khi ăn uống xong, ngồi nói chuyện thêm một lúc, Tâm xin phép về, Hùng đưa Tâm về và vội trở lại đơn vị vì đang ứng chiến...

Sáng 28 tháng Chạp, toàn bộ Tiểu đoàn của Hùng được chuyển về vùng Tân Quí Đông trong nhiệm vụ: “giữ an ninh vòng đai Đô Thành”. Qua sự liên lạc và sắp xếp trước, chiều 30 Tết Hùng cho xe đón Tâm tại cầu Tân Thuận để đưa vào vị trí đóng quân của đại đội, vì hôm đó Hùng có tổ chức một cái tiệc nho nhỏ cùng với anh em trong đơn vị, và nhất là để chuẩn bị đón Giao Thừa. Đặc biệt đây là lần đầu tiên đơn vị Hùng được về “hưởng Xuân” tại vùng ven đô. Ban đêm được nhìn thấy vùng ánh sáng của Thủ Đô bên kia sông Sài Gòn, cứ tưởng tượng như đang được “ngửi” mùi Tết của Sài Gòn với lời an ủi muôn thuở: “có còn hơn không”!

Sau khi tiệc tùng xong, Hùng hỏi Tâm có muốn đưa về nhà trước giao thừa hay ở lại đây để “thưởng thức” giao thừa với lính? Với tánh hiếu kỳ, Tâm quyết định ở lại để xem mấy ông lính này đón giao thừa như thế nào và sẽ nhờ đưa về nhà sau khi đón giao thừa xong.
Lúc chiều, trong phiên họp của Tiểu đoàn, vị Tiểu đoàn Trưởng đã “hăm mẻ răng” về việc các Đại đội Trưởng phải kiểm soát thuộc cấp, triệt để cấm binh sĩ không được dùng súng bắn thay pháo để đón giao thừa như đã xảy ra vài lần trong các vùng hành quân khác mấy năm về trước. Năm nay, về nằm vùng ven đô, gần “Mặt Trời”, Biệt Khu Thủ Đô đã ra lệnh cấm và đơn vị phải tuyệt đối thi hành!

Đúng giờ giao thừa, vùng Tiểu Đoàn bố trí vẫn im lặng, nhưng vài cây số ở phía Bắc và phía Tây, súng nổ râm ran và đồng loạt trong vòng hơn 15 phút, mọi người kéo ra sân để coi và nghe “pháo súng”. Nhìn những vết đạn lửa bay mới biết các đơn vị ở vùng đó đã dùng súng thay pháo để đón Xuân!
Tâm tỏ ra rất thích thú với cái hoạt cảnh này vì đây là lần đầu tiên trong đời, cô được thật sự gần gũi với một đơn vị của lính tại vị trí đóng quân, nhất là đúng vào giờ đón Giao Thừa!

******
Sự gặp gỡ và quen biết giữa Hùng và Tâm bắt đầu là như vậy. Cái liên hệ tình cảm đã gắn bó và quyện lẫn giữa hai người qua thời gian, đã tạo ra những tố chất cấu thành một tình yêu “thật đặc biệt” và “hơi khác thường” giữa hai người.

Những cái “hơi khác thường” trong chuyện tình này mà những bạn thân của Hùng quan sát và ghi nhận được cũng khá thú vị và... “không giống ai”!Về cách xưng hô, ngay từ ngày đầu mới quen nhau, Hùng vẫn xưng “anh” và gọi Tâm bằng “em”. Còn Tâm vẫn xưng “tôi” và gọi Hùng bằng “ông”. Về sau này, chỉ một lần đầu tiên và duy nhất, sau khi biết mình đã yêu Hùng, trong một lá thư dài viết bằng 2 tờ giấy đôi của cuốn vở học trò, Tâm gọi Hùng bằng “anh” và xưng là “em”.

Hùng nhận được thư Tâm khi đơn vị đang hành quân vùng đèo Mang Giang, Pleiku. Đọc thư, nghe Tâm nói về tình yêu và nỗi nhung nhớ dành cho Hùng, chàng nghe hồn mình và thân thể mình như ấm lại trong cái giá lạnh nơi xứ núi! Càng nghe ấm hơn với lời kết của lá thư:
Em yêu anh. Em rất nhớ anh và rất mong ngày mình gặp lại nhau tại Sài Gòn!
Với biết bao háo hức và trông chờ, vậy mà, sau cuộc hành quân đó, trở về, gặp lại nhau ở Sài Gòn, Tâm vẫn “bổn cũ soạn lại”, vẫn gọi Hùng bằng “ông” và vẫn xưng mình bằng “tôi” và... cứ như thế!
Có một lần, trong một quán ăn, trong khi chờ đợi nhà hàng mang thức ăn ra, Hùng nửa đùa nửa thật nói:
- Chữ ‘ông’ và chữ ‘tôi’ em thường dùng với anh, bán bao nhiêu, anh mua phức cho rồi!
Tâm nguýt một cái và vội trả lời:
- Không. Không bán đâu!
Và kèm theo câu, như một tán thán tự mà Tâm vẫn thường dùng theo thói quen: “Cái ông... này!”
Hùng ghi nhận các cá tính đặc biệt của Tâm và cho điểm Tâm như là có tánh khí của một cậu con trai thành thật, bạo dạn, hơi bương bướng, có chút ngỗ nghịch và nhất là có những quyết định bất ngờ vào phút chót.
Những lần, Hùng chở Tâm bằng xe Vespa, khi chạy qua cầu Bình Lợi, ngang đoạn cầu ghép bằng ván, vẫn giữ nguyên tốc độ nhanh, vespa bị trượt, chạy xẹt qua xẹt lại thật nguy hiểm, Tâm chẳng những không sợ, ngược lại, còn rất khoái có được những cảm giác ú tim như vậy! Nói tóm lại, Tâm rất thích “tìm mua cảm giác mạnh”, những màn hồi hộp, ú tim thường có nơi các chàng trai trẻ...

Tâm có nét mặt khá đẹp, ưa nhìn và đầy quyến rũ, cộng với vóc dáng nở nang, khỏe mạnh, mái tóc ngắn kiểu “a la gạc xon” (à la garçonne) và thích bận các loại Jupe ngắn nên trông rất ư là “xì po” và dĩ nhiên rất ư là hấp dẫn!

Môn thể thao Tâm rất mê là bơi lội, Tâm là hội viên và bơi thường trực tại Cercle de Sportif ở đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn; nhưng vẫn thường theo bạn bè đi bơi ở các hồ bơi trong Chợ Lớn hoặc tại hồ bơi Lido, gần Ngã Năm Bình Hòa. Hằng năm, Tâm thường tham dự các cuộc thi bơi ở Sài Gòn và Chợ Lớn; Tâm từng nhiều lần đoạt giải hạng nhì nhưng chưa bao giờ chiếm được giải nhất cả. Tâm rất lấy làm khổ tâm về việc này và vẫn ao ước, ngày nào đó sẽ đoạt được giải nhất cho thỏa ước mơ!

Từ ngày quen và thân với Hùng, mỗi lần đơn vị trở về hậu cứ ở Thủ Đức sau những cuộc hành quân, Hùng thường đưa Tâm đi bơi trên Biên Hòa và Thủ Đức. Đặc biệt ở Thủ Đức, Tâm rất thích bơi ở hồ bơi Ngọc Thủy; hồ bơi này có một cảnh trí rất dễ thương, phía Bắc của hồ bơi là một triền đồi có nhiều cây rậm đầy bóng mát và những “nhà chòi” ở các cao độ khác nhau, nhìn bao quát cả hồ bơi bên dưới thật nên thơ và hữu tình. Một lần, sau khi bơi xong, Hùng và Tâm trở lên “nhà chòi” ngồi nghỉ và nhâm nhi ăn uống; sau khi quan sát thân hình của Tâm qua bộ đồ tắm 2 mảnh, Hùng nói đùa:
- Đến bây giờ anh mới hiểu, tại sao em thi bơi hoài mà chưa bao giờ đoạt được giải nhất!
Đang ngồi dựa lưng vào ghế, nghe câu đó, Tâm bật ngồi thẳng lên nhìn chằm chặp vào Hùng rồi vội hỏi:
- Bộ ông đã khám phá được những điểm kỹ thuật hay thao tác nào tôi làm không đúng do đó làm tốc độ bơi bị giảm lại chăng?
Hùng vội phân bua kèm với nụ cười hóm hỉnh:
- Không, không phải vậy, em bơi thì giỏi lắm, nhưng sở dĩ chưa chiếm được giải nhất vì... vì có... “độ cản” lớn quá!

Mới nghe như vậy, Tâm ngớ người, đăm chiêu suy nghĩ; một lúc sau, nhìn xuống ngực mình, như hiểu ý, mặt đỏ lên, vội đưa tay đấm vào lưng Hùng với câu cố hữu: “Cái ông... này!”
Cứ mỗi dịp Hùng được về Sài Gòn, hẹn Tâm cùng đi chơi (ban ngày) đó đây ở Sài Gòn, hoặc đi ăn nem và trái cây ở Lái Thiêu, hoặc đi ăn thịt rừng ở Tân Vạn và đi tắm ở Biên Hòa v.v... Mỗi lần như vậy, Hùng đưa Tâm về nhà bên Bà Chiểu khoảng buổi chiều hoặc cùng lắm là vào lúc chạng vạng tối. Hôm nào được xin phép đi chơi ban đêm, như đi xi nê hay đi phòng trà thì phải trở về nhà trước nửa đêm. Và lúc nào về tới nhà cũng có người nhà hoặc mấy “đứa nhóc” lảng vảng trước sân hình như đang “đợi chị Tâm về ”! 

Nhưng có một lần, lần này coi như “lịch sử” và “kỷ niệm nhớ đời”! Tối hôm đó, sau khi rời phòng trà Queen Bee, Hùng đưa Tâm đi ăn ở khu Hai Bà Trưng xong, sau đó đưa Tâm về nhà như thường lệ. Chẳng có ai, ngay cả mấy “đứa nhóc” đứng đợi trước sân ! Hùng ngừng vespa, tắt máy, đứng trước nhà khoảng gần 10 phút. Vẫn không thấy ai ra. Khi Tâm định đi vô nhà, Hùng đạp nổ Vespa, Tâm bước đi được mấy bước rồi bất ngờ quay ra, ngồi vội lên yên, vỗ vào lưng Hùng và nói:
- Mình về Linh Xuân Thôn, đi ông!

Như một phản xạ, Hùng rú ga Vespa và vọt đi. Định quay vòng lại để ra chợ Bà Chiểu rồi ra xa lộ Biên Hòa, đi về Thủ Đức cho lẹ. Nhưng Tâm vội chồm ra phía trước, chỉ về hướng Ngã Năm Bình Hòa và nói “Mình đi đường trong đi ông!” Thế là Hùng chạy về hướng cầu Bình Lợi để đi về Thủ Đức. Khi chạy qua khỏi cầu Băng Ky, Tâm vỗ vào lưng Hùng, chỉ vào ánh trăng đang treo trên đầu, Hùng mới nhận biết đêm nay là đêm trăng tròn. Lúc chạy qua cầu Bình Lợi, quang cảnh thật là hữu tình nhưng nước sông bốc lên quá lạnh; Tâm ôm sát vào eo Hùng và áp má vào lưng Hùng như để tìm chút hơi ấm nhưng vẫn kêu lên:
- Ông Hùng ơi, tôi lạnh quá!
Hùng biết Tâm bị lạnh nhiều lắm vì đang mặc cái mini jupe, phần Hùng với cái sơ mi mong manh, cũng cắn răng chịu lạnh trong khi đang rú ga tối đa trên con đường vắng vẻ, mong nuốt ngắn đoạn đường để mau mau về Linh Xuân Thôn...

******
Linh Xuân Thôn là địa danh của một vùng rất rộng, bao gồm khu đồi thuộc Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức (sau này đổi tên là Trường Bộ Binh Thủ Đức) và vùng Chợ Nhỏ. Lần đầu tiên, rời quê hương Nha Trang vào Trường Thủ Đức; tại vùng này, Hùng bắt gặp 2 cái tên rất là chỏi nhau: Linh Xuân Thôn, nghe sao êm đềm, tình tứ; trong khi Chợ Nhỏ, nghe sao thiệt thà, chất phác (y chang cái kiểu Nam Kỳ Quốc, có sao nói... dzậy)!
Hùng tình nguyện gia nhập binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Hậu cứ của đơn vị khi thì Thị Nghè, Gia Định, khi thì Cầu Đá, Nha Trang. Mãi mấy năm sau, đơn vị mới dời hậu cứ về Thủ Đức. Theo sự giới thiệu của Ba Má nuôi (nhà ở khu ngã tư Xa Lộ), Hùng mướn được một căn nhà ở vùng Linh Xuân Thôn (ông chủ nhà là một nhà thầu xây cất, có người con trai đang du học ở ngoại quốc nên tạm cho mướn căn nhà này với giá đặc biệt).

Trên đường đi vào Trường Thủ Đức, chưa tới Chợ Nhỏ, có một con đường nhựa quẹo trái chạy vào trong xóm. Nhà cách đường lộ chính hơn 200 thước. Khu này yên tĩnh. Cái mà Hùng thích nhất là khu này nửa tỉnh, nửa quê. Trước nhà Hùng mướn, chỉ vài thước bên kia đường là một ruộng lúa. Hơn trăm thước bên kia bờ ruộng lúa là một xóm nhà kiểu xưa, mái ngói. Nhà nào cũng có một vườn điều và hàng cau phía trước. Đến mùa điều chín, đứng bên này vẫn thấy được màu đỏ của những trái điều bên kia ruộng. Tiếp nối sau xóm nhà này về phía Bắc, là những xóm nhà hiền hòa, mà lúc trước khi còn học trong Trường Thủ Đức, mỗi lần đi ra bãi học chiến thuật hoặc ra sân bắn, Hùng và các bạn phải lội bộ qua vùng này...

Sống ở đây, nhìn lại cảnh cũ, gợi nhớ bao kỷ niệm lúc mới chập chững vào đời lính; do đó cái tên Linh Xuân Thôn sao nghe nó gần gũi, thân thiết và đáng yêu biết mấy đối với Hùng.
Từ ngày quen biết với Tâm, Hùng đã giới thiệu, còn hơn thế nữa, đã quảng cáo về cái Linh Xuân Thôn của mình. Sự quảng cáo này xem ra rất “ép phê” đối với Tâm, Tâm như bị “thẩm thấu” và “nằm lòng” về những cái đáng yêu của Linh Xuân Thôn này mất rồi! Và cái điều quan trọng và chính yếu Hùng muốn truyền đạt khi nói “Linh Xuân Thôn” có nghĩa là nói về căn nhà Hùng đang mướn và đang ở tại thôn này!


Một trong những điều Hùng “ca” về cái Linh Xuân Thôn của mình là sự thuận tiện về không gian “Ở đây đi vào đơn vị cũng gần. Còn lúc nào nghỉ, đi chơi, chỉ ‘rẹt’ ra xa lộ Biên Hòa là ‘vèo” tới Sài Gòn!”

******
Tâm đã nhiều lần ghé về Linh Xuân Thôn. Chỉ ghé về “thăm nhà” (tiếng của Hùng) trong vòng tiếng đồng hồ để sửa soạn, “cụ bị” đồ đạc, dụng cụ trước khi cùng Hùng đi chơi miệt Bình Dương, Lái Thiêu, Biên Hòa hay đi bơi ở Thủ Đức. Và chỉ có thế! Chưa bao giờ Tâm ở lại đêm tại Linh Xuân Thôn. Đêm nay là lần đầu tiên!

Tâm duyệt lại “đoạn phim” khi Hùng đưa Tâm về nhà, không thấy ai ra đón. Đợi một lúc. Quyết định vào nhà. Bước đi mấy bước. Vụt quay trở ra và quyết định đi về Linh Xuân Thôn.
Tâm cũng biết chắc rằng, từ ngày quen biết Hùng đến nay, chưa bao giờ Hùng “gợi ý” (chớ đừng nói tới “gạ gẫm”) rủ rê Tâm về nhà ban đêm! Tâm cũng đang lo, không biết ngày mai về nhà, sẽ nói với cha mẹ như thế nào? Làm sao trả lời được những câu hỏi Tâm tự vẽ ra. Đi đâu? Đi với ai? Làm gì? Tại sao không về nhà? Đang bị khuấy động với biết bao câu hỏi đang nhảy múa trong đầu thì tiếng xe Vespa ngừng nổ. Định thần lại, Tâm mới biết hai người đã về đến Linh Xuân Thôn!

Phần Hùng, cũng đang lo trong bụng, vì từ ngoài đường phố quẹo trái vào nhà, sao thấy tối om! Loay hoay một lúc, mở được cửa phòng, bật công tắc. Vẫn tối om. Đêm nay Linh Xuân Thôn bị cúp điện! Vào nhà, bật hộp quẹt, lúi húi đi tìm đèn cầy. May quá còn được mấy cây.
- Thôi đành đốt đèn cầy cho nó có vẻ ‘rô măng tích’ một chút, em há!

Hùng nói đùa với Tâm như vậy, thật ra cũng muốn như tự an ủi lấy mình trong hoàn cảnh bất khả kháng này!
Sau khi đốt đèn cầy trong phòng tắm, Hùng hướng dẫn Tâm vào, đưa kem đánh răng và cái bàn chải đánh răng mới cho Tâm. Tiện thể, Hùng cũng đưa cho Tâm một bộ khăn tắm chưa dùng và một bộ đồ ngủ màu xanh lá mạ và nói: 

- Bộ Pyjama này anh chưa mặc, còn mới cáu cạnh, mời em khai trương. 

Tâm vội đưa tay tiếp nhận và nhanh nhẫu trả lời:
- Ông thật chu đáo. Tôi cám ơn ông nhiều lắm!
Trong lúc Tâm đang tắm, Hùng ra nhà trước, kéo một cái bàn tròn và 2 cái ghế ra trước hàng hiên. Vào tủ lạnh lấy ra mấy lon bia, một chai nước ngọt và một ít trái cây ra bày biện trên bàn. Có lẽ điện mới bị cúp tối nay cho nên thức ăn và đồ uống trong tủ lạnh vẫn còn lạnh và mấy dĩa nước đá vẫn còn xử dụng được!
Sau khi tắm xong, Hùng mời Tâm ngồi trước hàng hiên và nói:
- Em ngồi nhâm nhi lai rai và ngắm trăng trong khi anh đi tắm. Em thấy không, nhờ bị cúp điện nên dưới ánh trăng, ruộng lúa và xóm nhà bên kia trông thật hữu tình!

Sau khi tắm xong, Hùng ra ngồi hút thuốc và nhâm nhi mấy chai bia. Tâm chỉ uống nước ngọt, ăn qua loa ít trái cây và cứ than vì mới ăn dưới Sài Gòn trước khi về nên còn no quá!
Dưới ánh sáng trăng và qua ánh sáng đèn cầy trong nhà hắt ra, trong bộ đồ ngủ màu xanh lá mạ, Tâm trông lạ và đẹp hẵn ra, làm Hùng buột miệng khen:
- Anh vẫn quen mắt nhìn em qua hình ảnh khi thì bận Jean, khi thì mini jupe, khi thì bận deux pièces. Còn đêm nay em bận Pyjama, trông rất lạ mắt, em thật là đẹp và chưa bao giờ em đẹp như đêm nay!
Qua cung cách và lời nói của Hùng, Tâm biết anh nói thiệt tình chứ không phải cố ý “nịnh”. Nhưng với thói quen cố hữu, Tâm đập vào cánh tay chàng rồi nói “Cái ông... này!” 

Tâm mắt lim dim nhìn cảnh vật, hai cây vú sữa và hàng rào dâm bụt thấp trước sân nhà, ruộng lúa sát bên kia đường, xóm nhà bên kia bờ ruộng với những cây cau vút cao lên như điểm thêm những nét chấm phá trên nền trời xanh sáng. Bên ngoài, cảnh vật thật yên bình và thật mơ mộng trong khi đó bên trong, tình cảm Tâm như đang khuấy động, đang rạt rào, dâng sóng... Tâm gục đầu vào vai Hùng, hai vòng tay siết mạnh ngang hông Hùng và thều thào:
- Ông Hùng...

Ngồi thêm một lúc khá lâu, cả hai cùng thấm lạnh. Lúc đó đã quá khuya, hơn 1 giờ sáng rồi còn gì! Hùng đưa Tâm vào phòng ngủ, ra dọn dẹp bàn ghế vào nhà, rồi nằm ngủ trên ghế sofa. Vì lúc nãy Hùng để cửa mở nên muỗi bay vào nhà nhiều quá. Hùng tìm được một cái quạt, cứ quạt xoành xoạch hoài mà không sao ngủ được. Trong phòng ngủ, chắc Tâm nghe tiếng động của quạt nên bước ra ngoài phòng khách và nói:
- Tội nghiệp ông quá, ông nhường giường ngủ có mùng cho tôi, trong khi đó nằm đây chịu trận với đám muỗi làm tôi áy náy quá. Hay là ông cứ vào ngủ trong giường cũng được!
Được lời như mở cờ trong bụng, Hùng ngồi bật dậy, liệng cái quạt xuống sofa rồi diễu:
- Thôi, xin giã biệt Cà Mau. Ta đi về Linh Xuân Thôn đây!
Vào ngủ chung giường, cái này hơi rắc rối! Chưa ai nghĩ đến điều này, ngay cả Hùng cũng vậy! Mặc dù Hùng và Tâm không phải răm rắp như lời các cụ ngày xưa truyền dạy “Nam nữ thọ thọ bất thân!” Không! Họ đã từng hôn nhau, đã từng trong tay nhau rồi kia mà! Nhưng nằm chung giường với Tâm như thế này, thì quả thật, ngoài sức tưởng tượng và ngoài dự trù; mặc dù Hùng đã có kinh nghiệm qua những lần “thử lửa” với các cô gái khác!

Khi lên giường, Hùng dùng bàn tay vạch một đường tưởng tượng giữa hai người rồi trịnh trọng tuyên bố: 

- Đây là sông Bến Hải. Là vĩ tuyến 17. Em Bắc Kỳ, em ở phía Bắc; còn anh ở phía Nam. Hiệp định Genève đã ký. Hai bên không được xâm phạm lãnh thổ của nhau. OK?
Tâm cũng thấy vui vui và hơi yên bụng, nên hỏi vặn:
- Ừa, hiệp định Genève đã ký. Ông phải giữ lời. Không được vượt tuyến. Không được xâm lăng đó nghe?
Hùng cũng diêu diễu đáp lại:
- Ký trên giấy tờ là một chuyện, còn xâm lăng hay không, thì hạ hồi phân giải!
Tâm ký vào đầu Hùng một cái kèm theo “Cái ông... này !”
Nói thì nói như vậy, ranh giới thì vạch ra như vậy, nhưng Tâm đang nằm trong vòng tay của Hùng. Môi kề môi. Họ từ từ rơi vào giấc ngủ...

Không biết họ ngủ vùi như vậy được bao lâu, cho đến khi trong cơn nửa mê nửa tỉnh, Tâm mơ hồ như bộ pyjama màu xanh lá mạ không còn dính trên người mình. Tâm đang ôm ghì lấy Hùng. Chạm mạnh và trọn vẹn khắp vùng da thịt Hùng. Họ đang hôn nhau. Họ đang xoắn xuýt trong nhau. Tâm cảm giác được những tung vỡ, những tê điếng trong cơ thể mình. Nhận biết được những quằn quại và nhức nhối trên phần thân xác mình. Tất cả như đang bùng nổ, tung hê. Và Tâm cảm nhận như đang được hưởng, được nhận lãnh trọn vẹn những đê mê, những tuyệt vời trong lần hiến dâng đầu tiên đời con gái! Trong cơn mê đó, Tâm mơ hồ như đang kêu gào, đang rên rỉ, đang thảng thốt với những lời đứt quãng, ngập ngụa trong mênh mông với tràn đầy yêu thương, chất ngất “Anh Hùng. Anh Hùng. Em yêu anh!”

******
Đối với Tâm, đêm Linh Xuân Thôn vẫn hằn đậm nét và cho dù, sau này, cuộc tình có chuyển hướng ra sao, kỷ niệm này vẫn nhớ mãi một đời! Về phần Hùng, đêm Linh Xuân Thôn là một trong những kỷ niệm đáng nhớ và khó nhạt nhòa. Thời gian còn bên nhau, cho dù đi chơi ở đâu, Hùng vẫn thường đùa lấy tay khều nhẹ vào tay Tâm rồi nói: “Thôi. Mình về Linh Xuân Thôn. Đi em!” Dĩ nhiên, câu này, Hùng không hàm ý mun rũ Tâm đi về nhà mình ở Linh Xuân Thôn; mà chỉ muốn gợi lên một hình ảnh, một kỷ niệm thật đậm nét về một không gian mà hai người đã có với nhau! Và, lúc nào cũng vậy, Tâm nguýt Hùng một cái và lập lại điệp-khúc-muôn-thuở: “Cái ông... này!”

Năm Khánh Tâm lên lớp Đệ Nhị ở Trưng Vương, cuộc sống có nhiều đổi thay ập đến. Lúc đang hành quân ở Quảng Ngãi, Hùng nhận được một thư ngắn của Tâm, chỉ một trang giấy học trò, qua nội dung lá thư, được biết vì công việc, ba Tâm và cả nhà phải chuyển về Nha Trang và Tâm phải ở nhờ tại nhà một người dì ở Sài Gòn để tiếp tục đi học. Trong khi chuyện buồn trong gia đình chưa nguôi ngoai thì Tâm lại tìm hiểu và phát giác thêm việc Hùng đang có mối liên lạc khá đặc biệt với một người bạn cũ ở Làng Đại Học Thủ Đức. 

Tâm cho biết thêm, hiện đang bị rối bời, rất buồn, rất khổ tâm và sẽ có một quyết định mới cho hướng đi của đời sống mình trong một tương lai rất gần. Và không quên gởi lời chúc “móc họng”: “Chúc ông được nhiều hạnh phúc trên ‘đường xưa lối cũ’!” Cuối thư, Tâm còn ghi thêm 2 hàng “Người đang quen, Khánh Tâm” và “Lúc nào tôi cũng yêu ông!”

Lần đó, đơn vị Hùng hành quân liên miên trong hơn 4 tháng, từ Quảng Nam vô Quảng Ngãi rồi ra lại Quảng Nam, sau đó mới được về lại hậu cứ Thủ Đức. Dịp này, Hùng đến nhà cũ của gia đình Tâm ở Bà Chiểu để hỏi thăm tin tức. Người chủ mới ngôi nhà này không biết gì thêm ngoại trừ: “Nghe nói họ đổi ra Nha Trang”. Lần thứ 2, Hùng trở lại tìm, may quá gặp được “mấy đứa nhóc lối xóm”, mấy đứa nhóc cho đi quá giang năm nào, chúng cho biết “Chị Tâm đã đi lính rồi!” Đó là tin tức cuối cùng và rất mơ hồ mà Hùng ghi nhận được khi hỏi về Tâm.

Vào mùa Thu năm 1967, đơn vị Hùng đang hành quân trong vùng đèo Phù Cũ, Bình Định, một hôm, trong một chuyến tiếp tế cho đơn vị hành quân, Hùng nhận được một số thư từ và sách báo do một chú đệ tử từ hậu trạm ở Bình Định gởi ra. Khi mở thư của chú đệ tử, chú ấy cho biết vắn tắt hôm chú ấy vào Tiểu Khu, thật bất ngờ gặp lại cô Tâm. Cổ hỏi thăm tin tức ông thầy. Em cũng cho cổ biết bây giờ ông thầy đang ở đâu. Cổ cũng gởi cho ông thầy một lá thư, em kèm theo đây luôn”.

Mở thư Tâm, một cái “note” thì đúng hơn, Tâm cho biết một số tin vắn tắt nàng tình nguyện gia nhập Khóa Hạ Sĩ Quan/Nữ Quân Nhân/VNCH. Khi mãn khóa, xin đi phục vụ ở những đơn vị thật xa như Đông Hà, Quảng Trị hoặc Thừa Thiên nhưng ngoài đó không có nhu cầu, đành phải chọn nơi xa nhất là Bình Định. Mới phục vụ tại đây được mấy tháng. Sắp đi công tác tại Bồng Sơn và Tam Quan. Khi nào ra ngoài đó sẽ liên lạc với Hùng, nếu anh không vào vùng hành quân, có thể ghé thăm ông để xem bây giờ ông ra sao! Và cuối cái “note” Tâm viết: Phần tôi. Tôi vẫn thế!”

Đọc xong cái “note”, Hùng ngồi thừ người với rất nhiều câu hỏi và thắc mắc đang nhảy múa trong đầu... Nhớ lại, mấy đứa nhóc hàng xóm của Tâm đã nói: “Chị Tâm đi lính rồi!” Hùng tưởng tụi nó nói bậy bạ, nói tào lao; ai dè sự thật đúng như vậy! Như Hùng đã biết về tánh khí của Tâm, nàng giống như một đứa con trai thành thật, bạo dạn, hơi bương bướng, có chút ngỗ nghịch, có những quyết định bất ngờ vào phút chót... 

Qua thư cuối cùng của Tâm mà Hùng nhận được ở Quảng Ngãi trước đây: “đang bị rối bời, “rất buồn”, “rất khổ tâm”, “sẽ có một quyết định mới cho hướng đi của đời sống”...
Có lẽ trong lúc đang bị ngụp lặn trong bối cảnh rối ren, phức tạp về mặt tâm lý và tình cảm, đã dẫn đưa Tâm đến quyết định thật bất ngờ vào giờ phút chót: Nhập ngũ! Và Hùng nghe thêm nhức nhối khi tự hỏi mình có phần trách nhiệm trong việc thay đổi hướng đi cuộc đời Tâm? Với tâm trạng rối bời, Hùng chưa biết phải phản ứng như thế nào đối với Tâm trong hoàn cảnh này, nên thông cảm để chấp nhận, hoặc nên giận, hoặc nên thương?

******
Đơn vị Hùng mới trở ra vùng đèo Phù Cũ được 2 ngày sau một cuộc hành quân. Qua sự liên lạc trước, trên đường đi công tác ở Bồng Sơn, Tâm và một người bạn gái (cùng đơn vị) ghé thăm Hùng tại vị trí đóng quân, sát Quốc lộ 1. Sau hơn 1 năm mới gặp lại, qua bộ Treillis, trông Tâm chững chạc hơn, nhậm lẹ hơn, rắn chắc hơn. Thấy Tâm vui vẻ, thoải mái và tự tin hơn làm Hùng hơi yên bụng! Cô bạn gái cùng đi với Tâm là một Hạ sĩ, rất xinh xắn, nhanh nhẩu và liến thoắng; cô này nói chuyện vui vẻ, dễ gây cảm tình. Qua sự giới thiệu của Tâm, cô này gốc Hoa, có cái tên ngồ ngộ, nhưng hơi khó đọc “Triệu Bửu Huởn”. Sau khi nói chuyện với nhau khá lâu, biết về nhau thêm, nói chuyện vui vẻ và nhất là có thiện cảm với nhau qua lần sơ ngộ này. Với cái tánh tiếu lâm cố hữu, trong khi nói chuyện với Tâm và cô bạn gái, Hùng nói: 

- Huởn có cái tên thật đặc biệt, bắt đầu bằng 3 chữ “Tê Bê Hát” nhưng, hơi... líu lưỡi. Thôi để anh đặt cho em một cái tên mới cho rồi!
Huởn nhanh nhẩu hỏi:
- Anh định đặt cho em tên mới là chi vậy anh?
Hùng cố làm mặt nghiêm, không cười trả lời: 

- Trẹo Bảng Họng!
Tâm bật cười ngặt nghẽo, thụi một cái tht mạnh vào lưng Hùng rồi buông “Cái ông... này!”
Riêng Huởn, cũng ôm bụng cười lớn, rồi nói: 

- Chị Tâm đã nói với em về ‘Ông Hùng’ của chỉ thật nhiều, chỉ nói anh rất vui tánh, khoái tiếu lâm. Bây giờ em mới xác nhận được. Anh thiệt là... ‘hết sẩy’!
Từ đó, giữa 3 người, ngầm đồng ý và vui vẻ dùng cái-chết-tên “Trẹo Bảng Họng” mà Hùng đã đặt cho Huởn.

Tối hôm đó, Tâm và cô “Trẹo Bảng Họng” ở lại nơi Đại đội Hùng đang đóng quân, trên đồi. Các chú đệ tử làm thêm một cái lều riêng cho cô “Trẹo Bảng Họng”. Cũng may mà ngày hôm trước, đơn vị mới nhận được tiếp tế, nên mấy chú đệ tử cũng xoay xở để có được một bữa cơm “thịnh soạn” rất ư là hành quân để đãi khách!
Sau khi ăn xong, tiếp theo là chầu trà, cà phê, bánh ngọt và ngay cả trái cây để tiếp tục nói chuyện... đời! Qua những lời thuật lại của cô “Trẹo Bảng Họng”, Hùng mới biết Tâm đã “trút hết bầu tâm sự” cho cô bạn này! Ngoài những sự việc đã xảy ra trong gia đình Tâm (về mặt nổi) và những ngóc ngách sâu lắng trong tình cảm của Tâm (về mặt chìm) hầu như cô “Trẹo Bảng Họng” đã biết tường tận, có thể nói là... từ kẻ tóc đến chân tơ!

Tới giờ đi ngủ, Hùng nói với cô “Trẹo Bảng Họng”:
- Anh đã coi lại, trong lều em, đã có đủ mọi thứ cần thiết: mùng, mền, gối v.v... Chỉ rất tiếc là không thể nào tìm được cái “gối ôm” cho em thôi!
Cô “Trẹo Bảng Họng” biết Hùng nói diễu để “méo mó” về cái “gối ôm”, nên cô cũng trả đũa với chữ nghĩa rất ư là lính:
- Em thì cô đơn quen rồi, không có “gối ôm” cũng không sao! Em chỉ mong đêm nay sẽ được ngủ ngon và sẽ không bị quấy rầy vì ‘pháo kích’!
Khi cô “Trẹo Bảng Họng” đã chui vô lều, Hùng khều khều vào tay Tâm và nói:
- Thôi ! Mình về Linh Xuân Thôn. Đi em!
Tâm khẽ đấm vào lưng Hùng, và vẫn với lời mắng yêu “Cái ông... này!”
Tuy vậy, Tâm vẫn lom khom đi theo Hùng, cùng chui vào cái... “Túp lều lý tưởng”. Qua quãng thời gian dài không gặp, với tình yêu bị dồn nén trong cô đơn với biết bao khổ đau, quặn thắt, dày vò... Bây giờ, đêm nay, tất cả như đang tung vỡ, tất cả như đang ngập ngụa. Tiếng dội như vang vang khắp vùng đèo Phù Cũ im lìm, cô quạnh qua lời thảng thốt trong đêm vắng: “Anh Hùng. Anh Hùng. Em yêu anh... Em mãi yêu anh... Và chỉ mình anh thôi!”

Sau đêm ở lại với Hùng, trưa ngày hôm sau, cả Tâm và cô “Trẹo Bảng Họng” tiếp tục lên đường đi công tác ở Bồng Sơn và Tam Quan. Được biết, sau lần công tác đó (khoảng 10 ngày), họ trở về Bình Định bằng trực thăng từ Phi trường Quân sự Đệ Đức (phía Bắc Bồng Sơn).
Không ai ngờ được rằng, cái đêm “hội ngộ” ở vùng đèo Phù Cũ năm 1967... Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Hùng gặp và làm quen với cô “Trẹo Bảng Họng”. Và đó cũng là lần cuối cùng Hùng gặp lại Khánh Tâm!

******
Tết Mậu Thân (1968) đến. Cộng sản Bắc Việt và tay sai của chúng, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã vi phạm lệnh hưu chiến trong thời gian Tết Nguyên Đán. Chúng đã tấn công trên hầu hết các tỉnh lỵ, các Thành phố lớn và quan trọng của Việt Nam Cộng Hòa. Đơn vị của Hùng sau cuộc hành quân giải tỏa Thành Nội và Cố Đô Huế, được không vận gấp về Sài Gòn để giải tỏa áp lực của Việt Cộng vào vùng Sài Gòn - Chợ Lớn trong Tổng Công Kích đợt 2 vào tháng 5 và tháng 6/1968. Đặc biệt tại vùng Thị Nghè, Đồng Ông Cộ, Ngã Năm Bình Hòa, Gò Vấp, Bình Lợi v.v... đã nổ ra các trận đánh lớn. Có trận Việt Cộng đã ra đầu hàng hàng loạt hơn 200 người...

Hôm đơn vị Hùng được lệnh giải tỏa áp lực địch trong vùng các trại cưa gần cầu Bình Lợi. Khi chiếm xong vùng mục tiêu này, đơn vị Hùng đã gây một thiệt hại lớn cho địch với gần trăm xác còn nằm tại trận địa. Được lệnh tiếp tục truy kích địch tại khu đường rầy gần cầu Bình Lợi và trong đợt tấn công này, Hùng bị thương nặng vì đạn B40 vào ngực và bụng. Sau đó Hùng được chuyển ngay về Bệnh Viện Cộng Hòa ở Gò Vấp.

Trong tuần lễ đầu, Hùng được giải phẫu nhiều lần, tình trạng rất là nguy kịch, Hùng được chuyển đến một phòng đặc biệt để được Bác sĩ và Y tá săn sóc cấp thời khi cần. Chú đệ tử thân cận nhất của Hùng cũng được đặc biệt ở lại trong Bệnh viện để giúp đỡ và săn sóc thêm cho Hùng. Khi vào thăm, thấy Hùng với bịch máu bên hông, dây nhợ chằng chịt nối liền với các y cụ khác chung quanh, qua các y cụ này, hiện lên các tín hiệu và các biểu đồ... Hùng được trang bị và nai nịt như một phi hành gia... thứ thiệt! Mấy hôm sau, tình trạng của Hùng có vẻ khá hơn, các dây nhợ bớt chằng chịt hơn, cái mặt nạ và ống nối với bình dưỡng khí cũng không còn bị đeo thường trực. Hùng có thể giơ tay làm hiệu hoặc nói nho nhỏ với chú đệ tử, y tá hoặc bác sĩ! Tình trạng Hùng được đánh giá như “có một số dấu hiệu khả quan được ghi nhận”.

Một hôm chú đệ tử của Hùng chạy về hậu cứ Thủ Đức, lấy lên cho ông thầy một ít đồ dùng theo yêu cầu của Hùng và một xấp thư hậu cứ Tiểu Đoàn mới nhận được. Chú đệ tử lấy dao rọc sẵn các bao thư để cho ông thầy đỡ mất công và đỡ khó khăn khi phải mở từng bì thư. Chú đệ tử lăng xăng dọn dẹp các ly tách và dụng cụ trên các bàn trong phòng vì từ sáng đến giờ mắc đi về hậu cứ, tuy nhiên vẫn theo dõi nét mặt ông thầy, để xem có gì buồn, vui hay không?

Hùng đọc một số thư trong trạng thái bình thường chẳng có gì vui hoặc buồn hiện lên nét mặt. Nhưng đến một lá thư khá dày, khi nhận ra tên người gửi, nét mặt Hùng vụt vui hẳn lên. Hùng cười có vẻ thích thú và nói nho nhỏ một mình: “Ồ! Thư của cô Trẹo Bảng Họng”. Nội dung thư, phần đầu, Hùng được biết thêm một số công tác và sinh hoạt của Tâm và cô “Trẹo Bảng Họng” đã làm trong mấy tháng vừa qua. Cô ta cũng nhắc đến một số vấn đề quan trọng giữa hai gia đình (dĩ nhiên Tâm đã “xì” những tin tức “bí mật” này): Như việc gia đình Hùng ở miệt Thành, Nha Trang đã đến thăm gia đình Tâm hiện đang sống ở khu Xóm Mới, Nha Trang, hai gia đình muốn làm một nhịp cầu để “hai cháu” có thể cùng nhau tay trong tay tiến xa hơn: đến hôn nhân, đó là điều cả hai gia đình đều trông chờ... Điều này Hùng cũng đã biết qua thư của gia đình mình và qua thư của Tâm, Hùng nhận được cách đây hơn 2 tháng.

Cô “Trẹo Bảng Họng” nói thật nhiều và cố tình diễn đạt rõ ràng như một thông điệp khẳng định về việc cô ta biết tận tường về tình yêu của Tâm đã dành cho Hùng. “Em biết một cách rất chắc chắn và dứt khoát rằng, trên cõi đời này, không có một người con gái nào yêu anh ghê gớm, dữ dội như chị Tâm đã yêu anh” Hùng ngưng đọc, mỉm cười và nói một mình “Cái kiểu này, chắc cổ muốn ăn cái đầu heo đây!”

Khi đọc đến phần cuối thư, mắt Hùng như hoa lên làm nét chữ trong thư như nhạt nhòa. Hùng đọc thư nhưng có cảm giác như khi được, khi mất, lúc ẩn, lúc hiện. Hùng quên mất thực tại, không biết mình đang làm gì, đang ở đâu! Bên tai, hình như đang văng vẳng nghe lời một người nào đó, ai oán, kể lể:
- Chắc giờ này anh đang tiếp tục hành quân ngoài Huế? Còn tụi em, tưởng đã thoát khỏi những ngày đen tối của Tết Mậu Thân vừa qua, nhưng không. Hôm đầu tháng 6, một đơn vị Việt Cộng, như để trả thù cho lần thảm bại trong dịp Tết Mậu Thân, đã trở lại tấn công qui mô vào một tiền đồn phía Tây Bắc tỉnh Bình Định. Lần tấn công đó, chúng không đạt được mục đích như vẫn tuyên truyền: muốn xóa sạch tên đơn vị này, nhưng chúng đã gây cho đơn vị anh hùng này một số tổn thất đáng kể. Mấy hôm sau, tụi em cùng phái đoàn tỉnh đi lên thăm và ủy lạo đơn vị này. Không may, khi còn khoảng hơn 3 cây số mới tới đơn vị thì phái đoàn bị phục kích. Lực lượng phục kích của Việt Cộng thì không nhiều, nhưng hỏa lực trên đồi bắn xuống, nhất là hỏa lực súng cối của chúng thật ồ ạt và khủng khiếp. Chính hỏa lực này đã gây cho phái đoàn một số thương vong. Em chỉ bị thương nhẹ ở vai và lưng nhưng cũng cố lê lết kéo chị Tâm vào núp dưới một gộp đá cạnh lề đường. Xui một cái là chị Tâm bị thương quá nặng vì bị nhiều mảnh đạn ghim vào ngực. Em đỡ chị Tâm bằng hai tay, em sợ quá, chỉ biết kêu gào và khóc nức nở trong khói lửa mịt mù! Chị Tâm đã chết trong tay em. Trước khi chết, trong lúc hấp hối, chị Tâm vẫn sảng sốt và thều thào gọi mãi tên anh”.

Chú đệ tử thấy ông thầy mặt như trắng bệch, buông rơi những tờ thư, tay run rẩy ôm lấy ngực và kêu lên ú ớ. Hoảng quá, chú chạy ào đến phòng y tá trực gần nhất để kêu cứu. Mấy người y tá rầm rập chạy đến phòng Hùng. Xúm nhau, mấy người đẩy, mấy người phụ cầm theo những y cụ. Họ chạy như bay qua phòng cấp cứu gần đó...

******
Hùng thấy mình như đang bềnh bồng, đang lửng lơ, đang bay bổng. Mà sao lạ quá, Hùng có cảm giác như mình đang tung vút lên cao, và bên tai, nghe mơ hồ như có tiếng sáo diều réo rắt, như tiếng nhạc thiên thần đầy huyền bí, gọi mời.
Và ơ kìa, Khánh Tâm vụt hiện ra. Vẫn với dáng nét thân quen. Vẫn với nụ cười rạng rỡ!

Tâm nâng và vung hai cánh tay về phía Hùng như vẫy gọi, như đón chào. Hùng có cảm tưởng như hai người đã bị xa cách từ nghìn trùng, qua ngút ngàn thời gian với rất nhiều chướng ngại và điệp trùng thay đổi; giờ đây mới có dịp gặp lại!
Hùng cố nhoài người vươn tới cho đến khi chạm vào cánh tay Tâm, và như sực nhớ một huyền sử của kiếp nào xa lắc, Hùng khều nhẹ vào cánh tay Tâm và với lời nhẹ nhàng như gió thoảng nhưng đầy khêu gợi và đầy tha thiết gọi mời: “Thôi. Mình về Linh Xuân Thôn. Đi em!” Khánh Tâm, vẫn với cái nguýt làm ngọt đuôi con mắt, vẫn với lời như âu yếm, như dỗi hờn; giống như điệp khúc nào của ngàn năm huyền thoại qua lời vi vu: “Cái ông... này!”

Tâm, cứ làm như mình là chủ nhà, như muốn chứng tỏ mình đã sống ở đây từ lâu, đã rành rẽ mọi đường đi lối về nơi không gian đầy thiên sắc này! Tâm nắm chặt bàn tay Hùng để kéo Hùng đi. Lướt những bước nhẹ nhàng trên đỉnh những cụm mây bềnh bồng đang bay bay, cùng nhau hướng về vùng ánh sáng ửng hồng nơi cuối chân trời...
Ở đó, không còn chia xa, không giận hờn, không khổ đau, không thù hận.
Ở đó, chỉ toàn một màu hồng, với ngập tràn:
Hạnh phúc.
Thương yêu.
Và... Miên viễn!


Phan Công Tôn

Thương Yêu Đậm Đầy - Đỗ Công Luận

Một Chuyến Bay Bình Thường Nhưng Mang Theo Câu Chuyên Không Tầm Thường

 

Margaret vừa yên vị trong khoang hạng thương gia của chuyến bay từ Los Angeles đến Boston thì một sự huyên náo ở vài hàng ghế phía trước thu hút sự chú ý của tất cả mọi người.  

“Tôi không chấp nhận ngồi cạnh bà ta!”  

Một người đàn ông tên Henry gắt gỏng với tiếp viên, chỉ thẳng vào Margaret bằng ánh mắt khinh miệt. 

“Thưa ông, đây là chỗ ngồi của bà ấy, chúng tôi không thể thay đổi,” tiếp viên đáp lại dứt khoát.

Henry nhíu mày, liếc nhìn bộ quần áo giản dị của Margaret. 

 “Ghế hạng thương gia này không hề rẻ,” ông ta nói to, “và bà ta trông chẳng giống ai có thể ngồi ở đây.” 

Margaret, một cụ bà ngoài 80, ngồi im lặng, đôi bàn tay run run nắm chặt chiếc túi nhỏ khi những tiếng xì xào vang lên quanh mình. Những hành khách khác bắt đầu ngoảnh lại nhìn.

Cảm thấy xấu hổ nhưng vẫn điềm tĩnh, bà nghiêng người về phía tiếp viên và nói nhẹ nhàng: 

“Nếu làm mọi chuyện dễ dàng hơn, tôi có thể chuyển xuống khoang phổ thông. Tôi đã dành dụm cả đời mới có thể mua vé này, nhưng tôi không muốn gây phiền phức.”  

Tiếp viên lắc đầu kiên quyết.  

“Không, thưa bà, bà đã trả tiền cho chỗ ngồi này và có đầy đủ quyền lợi ở đây. Xin hãy yên vị.” 

Cô quay sang Henry, giọng nghiêm khắc: 

“Thưa ông, nếu ông không bình tĩnh lại, chúng tôi sẽ phải báo cáo hành vi này.” Henry lầm bầm khó chịu nhưng cuối cùng cũng chịu ngồi xuống.

Margaret điều chỉnh lại túi xách và quay mặt ra cửa sổ, mong cơn hỗn loạn này nhanh chóng qua đi. Đây là lần đầu tiên bà đi máy bay, và mọi thứ đã quá sức choáng ngợp. Khi máy bay cất cánh, Margaret vô tình làm rơi túi. Bất ngờ thay, chính Henry cúi xuống giúp bà nhặt lại.

Ông nhặt lên một chiếc mặt dây chuyền bằng vàng nhỏ bé lăn ra từ túi, ngắm nhìn một lát trước khi đưa lại cho bà. “Chiếc locket này thật đẹp,” ông nói, giọng điệu đã dịu đi.  

“Tôi làm nghề thẩm định đồ cổ nhiều năm rồi, và món đồ này rất có giá trị.” 

Margaret mỉm cười nhạt nhòa khi nhận lại kỷ vật.  

“Không phải theo cách ông nghĩ,” bà nói. “Nó là món quà cha tôi tặng mẹ trước khi ra trận. Ông ấy đã không trở về, và nó trở thành thứ quý giá nhất của mẹ tôi. Khi tôi còn nhỏ, bà đã truyền lại nó cho tôi. Đây là ký ức mà không có tiền bạc nào có thể mua được.”  

Bà mở mặt dây chuyền ra, bên trong là hai bức ảnh nhỏ.  

“Đây là cha mẹ tôi,” bà nói, chỉ vào một bức ảnh.  

Sau đó, với một nụ cười đầy hoài niệm, bà chỉ vào bức còn lại.  

“Và đây là con trai tôi.”  

Henry nhướn mày.  

“Con trai bà? Bà đến Boston để thăm cậu ấy sao?”  

Margaret ngập ngừng trước khi trả lời.  

“Không hẳn. Tôi đã phải cho con đi làm con nuôi khi nó còn bé. Khi ấy, tôi không đủ khả năng để nuôi dưỡng nó. Gần đây, tôi tìm lại được nó qua xét nghiệm DNA, nhưng nó không muốn gặp tôi. Nó nói rằng nó đã có cuộc sống riêng và không cần tôi xuất hiện trong đó.”  

Henry cau mày.  

“Thật khó khăn. Nếu nó không muốn gặp bà, tại sao bà vẫn lên chuyến bay này?” 

Đôi mắt Margaret long lanh, nhưng giọng bà vẫn vững vàng.

“Hôm nay là sinh nhật của nó. Nó là cơ trưởng của chuyến bay này. Tôi chỉ muốn được gần nó, dù nó không biết tôi ở đây.”  

Henry chết lặng. Một tiếp viên đứng gần đó, đã nghe được toàn bộ câu chuyện, vội vàng rời đi.  

Vài phút sau, giọng nói từ loa phát thanh vang lên.  

“Kính thưa quý khách, đây là cơ trưởng của chuyến bay. Hôm nay, tôi muốn gửi lời chào đặc biệt đến một hành khách đáng kính – mẹ ruột của tôi, người đang bay lần đầu tiên trong đời. Mẹ, cảm ơn mẹ vì đã luôn yêu con, dù từ rất xa. Xin mẹ hãy đợi con khi hạ cánh.” 

Tiếng xì xào vang lên khắp khoang, rồi nhường chỗ cho những tràng pháo tay rời rạc nhưng chân thành.  

Margaret run rẩy đưa tay lau những giọt nước mắt. Henry, tràn đầy hối lỗi, nắm lấy tay bà.  

“Tôi xin lỗi vì đã đối xử với bà như vậy,” ông nói thật lòng. “Bà là một người mẹ tuyệt vời.”  

Khi máy bay hạ cánh, hành khách dõi theo khoảnh khắc khi cơ trưởng bước ra từ buồng lái và tiến thẳng đến Margaret. Không chần chừ, anh ôm lấy bà thật chặt. Những tràng vỗ tay bùng lên khắp cabin.  

“Cảm ơn mẹ vì đã yêu con đủ nhiều để cho con một cuộc sống tốt đẹp,” anh thì thầm.  

Margaret siết chặt con trai, giọng bà vỡ òa:  

“Con xứng đáng có được điều tốt nhất, và mẹ chưa bao giờ ngừng nghĩ về con.” 

Henry đứng lặng lẽ, lòng trĩu nặng vì điều mà ông từng phán xét quá vội vàng. 

Chuyến bay này, khởi đầu bằng sự định kiến, đã trở thành một khoảnh khắc đầy nhân văn về sự gắn kết và tha thứ. Nhưng với Margaret, nó còn hơn cả một chuyến bay – đây là sự khởi đầu mà bà đã mong đợi suốt hơn 60 năm qua. 

 

(Theo Facebook Plutos Sale PM Chien ) 

Saturday, April 5, 2025

Hữu Thân Hữu Khổ


Lượm trên mạng

Giup Cha Mẹ Vui Tuổi Già - BS. Đỗ Hồng Ngọc




Đợi cha mẹ già vào bệnh viện, đặt ống nội khí quản giúp thở, truyền đạm truyền dịch chai dưới chai trên, bơm thức ăn qua ống thông dạ dày, dây nhợ chằng chịt khắp người theo dõi nhịp tim nhịp thở, thuốc men không ngại tốn kém… sẵn sàng bán nhà bán cửa chữa chạy, “còn nước còn tát”!

Thế nhưng khi cha mẹ già đang sờ sờ bên cạnh thì bận bịu trăm công ngàn việc, không có chút thì giờ để hỏi han, chăm sóc…

Một ông bố viết cho con:

“… Người già sợ nhất cảnh cô đơn nên nếu các con đã hiểu thì hãy thương cho tròn. Tình thương ấy không đánh đổi bằng tấm ngân phiếu kếch xù hay quà bánh đắt tiền mà chính là… thời gian. Một lúc nào đó trong ngày mà các con thấy trống vắng thừa thãi thì hãy mang đến tặng Bố giờ phút vô nghĩa ấy! Bản chất nó vô giá nhưng lại vô cùng quý báu nếu chia sẻ đúng đối tượng…

Con dư biết, sáng chiều Bố lủi thủi hết ngồi lại nằm, cô đơn bên cạnh một người trả công chỉ biết im lặng canh chừng. Nếu con đến thăm, nhớ bỏ hết công việc và lo toan ở ngoài xe trước khi vào nhà, tránh cảnh thân tâm mỗi chỗ mỗi nơi để cha con sống thật những kỷ niệm cuối đời bên nhau. Người già như Bố đương nhiên ăn nói sẽ không còn mạch lạc hấp dẫn, xin con đừng nhăn nhó… Hãy nhẫn nại ngồi nghe như thuở nuôi con còn bé, Bố đã từng chăm chú theo dõi tiếng con bi bô học nói… lặp đi lặp lại nhiều lần một chữ từ ngày này qua ngày nọ liên hồi…”. (Internet).

Có một cách giúp biết khi nào cha mẹ đã… bước vào tuổi già ấy là “lén” quan sát họ có những dấu hiệu bất thường nào về tâm lý, về sức khỏe của lứa tuổi già chưa.  Nhưng biết là để quan tâm, chăm sóc, can thiệp kịp thời thôi chớ không phải để “dán nhãn” cho họ đã già nua, lỗi thời, rồi không để họ còn có chút độc lập tự do gì nữa thì rất không nên!

Họ có lơ là quá đáng chuyện ăn mặc không? Xưa áo quần thẳng thớm, nay xốc xếch, xộc xệch, đứt nút, rách bâu mặc kệ? Họ có lơ là quá đáng việc chăm sóc bản thân mình không? Chẳng buồn tắm rửa, hớt tóc cạo râu, tóc tai bù xù mặc kệ. Trí nhớ họ còn tốt không hay quên trước quên sau, lặp đi lặp lại hoài một chuyện? Họ có loay hoay tìm kiếng lão, dù đang đeo trên mắt hay tòng teng trên cổ không? Họ có nghễng ngãng nghiêng tai bên này bên kia để nghe cho rõ hoặc cứ hỏi đi hỏi lại một chữ không? Họ có kêu TV mờ, sách báo chữ nhỏ quá, màu sắc không rõ ràng như xưa không? Họ có bước đi từng bước chầm chậm, loạng choạng, lê chân trên mặt đất như chân đã mọc dài ra và dễ bị vấp, bị trượt, bị té ngã không? Họ có kêu đau lưng nhức mỏi thường xuyên không? Có bỏ quên chìa khóa, quên điện thoại nơi này nơi kia tìm kiếm vất vả không? Thỉnh thoảng có quên tắt lò gaz, quên khóa cửa nhà… không?

Để ý coi họ còn thèm ăn uống không, ăn uống có còn biết ngon lành không hay sao cũng được? Họ có chê món này cứng món kia khó nhai không? Ngủ có dễ không hay trằn trọc loay hoay suốt đêm? Có còn ham đi đây đi đó, cà phê cà pháo với bạn bè không? Có còn mê coi đá banh, tennis… như ngày xưa không hay chỉ thích ngồi im một chỗ lúc nào cũng như đang im lặng lắng nghe, nhớ nghĩ đâu đâu…hoặc ôm TV suốt ngày rồi nhầm tưởng cảnh tượng trong phim ảnh là sự thật ngoài đời?

Để ý coi họ có đã bắt đầu thở hồn hển nặng nhọc… khi leo cầu thang trong căn nhà quen thuộc của mình không? Họ có bắt đầu thức giấc tiểu đêm nhiều lần, có dễ bị dị ứng khi ăn một món  ăn quen thuộc? có bị bón phải rặn hì hục vất vả không?…

Tóm lại, quan sát kỹ một chút sẽ thấy những thay đổi đó và tốc độ thay đổi ngày càng nhanh.

Già thiệt rồi!

Một ông lão than thở: “Các lão bằng hữu ơi, cần phải ghi nhớ chúng ta đều là những con người của cái thế hệ cuối cùng hiếu thuận với cha mẹ, lại cũng là những con người của cái thế hệ đầu tiên bị con cái bỏ rơi”. Ngậm ngùi quá đỗi! Vì đâu nên nỗi?

Bởi vì thế hệ trước kia sống trong nền văn hóa đề cao “đạo hiếu”, học Quốc văn giáo khoa thư, học Nhị thập tứ hiếu, gia đình “tứ đại đồng đường”, xóm làng gần gũi, dư luận buộc ràng,  nay thì đời sống đã khác: gia đình hạt nhân, nhiều cặp ly hôn ly dị, single mom, single dad v.v…, nhiều gia đình chỉ có một con duy nhất làm sao gánh nổi ông bà nội ngoại hai bên?  Rồi đây các thế hệ già sẽ được nuôi trong nhà dưỡng lão (nursing home), nên ngay bây giờ phải coi chuyện “con cái bỏ rơi” là chuyện bình thường, có hiếu thuận là thỉnh thoảng con cái nhớ mà đến thăm đôi khi.

Có nhiều cách để giúp cha mẹ già được vui:

·        Dành thời gian ngồi bên cha mẹ, nhắc những chuyện xưa, hỏi chuyện tuổi thơ của cha mẹ, chuyện học hành, chuyện chọn nghề, chuyện tình cảm của họ… để họ có cơ hội kể lại một cách hào hứng, nhiều khi lặp đi lặp lại cũng nên ân cần lắng nghe;

·        Nhắc những ngày còn thơ của mình, những khó khăn gian khổ của gia đình như một cách tỏ lòng biết ơn, rằng nhờ họ mà mình có được ngày nay;

·        Sưu tầm những hình ảnh kỷ niệm của gia đình qua nhiều giai đoạn, những hình ảnh thuở còn thơ của con cháu, dán vào một album để cùng coi chung cả nhà hoặc làm một  “triển lãm bỏ túi” gợi nhớ những kỷ niệm: “ngày này năm xưa em còn bé tí teo”…;

·        Thỉnh thoảng dành thì giờ đưa cha mẹ đi thăm những nơi nhiều kỷ niệm của họ, mái trường xưa, căn nhà cũ dù đã đổi thay, những bà con lâu ngày chưa gặp nơi này nơi khác, những bạn bè thuở ấu thơ kẻ mất người còn…;

·        Thỉnh thoảng tổ chức những buổi họp mặt gia đình, đặc biệt những ngày Giỗ chạp, để con cháu được nghe ông bà kể chuyện xưa, kết nối bà con cô bác. Nếu có thể thì tổ chức họp mặt bạn bè cùng lứa của cha mẹ ở một nơi phù hợp, khoáng đãng, họ sẽ có cơ hội trò chuyện râm ran với nhau…;

·        Sưu tầm những bản nhạc xưa, phim cũ mà họ yêu thích, giúp họ được nghe lại, xem lại… Kỹ thuật media bây giờ rất hiện đại, chịu khó giúp để tránh sự lọng cọng của cha mẹ già;

·        Sưu tầm các bài báo, hình ảnh… nếu có về thành tích của cha mẹ trong lãnh vực văn nghệ, thể thao, nghề nghiệp v.v… làm thành tập tư liệu để cùng xem với nhau, nhắc nhở những niềm hãnh diện xưa!

·        Giúp cha mẹ tham gia những buổi sinh hoạt của nhóm bạn già, câu lạc bộ, hội quán người cao tuổi, nhóm coi bóng đá, tennis, nhóm hát hò, ngâm thơ, thậm chí nhóm bạn chơi tứ sắc, mạc chược, cờ vua, cờ tướng…;

·        Khuyến khích cha mẹ học một kỹ năng mới: ngoại ngữ, vi tính, chơi games, biết dùng smartphone để chuyện trò, nhắn tin, biết xài tablet ( cái “quẹt quẹt” này giúp biết đủ thứ chuyện trên đời!)… Nhờ đó các tế bào não không bị rỉ sét, các nối kết thần kinh được hoạt hoá, sinh động. Ngày nay người ta biết tế bào não rất nhu nhuyến và có thể sinh sôi!

·        Khuyến khích cha mẹ gần gũi nhiều hơn với nhu cầu tâm linh, nói với cha mẹ về nhân quả, luân hồi, thiên đàng, địa ngục… Thường nhắc những việc làm tốt đẹp của họ trước đây để thấy thanh thản, an vui… Khuyên cha mẹ đi chùa, đi nhà thờ… Giao lưu bạn đạo, học tập điều thiện, miễn là không để rơi vào mê tín dị đoan…


Bs. Đỗ Hồng Ngọc

Giúp cha mẹ vui tuổi già!

Người Chị Dâu - Phương Lan

Chó Ngao Tây Tạng. Nguồn Internet

Ông tôi chỉ có 2 người con, 1 gái đầu lòng là cô Đoan, và 1 trai út là cha tôi. Cô Đoan lấy chồng sớm, sanh được 4 người con, nhưng chỉ nuôi được 1, đó là anh Kính, anh họ tôi. Mấy người kia đều chết từ lúc mới lọt lòng, hoặc còn rất nhỏ, nghe đâu tử vi của anh Kính có số khắc với huynh đệ. Vì là con hiếm, được cha mẹ hết mực nuông chiều, muốn gì được nấy, nên Kính quen thói xài tiền như nước, và tính tình có hơi độc đoán. Cô dượng tôi, tức là cha mẹ Kính, cũng đã qua đời đã 6 năm rồi, kẻ trước người sau, chỉ cách nhau có vài tháng. Kính thừa hưởng gia tài của cha mẹ để lại, dùng vốn liếng để đầu tư vào nhà, đất, và mua bán bất động sản, kiếm lời.  Cha tôi 30 tuổi mới lập gia đình. Hai ông bà chỉ sanh độc nhất có 1 đứa con là tôi. Cha mất sớm, khi tôi mới lên 6 tuổi, mẹ tôi ở vậy nuôi con. Ông nội vẫn cấp dưỡng tiền bạc cho mẹ, để nuôi tôi, cho tới khi tôi trưởng thành, sau đó thì ngưng, vì ông muốn tôi tự lập.  Ông chỉ làm cố vấn, chỉ bảo kinh nghiệm, khuyên bảo, rèn luyện cho cháu phải tự vươn lên bằng chính đôi tay của mình.

    Tôi không có số học hành, nên lao vào thương trường, làm đủ nghề để kiếm sống. Tôi kiếm cũng đủ ăn và nuôi mẹ. Nhưng mấy lúc gần đây, vì thời cuộc, và chiến tranh leo thang, công việc làm ăn của tôi bị trở ngại. Đang lúc bối rối, vì không biết xoay ở đâu ra một món tiền lớn để ứng trước cho chủ thầu, thì tôi bỗng nhận được thơ của anh Kính, mời tôi lên Đà Lạt chơi, nói là để khoe căn biệt thự anh mới tậu năm ngoái, và mới hoàn tất việc sửa sang.

    Lá thơ của anh làm tôi ngạc nhiên, vì chúng tôi rất ít khi liên lạc, chỉ thỉnh thoảng mới gặp nhau trong những dịp giỗ Tết. Tôi được biết là anh mới lấy vợ, lập nghiệp trên Đà Lạt, và có một cuộc sống khá dư dả. Trong lúc tôi đang cần tiền để làm ăn, lời mời của người anh họ có thể là một cơ hội tốt cho tôi mượn tạm ít tiền, biết đâu? Nghĩ vậy, tôi vui vẻ nhận lời. Anh Kính đích thân đi đón tôi tại phi trường và đưa về nhà. Vừa dừng xe trước cổng, anh đã gọi lớn vào bên trong:

    - Mình ơi, ra chào khách! Chú em tôi đã tới đây rồi. Đi đường xa, chắc chú ấy đang đói bụng... Ở nhà mình đã lo chuẩn bị cơm nước xong chưa?

    Sự nhiệt tình và lòng hiếu khách của anh làm tôi cảm động. Cánh cửa bật mở, và 1 người thiếu phụ từ bên trong thong thả bước ra, nhìn tôi cúi đầu chào. Tôi nhìn người chị dâu lần đầu tiên gặp mặt. Bà ta trông rất trẻ, chắc chưa tới 30 tuổi, dáng người mảnh mai, nước da trắng xanh, nét mặt thanh tú khá đẹp, nhưng phảng phất có nét buồn. Đôi mắt trong suốt, nhưng u uẩn như chứa cả một trời tâm sự, và suối tóc đen óng ả buông xõa xuống đôi vai gầy, tạo cho bà một vẻ thanh nhã, quí phái.  Bà ta đứng bên ông chồng to béo cục mịch, trông thật là tương phản, chẳng cân xứng tí nào. Trông họ giống như một đôi đũa lệch, và trên nét mặt của cả hai, đều không có vẻ rạng rỡ của một cặp đôi hạnh phúc... Một con sóc vụt chạy ngang, làm tôi giật mình, gián đoạn dòng suy tưởng. Sực nhớ là chưa chào hỏi bà chủ nhà, tôi vội vã bước tới, nghiêng mình đáp lễ, miệng cười thật tươi:

    - Chào chị, hân hạnh được biết chị. Hôm nay thời tiết tốt quá, chị khoẻ chứ?

    Bà ta chỉ lặng lẽ gật đầu, nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu, và không nói một lời, không cả một cái mỉm cười xã giao, thái độ lạnh lùng, khác hẳn với sự vồn vã của người chồng. Lợi dụng lúc ông ta đánh xe đi cất, bà mới nói thật nhanh:

    - Tốt hơn hết chú nên rời khỏi đây ngay, không nên ở lâu. Chuyến bay Đà Lạt - Sài Gòn sớm nhất sẽ cất cánh vào lúc 9 giờ sáng mai...

    Tôi vô cùng sửng sốt, câu đuổi khách trắng trợn của bà ta làm tôi cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.  Mặt nóng lên vì giận, tôi cau mày nhìn thẳng vào mặt bà ta, nói gằn từng tiếng một, giọng thách thức:

    - Anh Kính viết thơ, nhiệt tình mời tôi tới chơi. Sau một chuyến đi xa như vậy, tôi không nghĩ rằng tôi sẽ về ngay ngày mai.

    - Tôi làm vậy là chỉ vì chú. Anh Kính...

    - Bà nói cái gì thế? Tôi làm sao?

    Kính đã trở lại, và nghe được câu sau cùng. Bộ mặt đang tươi cười của hắn bỗng dưng sa sầm, trông rất dữ tợn. Kính kéo vợ vào bên trong. Chẳng biết 2 người bàn tính, cãi cọ ra sao, mà chỉ một lúc sau, bà ta trở ra, mặt tái mét, và đôi mắt đỏ hoe vì khóc:

    - Ông ấy bảo tôi ra xin lỗi chú.

    - Chị khỏi phải xin lỗi. Tôi thật sự không hiểu gì cả.

    - Khi chú hiểu thì đã quá muộn. Âu cũng là do số trời... Bà ta thở dài:

    - Thôi tôi phải vào, kẻo ông ấy nghi.

    Nói xong bà ta quày quả đi ngay vào nhà. Tôi đứng như trời trồng, không biết nên có thái độ nào, thì Kính quay trở ra, nét mặt đã vui vẻ lại. Hắn vỗ vai tôi thân mật:

    - Tôi cũng phải xin lỗi chú vì thái độ kém lịch sự của vợ tôi. Bà ấy sức khoẻ không được tốt, nên tánh nết khó chịu. Chẳng riêng gì chú, bà ta không muốn bất cứ ai tới đây, khuấy động sự yên tĩnh của ngôi nhà này.

    - Thật sự em không ngờ, nếu biết vậy, em đã không tới... Thôi, để khỏi làm phiền chị ấy, sáng mai em sẽ rời khỏi nơi đây.

    Kính hốt hoảng:

    - Ấy đừng làm vậy, chú làm vậy là không nể mặt tôi.  Để tâm làm gì đến lời nói của một người bệnh tâm thần? Tôi sẽ buồn lắm nếu chú về ngay ngày mai, tôi có bao nhiêu dự tính cần bàn với chú, đừng để cho một mụ đàn bà xen vào, làm hỏng hết.

    Nói xong, Kính lảng sang chuyện khác, hắn bông đùa vài câu về đàn bà, và kết luận:

    - Cứ sống độc thân như chú mà khoẻ. Có vợ vào là rắc rối, mất hết tự do, đôi khi mất cả anh em, bè bạn.

    Kính còn nói nhiều nữa, chung quy cũng chỉ vì mục đích cố giữ tôi lại. Thái độ của Kính rất khẩn khoản, nhiệt tình, gần như năn nỉ, làm tôi khó lòng từ chối. Vả lại, tôi cũng tò mò muốn biết xem lý do tại sao bà ta muốn đuổi khách? Bà ta làm vậy là có ý gì? Bà ta chưa hề biết ý định vay tiền của tôi, chưa ai biết hết, kể cả Kính. Vậy thì tại sao? Tướng mạo của bà ta trông nhu mì hiền lành, không có vẻ gì là nham hiểm, bần tiện cả, cũng không có hành động nào tỏ ra là mắc bệnh tâm thần, như Kính nói. Chắc là phải có nguyên do bí ẩn nào đây, nhất định tôi sẽ tìm hiểu. Nghĩ vậy, tôi gật đầu:

    - Thôi được rồi, em sẽ ở đây chơi đúng 1 tuần như đã dự định.

    Kính mừng rỡ xiết chặt tay tôi, cả hai cùng đi vào nhà. Căn phòng Kính dành cho tôi rất đẹp, với đầy đủ mọi tiện nghi. Nhưng sự tiếp đãi ân cần của Kính, những bữa ăn thật ngon do bà bếp giỏi nấu nướng, cũng không bù lại cái cảm giác khó chịu của tôi, mỗi khi phải đối diện với bà chị dâu kỳ quái. Tôi sợ đôi mắt nghiêm khắc của bà ta mỗi khi nhìn tôi, nó nửa như thương xót, nửa như muốn cảnh báo một điều gì, mà tôi không thể đoán.

    Phải công nhận Kính rất có quyền uy với vợ. Bà ta sợ chồng như sợ cọp, chỉ một cái lừ mắt của Kính, là bà ta vội cúi ngay đầu xuống, mắt lấm la lấm lét, và mặt xanh đi vì sợ. 2 người như ngầm che giấu một điều gì bí mật chỉ có họ biết với nhau, còn tôi hoàn toàn là một người ngoại cuộc. Trước sau, chị ấy vẫn không nói gì thêm với tôi, ngoài những câu chào hỏi thông thường. Trái với sự lãnh đạm của bà vợ, sự thân mật giữa tôi và Kính càng ngày càng trở nên khắng khít. Ban ngày, Kính thường đưa tôi đi dạo quanh vùng, và buổi tối cũng hay vào phòng tôi nói chuyện. Một lần, hắn thân mật hỏi han về mẹ tôi, và công việc làm ăn của tôi. Không giấu diếm, tôi kể hết, Kính nghe xong cười khà khà:

    - Vậy là chú rất cần tiền, sao để tới bây giờ mới nói?

    - Em rất ngại khi phải mở miệng nói đến chuyện vay mượn.

    - Chú chỉ khách sáo, anh em trong nhà phải giúp đỡ nhau chứ. Chuyện nhỏ, có gì mà phải bận tâm, 500 ngàn đâu phải là một món tiền lớn, anh dư sức cho chú mượn. Anh sẽ đưa tiền cho chú, trước khi chú rời khỏi nơi đây.

    Tôi thở phào sung sướng, không ngờ mọi việc lại xuôi rót, dễ dàng như vậy. Tôi nhìn ông anh họ hào phóng với một vẻ biết ơn:

    - Em chỉ mượn tạm một thời gian ngắn. Khi lãnh được tiền của chủ thầu, em sẽ hoàn trả anh ngay.

    - Không việc gì phải vội vã cả. Vả lại nửa triệu đồng đâu có là bao, so với cái gia tài đồ sộ, ông sắp chia cho anh em mình. Nhất là chú, chú là cháu đích tôn, người thừa kế chính thức, còn tôi chỉ là cháu ngoại...

    - Em không tin là ông phân biệt cháu nội với cháu ngoại. Cháu nào mà chẳng là cháu, là máu huyết của ông?

    - Tôi cũng hy vọng thế.

    Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện về người ông mà tôi rất yêu kính. Nhưng Kính chỉ cười mỉa mai, giọng miệt thị:

    - Lão già keo kiệt, gần xuống lỗ rồi mà chưa chịu chia của cho anh em mình. Giữ làm gì chứ, định đem qua thế giới bên kia chắc?

    - Anh đừng nói thế.  

    Tôi cau mày:

    - Ông có lý do của ông, ông muốn con cháu tự học lấy kinh nghiệm sống, và tự lực cánh sinh bằng chính đôi tay của mình, không ỷ lại vào gia sản của ông bà để lại..

    - Cũng tùy trường hợp chứ. Xem kìa, có ông nội nào, tiền của vứt đi không hết, mà để con cháu sống thiếu thốn, nợ nần tứ tung như vậy? Thật đáng xấu hổ... Nhưng chú đừng lo, năm nay ông đã hơn 80 rồi, trước sau gì cũng phải chia của cho anh em mình.

    - Thôi đừng đề cập đến việc chia tài sản nữa, chúng ta nói chuyện khác đi.

    - Vậy tôi đưa chú đi dạo ở khu rừng phía sau nhà nhé?  Nơi đó cảnh đẹp và yên tịnh lắm.

    Chúng tôi đi trên một cây cầu bằng gỗ mục, bắc ngang một giải đất ẩm. Dưới cầu, chỉ có giòng nước nhỏ, chảy ri rỉ quanh những cây dại mọc xen kẽ giữa những tảng đá. Kính nói:

    - Nơi đây trước kia, có lẽ là một con suối hay nhánh sông nhỏ, nhưng thời gian qua đã bị cạn nước, rồi bị đất bồi lấp bằng, nên người ta cũng chẳng nghĩ đến việc sửa chữa cây cầu làm gì.

    Qua khỏi cây cầu, một khu rừng hiện ra, thật hùng vĩ với những cây cổ thụ già trên trăm tuổi. Rừng có vẻ âm u, vì ánh nắng không rọi tới mặt đất.

    Suốt cả buổi sáng dành cho việc thăm thú này, Kính đã chỉ cho tôi xem những cụm lan rừng mọc ký sinh trên những cành sồi, và rất nhiều giống chim lạ. Sau cùng, chúng tôi cũng về tới nhà, sau khi leo một cái dốc khá cao, vì căn biệt thự tọa lạc trên đỉnh một ngọn đồi, phía dưới là thung lũng, không có nhà cửa chi cả. Kính đưa tôi đi vòng ra sau nhà, trỏ cho tôi thấy:

    - Đứng ở đây có thể nhìn bao quát khắp vùng. Chú nhìn cái đầm nước phía dưới kia, nước trong xanh, in bóng trời mây, trông thật thanh bình. Vào những đêm trăng tỏ, mặt đầm phản chiếu ánh trăng, sáng ngời như gương, đẹp như cảnh thần tiên. Tôi đặt tên cho nó là Nhật Nguyệt đầm, chú thấy đúng nghĩa không?

    Tôi ngắm nghía, và gật đầu, xuýt xoa khen đẹp. Kính nói với một vẻ hãnh diện:

    - Tôi thích căn nhà này lắm. Ở đây biệt lập với chung quanh, sống giữa thiên nhiên, mình có cảm tưởng như người thoát tục.

    Tôi tới gần bìa đất, ngó xuống vực sâu đầy đá tảng ở phía dưới, một cây sồi già mọc lên từ đáy vực, thân cây vươn lên gần sát khu đất cao, chỗ chúng tôi đang đứng. Ngọn cây xòe ra như cái tán, chia cành ra tứ phía, một cành chĩa vào trong, cách bìa đất chỉ vài sải tay.

    - Sao anh không cho rào lại? Để trống thế này nguy hiểm quá. Em ước lượng chỗ này sâu dễ tới gần chục thước, phía dưới lại toàn là đá tảng, vô ý té xuống, chết là cái chắc.

    - Rào làm chi cho mất đi cái vẻ thiên nhiên hoang dã?  Vả lại đây là đất tư của tôi, ngoài tôi ra, có ai héo lánh tới nơi đây làm gì?  

    Kính nói và nhìn đồng hồ:

    - Đã tới giờ cho chó ăn, chú có muốn xem con chó cưng của tôi không?

    Tôi gật đầu, và đi theo anh. Kính mở cổng sau, đưa tôi vào bên trong. Chúng tôi bước xuống vài bậc xi măng, qua cái sân rộng trải sỏi, tôi thấy 1 cái nhà chó, rộng như một căn phòng, cao gần 2 thước, mái lợp tôn, phía trước có một cái cửa 2 cánh, làm bằng những chấn song thưa chạy suốt dọc chiều dài, nên căn phòng trông có vẻ sáng sủa và thoáng khí. Bên trong, thấp thoáng bóng một con vật to lớn như con bê, lông màu đỏ rực.

    - Lại đây!  

    Kính nói:

    - Tôi sẽ cho chú xem một con chó quí, đó là con chó ngao, giống Tây Tạng. Nó có sức mạnh bằng một con sư tử, và rất hung dữ, nó có thể tấn công và hạ gục một con bò mộng.              - Anh nuôi chi một con vật khủng khiếp như vậy?

    - Nó hung dữ, nhưng biết nghe lời chủ. Tôi rất cần nó, cơ ngơi này rộng lớn quá, lại ở vào nơi hoang vu, có nhiều thú dữ, có nó canh chừng lúc đêm hôm, tôi an tâm, chẳng phải lo sợ chi cả. Chú có muốn xem cho rõ thì lại đây!

    Tôi làm theo. Con vật thấy người lạ tới gần, hộc lên một tiếng dữ dội, làm tôi giật nẩy người lùi lại. Kính vội trấn an tôi, và nói với con vật:

    - Boo Boo ngoan nào! Đừng làm cho chú em của ta sợ đấy chứ?

    Lạ thay, con vật đang hung hăng, bỗng trở nên hiền lành, ngoan ngoãn nằm yên cho chủ nó vuốt ve, nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc tôi bằng những tia nhìn cảnh giác. Bây giờ tôi mới có dịp ngắm nó thật kỹ. Đó là một con chó, giống như bao nhiêu con chó khác, nhưng to lớn hơn nhiều. Trông nó thật oai vệ với cái bờm xù ra quanh cổ như bờm con sư tử, chỉ khác là bộ lông nó màu hung đỏ, và cặp mắt cũng đỏ rực. Tôi thò tay qua chấn song, toan sờ vào cái bờm của nó, nhưng Kính hốt hoảng kéo giật lại:

    - Ấy chớ, đừng làm vậy nguy hiểm lắm. Con Boo chưa quen với sự hiện diện của chú, phải mất một thời gian lâu lắm, mới được nó chấp nhận là bạn, và cho phép tới gần. Tôi mua nó ở Tây Tạng, trong một chuyến du lịch, khi nó mới sanh được vài tuần, chỉ to bằng con mèo.  Tôi quí nó lắm, đi đâu cũng đem theo. Tôi coi nó như con, ngược lại nó cũng coi tôi vừa là cha, vừa là mẹ của nó, con Boo rất biết vâng lời.

    Kính vừa nói vừa vuốt ve con vật, và cười với nó:

    - Boo Boo đói bụng rồi phải không? Để ta lấy thức ăn cho con nhé?

    Như hiểu tiếng người, nó ngoắc đuôi mừng rỡ. Kính đứng lên, mở cửa căn phòng kế bên, nơi có cái tủ lạnh đựng thức ăn cho chó. Kính mở tủ lạnh, lấy ra một tảng thịt bò tươi còn dính cả xương, quăng cho con vật. Nó vồ ngay lấy, đem vào góc phòng, ngồi gậm một cách khoái trá, máu tươi nhỏ giọt hai bên mõm. Tôi kêu lên sửng sốt:

    - Ghê quá, anh nuôi nó bằng thịt sống à?

    Kính mỉm cười, gật gù:

    - Thỉnh thoảng thôi, lâu lâu mới đãi nó món nó thích. Thường thì tôi nuôi nó bằng thức ăn nấu chín. Con Boo ăn rất khỏe, nó ăn tất cả những gì tôi cho nó, nhưng món khoái khẩu nhất của nó vẫn là thịt tươi. Boo thích ăn thịt những con vật nó bắt được như chồn cáo, thỏ, gà rừng, đôi khi cả chim muông nữa...

    - Trời! sao anh không cản nó đừng giết hại những con vật vô tội đó?

    - Làm sao cản được, thú tính là do trời sinh mà.

    Kính nói với vẻ mặt thản nhiên, và hãnh diện khoe thành tích đi săn của con thú cưng của hắn. Tôi rùng mình nghĩ thầm, bản năng hiếu sát của con vật khổng lồ và hung dữ này, nếu không được kềm chế, mà cứ để buông thả, dung dưỡng cho tự do phát triển, thế nào cũng có ngày nó sẽ gây ra đại hoạ. Nghĩ vậy, nhưng tôi không nói ra, sợ Kính phật lòng, việc riêng của hắn, chẳng nên xía vào, bất quá mình chỉ ở chơi vài ngày, có ở đây luôn đâu mà lo lắng? Tự nhủ như vậy xong, tôi nói vài câu vô thưởng vô phạt, hoặc chỉ ừ hữ cho qua chuyện. Bây giờ, Kính đang ngồi trên cái gốc cây lớn đã bị đốn cụt ngọn và cưa phẳng lì như một tấm thớt, ngay trước chuồng chó.

    Hắn ngắm nhìn con vật đang ngốn ngấu gặm thịt sống một cách ngon lành, rồi quay sang tôi, mỉm cười:

    - Mình cũng nên kiếm cái gì bỏ bụng đi, cuốc bộ từ sáng đến giờ, chắc chú cũng mệt và đói rồi, phải không?

    Tôi gật đầu, hắn phủi áo đứng lên, kiểm soát cái then, gài cửa cẩn thận, rồi mới cùng tôi vào nhà. Chúng tôi dùng bữa trưa ngoài vườn, không có mặt bà chị dâu. Mấy hôm nay, bà ta có vẻ bệnh, và rõ ràng là cố ý tránh mặt tôi. Những ngày nghỉ rồi cũng qua nhanh chóng. Đêm cuối cùng, trước khi tôi trở về Sài Gòn lo công việc làm ăn, Kính vào phòng, đưa cho tôi cái ngân phiếu nửa triệu đồng, và rủ:

    - Đêm nay là đêm rằm, trăng sáng đẹp lắm, chú có muốn ra ngoài, đi dạo với tôi một lát không?

    Tôi nhìn đồng hồ, đã hơn 10 giờ khuya. Giờ này mọi người đã đi ngủ cả, tôi cũng lên giường từ lâu, nhưng cứ trằn trọc mãi, không sao ngủ được. Một cảm giác hồi hộp, lo sợ không đâu cứ dấy lên làm tôi bức rức khó chịu, như người ngộp thở. Tôi đang có ý định ra ngoài một lúc cho thoáng, nghe Kính rủ, thì đứng lên ngay. Tôi xỏ chân vào giày, vơ vội cái áo lạnh khoác lên người, rồi theo hắn ra cửa.  Kính nói nhỏ:

    - Khe khẽ thôi, đừng để mọi người thức giấc. Bà ấy thấy tôi đưa chú ra ngoài lúc ban đêm, thế nào cũng cản.

    Rồi hắn nhún vai một cách bực bội:

    - Đàn bà đầu óc nhỏ như cái đồng xu, mà cứ hay xen vào việc riêng của chồng. Tôi không bao giờ để cho bà ấy cản trở những việc làm của tôi.

    Chúng tôi rón rén đi thật nhẹ ra phía sau nhà. Quả thật, một cảnh đẹp tuyệt vời hiện ra ngay trước mắt. Núi rừng đêm trăng trông thật thơ mộng và huyền bí. Xa xa, phía dưới kia, cái đầm nước phản chiếu ánh trăng sáng ngời, trông như bầu trời thứ hai với mặt trăng nơi đáy nước, và ngàn sao lấp lánh... Đêm yên tĩnh, không một tiếng động, ngoại trừ tiếng côn trùng kêu rỉ rả, và thỉnh thoảng một con chim đêm bay ngang, cất tiếng kêu ảo não. Tôi say sưa đứng ngắm, thấy đầu óc loãng ra trong một cảm giác lâng lâng khó tả. Kính ôm vai tôi, mỉm cười:

    - Tôi nói có sai đâu, đẹp quá phải không? Những người ở thành phố như chú làm sao thấy được cảnh này.

    Bỗng một cơn gió mạnh thổi tới, Kính rùng mình xuýt xoa kêu lạnh, rồi bảo:

    - Tôi phải vào nhà lấy cái áo len. Chú cứ ở đây chờ, đừng đi đâu cả, tôi sẽ trở lại ngay.

    Tôi gật đầu, châm một điếu thuốc hút cho ấm người, thích thú nhìn mặt trăng đang chui vào một đám mây, rồi lại từ từ ló ra, làm quang cảnh chợt tối, rồi lại chợt sáng, chỉ trong một thoáng. Kính cũng chắc lưỡi hít hà khen đẹp.

    Trước khi xây lưng đi vào nhà, hắn còn nói thêm một câu:

    - Chú cứ ngắm cho mãn nhãn đi, sẽ chẳng có dịp cho chú được thấy lại cảnh này một lần nữa đâu.

    Tôi cũng chẳng nhớ là đã đứng đây bao lâu, cho tới khi tôi nghe có những tiếng động như tiếng chân bước lạo xạo trên sỏi. Tưởng Kính trở ra, tôi quay lại thì... Trời ơi, không phải Kính, mà là con chó ngao, con quái vật khổng lồ. Nó đang đủng đỉnh đi tới, vừa đi vừa chúi mũi sang hai bên, đánh hơi khìn khịt, rồi ngẩng lên, nó đã thấy tôi... Dưới ánh trăng sáng tỏ, đôi mắt của nó rực lên như hai đốm lửa. Trong một thoáng, người tôi như tê đi vì sợ, tôi đứng yên, bất động. Con vật cũng dừng lại, nhìn tôi chăm chú. Thoạt đầu nó có vẻ ngạc nhiên, nhưng rồi bản năng hiếu sát nổi dậy, nó hộc lên một tiếng dữ dội, thu mình lại trong tư thế rình mồi. Tôi hốt hoảng nhìn quanh, chợt thấy bóng dáng của Kính thấp thoáng sau cánh cổng, gần cái chuồng chó, tôi thét lên cầu cứu:

    - Anh Kính, ra đây nhanh lên! Con Boo...

    Kính quay lại, điềm tĩnh nói vọng lên:

    - Con Boo đã ra ngoài đó rồi chứ gì. Tôi thả nó ra đấy mà, tối nào tôi cũng thả chó ra để canh nhà. Thường thường con Boo chẳng có việc gì làm nên buồn lắm.  Nhưng đêm nay thì khác, nó sẽ rất khích động được gặp chú, nó sẽ có dịp để khoe cái sức mạnh tuyệt diệu của nó...

    - Anh bảo nó về chuồng ngay đi!  

    Tôi giận dữ nói:

    - Tôi không thích đùa kiểu đó.

    - Tôi có đùa đâu? Còn thích hay không, mặc chú. Ráng giữ mình cẩn thận nghe!

    Nói xong, Kính cất tiếng cười một cách đểu cáng, và thản nhiên xây lưng đi vào nhà, để mặc tôi một mình phải đối phó với con vật hung tợn. Trong tay tôi không có một tấc sắt để tự vệ, và tôi biết có kêu cứu cũng vô ích. Nơi đây rất xa nhà trên, và chung quanh không có làng mạc, xóm giềng chi cả. Kính đã để lộ nguyên bộ mặt thật của hắn, bộ mặt của một tên sát nhân ghê tởm.  Bây giờ thì tôi hiểu, Kính cố tình muốn giết tôi, để độc chiếm cái gia sản kếch xù do ông tôi để lại. Kính và tôi đều là những người thừa kế hợp pháp. Nếu tôi chết đi, tất cả tài sản sẽ thuộc về hắn. Trong vài giây, trí óc tôi làm việc rất nhanh, tôi nhớ lại tất cả, từ việc hắn dụ tôi đến nhà, tới âm mưu giết người, ngụy tạo dưới một tai nạn. Hắn sẽ khai với nhà chức trách rằng, tại tôi tự ý ra ngoài một mình lúc ban đêm, và bị chó tấn công vì tưởng lầm là kẻ gian. Dĩ nhiên là hắn bị nghi ngờ, nhưng nghi ngờ, chứ không thể buộc tội, vì không có bằng chứng nào cả.

    Bây giờ tôi đang đối diện với con chó ngao khổng lồ.  Nó đứng chắn ở đường đi vào nhà, lối thoát duy nhất của tôi, vì phía sau là vực thẳm. Nó đứng cách tôi chỉ vài chục thước, người và vật nhìn nhau thủ thế. Bắt chước Kính, tôi cố lấy giọng êm dịu phủ dụ nó:

    - Boo Boo ngoan nào. Ta là em của chủ ngươi, không phải kẻ gian. Hãy để yên cho ta nghe! Còn mi, về chuồng, về chuồng đi, chóng ngoan...

    Để trả lời, nó nhe nanh gầm gừ, chân cào đất lia lịa, làm sỏi đá văng tung toé. Tôi hốt hoảng né tránh, trong đầu chợt nẩy ra một kế... Tôi cởi phăng cái áo khoác đang mặc trên người, bung ra ném về phía con vật, toan trùm đầu nó, và trong lúc nó đang lúng túng để gỡ ra, thì tôi sẽ chạy thật nhanh qua nó, vòng ra phía trước, lên nhà trên đập cửa kêu cứu ầm ỹ, chắc chắn người trong nhà sẽ chạy ra cứu tôi. Nhưng rủi thay, vì run quá, nên tôi ném trật, cái áo bay tới, rớt đánh xoạch ngay bên cạnh con chó. Nó điên tiết ngoạm ngay lấy xé nát, rồi gầm gừ tiến về phía tôi. Tôi lùi dần từng bước, từng bước... rồi dừng lại, không lùi được nữa, tôi đã tới sát bìa đất. Đây là bãi đất trống, không có chỗ nào có thể ẩn nấp được cả. Sau lưng tôi là vực thẳm, và trước mặt tôi là con thú dữ... Nó đã tới gần lắm, chỉ cách tôi một khoảng chừng 5, 6 thước...

    Trong một giây, tôi nhắm mắt lại, cầu nguyện. Thế rồi như một tia chớp, tôi nhớ ngay đến cây sồi... Cây sồi già mọc lên từ đáy vực, chỉ cách bìa đất nơi tôi đang đứng một quãng ngắn, ngọn cây cao hơn mặt đất cả mấy thước.  Chỉ cần nhảy qua một khoảng cách cỡ 5, 6 sải tay, là có thể níu được cái cành khá lớn gần nhất.  Đó là một hành động liều lĩnh và vô cùng nguy hiểm, bởi vì hụt tay là sẽ rơi xuống vực, chết tan xác. Nhưng chẳng thà chết vì té vực, chắc cũng mau chóng, và ít ghê rợn hơn là phải chết dưới móng vuốt và hai hàm răng nhọn hoắt của con dã thú này. Nó sẽ xé xác tôi thành trăm mảnh, và cái chết chắc chắn sẽ vô cùng khủng khiếp.

    Không còn chọn lựa nào hơn, tôi đánh liều nhún người xuống lấy đà, phóng vút qua khoảng không, chỉ trong nháy mắt. Soạt một cái, một vật cứng sượt ngang qua mặt, đó là cái cành cây, tôi vội tóm ngay lấy bằng cả hai tay. Thân hình tôi treo lơ lửng ở trên không, như người đang làm xiếc. May sao, dưới sức nặng chưa tới 50 kí của tôi, cành cây oằn xuống, nhưng không gãy. Tôi quặp hai chân ôm thật chắc, rồi mới từ từ tụt xuống tới cái chạc ba, và ngồi xuống. Bấy giờ tôi mới thở được, và cảm thấy đau, rờ thử thấy nửa mặt bên trái sưng vù và có tiếng lạo xạo bên trong, chắc là những mảnh xương vụn, có lẽ tôi bị dập xương gò má, nhưng may không chảy máu. Tôi thở hổn hển muốn đứt hơi, và tim đập mạnh tưởng sắp vỡ lồng ngực, tôi đã thoát chết chỉ trong gang tấc. Thật không uổng công tập luyện những ngày còn là học trò ở trung học, tôi đã chiếm giải vô địch môn nhảy xa. Nhưng một phần cũng do trời cứu, và số tôi chưa đến lúc tận. Qua phút định thần, tôi đưa mắt nhìn lên bờ. Con Boo đang lồng lộn đi lại một cách tức tối. Đã mấy lần nó chờn vờn định phóng tới, nhưng rồi lại không dám, nó cũng sợ bị rơi xuống vực. Boo nhìn kẻ thù đang ở trên cây, hếch mõm tru lên từng hồi, nghe rởn cả gai ốc.

    Trên cái chạc ba, sau khi lại hồn, tôi lần mò tìm được một cành khác cao hơn, nhưng vững chắc và xa con chó hơn. Tôi cẩn thận cởi dây lưng, cột người tôi vào cành cây, đề phòng đôi lúc sơ ý có thể bị hổng chân rơi xuống. Tôi ngồi im chờ sáng, hy vọng bác làm vườn sẽ tới sớm và cứu tôi. Trên bờ, con chó đã thôi sủa, nhưng nhất định không chịu dời đi chỗ khác. Nó đi qua, đi lại canh chừng, và cũng chờ sáng, để giao kẻ gian cho chủ nó.

    Bây giờ đã quá nửa đêm, sương xuống hơi nhiều và trăng cũng đã xế. Còn tới 4 giờ đồng hồ nữa, mới tới sáng. Những phút giây chờ đợi mới dài làm sao. Tôi lạnh run và khát nước kinh khủng. Tay chân tôi bắt đầu tê cóng vì lạnh và ngồi quá lâu một chỗ. Nhưng tôi không dám cử động mạnh, sợ tuột tay té xuống vực sâu ở phía dưới.

    Sau cùng, bình minh cũng tới, bầu trời sáng dần và trở thành màu xám nhạt. Khi những tia mặt trời đỏ ối đầu tiên bắt đầu ló dạng nơi chân trời phía đông, và chim chóc bắt đầu ra khỏi tổ, tôi nghe có tiếng mở cổng. Nhưng không phải bác làm vườn, mà là Kính, ông anh họ của tôi, tên sát nhân ghê tởm. Hắn ra coi tình hình, xem tôi đã chết chưa, và chết ra sao? Cảnh tượng trước mặt làm hắn ngạc nhiên, Kính trông thấy cái áo khoác của tôi nằm trên mặt đất. Tưởng tôi té xuống vực, hắn thận trọng bước tới gần bờ, cúi xuống nhòm. Kính không mảy may chú ý đến cây sồi già, và bị những cành lá rậm rạp che khuất, nên hắn không nhìn thấy tôi.  Nhưng con Boo thì trái lại, nó biết rất rõ tôi đang ở đâu. Boo ngẩng lên, sủa dữ dội để báo cho chủ biết là kẻ thù đang ở trên đấy. Nhưng Kính không hiểu, nghe tiếng sủa thì giật mình quay lại, thấy điệu bộ hung hăng của con vật, hắn tưởng nó sắp tấn công mình, nên sợ hãi la lên:

    - Boo, im ngay! Không nhận ra ta là chủ mi hay sao?

    Con Boo rít lên một cách tức tối, mắt vẫn không rời con mồi, và càng sủa hăng, tiếng nó ồm ồm nghe thật kinh khiếp. Bây giờ, Kính đứng xây lưng về phía tôi, đối diện với con thú cưng của hắn, con thú to khủng, thích ăn thịt sống, máu tươi, con thú được hắn huấn luyện để giết người... Nó đang nhìn lom lom về phía cái cây rậm rịt có tôi đang ẩn nấp, vừa sủa vừa nhe nanh gầm gừ.  Tôi hiểu rất rõ hành động của con vật, nó chỉ muốn nhắm vào tôi. Nhưng Kính lại lầm tưởng con chó nổi điên, phản chủ, hắn nhớn nhác nhìn quanh, tìm lối thoát.

    Ngồi ở trên cây mỏi quá, tôi hết sức nhẹ nhàng, thận trọng duỗi một chân xuống, đong đưa nhè nhẹ cho đỡ tê. Cử chỉ đó làm cho con Boo tưởng bị khiêu khích, nó hộc lên một tiếng dữ dội, quật đuôi xuống đất, nhảy dựng lên như sắp sửa vồ mồi. Kính sợ hãi rú lên, ôm đầu chạy giật lùi…

    Mọi việc xảy ra chỉ trong chớp mắt, tôi nghe một tiếng thét kinh hoàng của hắn, và tôi ngất đi vì sợ.

    Những việc xảy ra sau đó, tôi chỉ nghe kể lại: Kính hụt chân rơi xuống vực thẳm, bể đầu, gãy dập xương sống, chết tức khắc. Thiên bất dung gian, Kính chết vì chính âm mưu của hắn đã sắp đặt định để giết tôi. Con chó ngao khổng lồ bị hạ gục bởi tất cả những người làm trong nhà, họ dùng gậy gộc đập nó chết. Người ta đem tôi xuống, chở đi bệnh viện. Tôi không bị thương tích gì trầm trọng, ngoài những vết trầy trụa ở chân tay, và bầm dập nơi gò má, do cú nhảy va chạm làm vỡ vài mảnh xương nhỏ. Thêm vào đó, tôi còn bị sưng phổi, do thân nhiệt xuống quá thấp, vì suốt đêm chịu lạnh ở ngoài trời, và tâm thần xáo trộn, bất an vì quá sợ hãi.  Phải mất cả tháng, tôi mới bình phục. Bà chị dâu đi thăm tôi trong nhà thương. Nhìn tôi bằng cặp mắt rất buồn, chị dịu dàng nói:

    - Tôi đã làm hết cách để ngăn cản chú không nên ở đây. Tôi biết âm mưu của Kính, nhưng không dám nói thẳng với chú, vì sợ Kính biết được sẽ giết tôi chết. Bây giờ thì chú đã tai qua, nạn khỏi rồi, tôi mới thực sự yên lòng.  Còn chú, nhớ lo bảo trọng, cầu ơn trên ban phước lành cho chú.

    Nói xong, chị chào tôi ra về. Sau lần đó, tôi không bao giờ được gặp lại chị dâu tôi nữa. Sau này, nghe nói chị đi tu, quyết tâm xa lánh thế tục. Chị ẩn mình trong một nhà tu kín, âm thầm sống nốt quãng đời còn lại, không tiếp xúc, và không tiếp bất cứ ai tới thăm.


PHƯƠNG LAN