Wednesday, January 11, 2017

Ý Nghĩa Mâm Ngũ Quả Trên Bàn Thờ Tổ Tiên Trong Ngày Tết - trịnh quang chiếu


Khi cuốn lịch TAM TÔNG MIẾU treo trên tường sắp hết thì người VIỆT tha hương chuẩn bị đón hai cái TẾT, một là TẾT tây đi trước, và hơn chừng một tháng thì TẾT ta theo sau, đó là lối nói bình dân còn theo khoa học đó là TẾT dương lịch và TẾT âm lịch hai cái TẾT nầy nhằm vào mùa xuân

Theo quan niệm xưa cũng như nay, TẾT là năm mới, sau đêm giao thừa tống cựu nghinh tân, tiễn năm cũ đi, đón năm mới về, ngày Tết là ngày nghỉ ngơi sau một năm dài làm lụng vất vả, là ngày phải được ăn ngon, mặc đẹp, du xuân, viếng thăm họ hàng bè bạn, là ngày con cháu mừng tuổi chúc thọ ông bà, hoặc tưởng nhớ ông bà đã khuất. 

Hàng năm cứ vào các ngày cận TẾT là ghe xuồng từ các vùng quê đem thổ sản ra tỉnh thành, ra chợ bày bán. Ngoài các thứ trái cây thông thường họ chở phần đông là: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, khóm (thơm) vì đó là những thứ nhà nào cũng cần để chưng trên bàn thờ trong mấy ngày TẾT. Có ghe chở đầy các chậu mai vàng hực theo ý nghĩa thô thiển "MAI" có nghĩa là may mắn. Quan niệm nầy đã lưu truyền từ bao thế hệ của người dân quê miệt vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo phong tục tập quán thì mâm trái cây để chưng trên bàn thờ phải có đủ các trái: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài theo cách phát âm là : cầu vừa đủ xài (nghĩa bóng là họ mong sao gia đình có tiền đầy đủ theo cách phát âm). Có vài nơi họ chưng trái "sung" có nghĩa là "sung túc" và cũng có nơi họ chưng trái thơm (trái khóm) ngụ ý là "thơm tho" tiếng tốt. Họ dùng cây nhà lá vườn tạo thành mâm ngũ quả trước cúng ông bà sau mừng năm mới. Ngày nay họ còn chưng thêm trái nhàu, trái nầy to bằng hột trứng gà còn trái sung thì nhỏ hơn, trái sung chỉ có màu đỏ, còn trái nhàu màu xanh thẫm, trái non màu vàng.
Trái nhàu khi xưa ít thấy ai bày bán ngoài chợ, chỉ khi cần làm thuốc người ta mới đến nhà hàng xóm nào có trồng nhàu thì xin vài trái. Rễ nhàu đem ngâm rượu chữa được bệnh đau lưng nhức mõi, lá nhàu dùng để um lươn một món khoái khẩu ở miền quê hoặc đem gói thịt bò nướng trên lửa than thì mấy xị đế cũng hết, đó là món ăn dân dã miền quê. Khi chưng trên bàn thờ thì người ta lựa trái "nhàu già" vì nói lái lại là "nhà giàu".

Người dân quê miền nam không chuộng chưng trái sung như người thành thị vì theo cách phát âm quê mùa của họ, sung đọc ra là "xung khắc" cho nên họ thay thế bằng trái thơm (trái khóm) ngụ ý là "thơm tho" danh thơm tiếng tốt. Họ cũng không thích chưng trái cam vì cam có nghĩa là "cam khổ", "cam chịu" mà họ lại chưng trái vú sữa với ý nghĩ sữa là tượng trưng cho sự phì nhiêu, thịnh vượng.


BÀI THƠ Ý NGHĨA MÂM NGŨ QUẢ

Xuân về nhớ đến tổ tiên
Nhớ mâm ngũ quả nhớ miền quê hương
Mãng cầu xanh biếc TIỀN GANG
Cầu gì được đó xuân sang vui nhà
Dừa xiêm ngọt lịm KIẾN HOÀ
Tài vào vừa đủ ấm no xuân về
Nhớ màu đu đủ MỸ THO
Thêm vào ngũ quả đủ cho mâm bàn
Xoài vàng về miệt HẬU GIANG
Tiêu xài ngày TẾT xóm làng mừng xuân
Xuân về viễn xứ bâng khuâng
Còn trong hoài niệm nỗi mừng xa xưa
Tha hương nỗi nhớ sao vừa
Về quê ăn trái vườn xưa năm nào
CẦU , VỪA , ĐỦ , XÀI mãi sau
Tấm lòng chồng chất chứa bao tâm tình


trịnh quang chiếu
Để nhớ một mùa xuân hoa mộng thời xa xưa tại BẠC LIÊU

No comments:

Post a Comment