Thursday, August 25, 2016

Những Ngày Khốn Khổ - Phan Ngọc Vinh


Mỗi một  kiếp người tạo hóa như  sắp xếp cho  một số kiếp, tùy theo nghiệp nặng hay  nhẹ  mà cuộc đời mỗi người  được  sướng hay khổ  đều có  số .

Có những lúc nằm trên nệm ấm chăn êm,, nhà cửa tiện nghi , vật chất đầy đủ, con cái thành đạt nên người, chị vẫn không quên  những gì xẩy ra cho gia đình chị khi còn ở quê nhà, chị nhớ lại một thời anh và chị quen nhau, rồi thương nhau, chưa được bao lâu, thì anh bị đi tù cải tạo, chị bị đổi đi dạy ở vùng xa, cho đến một ngày ..........

Vào khoảng năm 1984, má chị nhắn về SG gấp, khi chị còn đang đứng lớp ở Long An, hồi đó chẳng có điện thoại di động như bây giờ, muốn gì thì phải đích thân người nhà xuống kiếm, chị hỏi em gái chuyện gì vậy, nó không trả lời, hỏi mãi nó nói chị về thì biết!

Vừa quẹo vào hẻm, bước tới cửa ngõ, thì .....Trời   Ơi .! Anh đã về  ....!  Nỗi vui mừng tràn ngập, không bút mực nào tả xiết.

Anh  đen  sạm hơn , ốm nhiều , gương mặt vẫn còn phảng phất nét vui khi  xưa, nhưng trông  không còn  sinh khí, anh đã bị vài  trận sốt rét tưởng chết, có thời gian  trong tù anh đau lưng đến nổi chỉ bò chứ không đứng dậy đi dược, nhờ có một người bạn tù  cho thuốc,  vậy mà từ từ vài hôm sau  đứng dậy đi trở lại được. Anh  mới được tha về từ chiều hôm  trước.

Anh chị lại dung dăng trở lại, bây giờ thì đi xe đạp, những con đường cũ, những kỹ niệm xưa, những xe đậu đỏ bánh lọt, gỏi cuốn, lại tái hồi có mặt hai người, sau nầy chị đã xin chuyển về lại SG, sau 9 năm bôn ba, hết Cần Đước, xuống Cần Giuộc, về Long An, cho đến đầu năm 1985 thì được đổi về Thành Phố, và rồi mối tình nào cũng đi đến hồi  kết thúc anh và chị lấy nhau , lúc ấy thiên hạ từ kinh tế mới lục đục kéo về thành phố, dân chúng phần đông nghèo và đói, quần áo rách buơm mang đầy bệnh tật..........

Kể từ khi lập gia đình với anh, hai em bé được ra đời trong nghèo nàn khốn khó, với đồng lương dạy học quá eo hẹp, lúc sanh thằng lớn, chị phải cắt cái quần cũ may quần cho con, và cắt áo của anh may áo cho nó..

Thằng lớn bệnh đau liên tục, khí hậu ngày nóng đêm lạnh, trẻ con cứ ấm đầu sổ mũi, vài bữa đi bác sĩ, vài tuần đi Nhi Đồng, nó bệnh nhiều nhất là  lúc chị  gửi con đi  nhà trẻ, buổi sáng chở cháu đi chị  bỏ vài  cái quần để cô giáo thay cho bé , nhưng chiều nào  ẳm về, thì quần vẫn còn trong giỏ,  mà người cháu thì khai  không tả nỗi, cái áo lạnh  mặc buổi sáng, cô chả thay ra, trong khi buổi trưa thì  trời nóng vô cùng, chắc cháu bứt rứt khó chịu lắm,  có hôm  đón cháu về  cứt hãy còn  dính trên đầu, mà dưới  đít thì vẫn còn  dấu tay cô giáo đánh. Chị đau lòng lắm, nhưng không dám phản ảnh, vì sợ cô giáo  đánh cháu kiểu khác  mà không để lại  dấu tích. Chị phải suy nghĩ cách gì để hạn chế bớt việc cô giáo đánh  con chị, vì có trường hợp đứa trẻ hay nghịch ngợm  cô giáo cứ lấy thước gõ vào đầu đứa  nhỏ, sau nầy lớn lên  cháu cứ bị nhức đầu và không học hành gì được, thế là  chị  hỏi xem  có bao nhiêu cô phụ trách  phòng  đó, chị  mua đường  mỗi tháng tặng mỗi cô  một bịch, hồi đó nhu yếu phẩm  rất là quý, sau đó  chị để ý hỏi con thì  không nghe con  bị đánh nữa,  và thấy trong giỏ đồ  có dấu hiệu  thay quần. 

Những sĩ quan chế độ cũ trở về là những thành phần mà chế độ mới không dung nạp,  nên có tìm kiếm việc làm cũng không nơi nào nhận, một người bạn cũ của anh truyền cho anh nghề sửa xe đạp. Sau khi thọ giáo với thầy vài hôm, anh mua ít đồ phụ tùng, lại ngay  góc nhà thương Đồn Đất, bày đồ nghề ra, ngồi nhìn ông đi qua nhìn bà đi lại, bữa đầu ngồi mãi đến chiều, chẳng có một người khách nào cả, bữa thứ nhì vài người dừng lại chỉ mượn ống bơm, dân chúng đi qua đi lại ai cũng trông nghèo đói, ít người chạy xe gắn máy ngoài cán bộ, vì bản chất của họ là chiếm Miền Nam, nên bằng mọi cách họ nghĩ ra những âm mưu thần sầu quỹ khốc, nào là đổi tiền, nào là đánh tư sản  ........  hầu san sẻ của cải miền nam, bao gia đình chỉ qua  một đêm là mất sạch sành sanh, mà còn bị tù đày khổ ải. Hầu như gia đình nào ở miền nam cũng đều bị ảnh hưởng bởi cái ngày oan nghiệt 30 tháng  4  .
Hai ngày trời ngồi nơi góc đường nhìn thiên hạ, đầu  óc nghĩ ngợi mênh mang, lúc trong tù  khi đi lao động, nhìn thấy cảnh  lâu lâu có  người  dân địa phương chạy xe đạp qua , ước mơ thật nhỏ nhoi đối với anh lúc đó   là ước gì anh là người dân quê ấy  , được ngồi trên  xe đạp mà tự do đạp  đi đây đi đó thì  sướng biết là  bao, nhưng bây giờ  ngồi đây,   trời thì  mưa dầm, mặc áo mưa không ra áo mưa, lại bị rách bên  hông, ngồi co ro lạnh lẽo, bụng thì đói  lại  chẳng có đồng nào vô, ôi mới thấy  cũng  khổ làm sao ! .

Đến ngày thứ ba, mãi đến chập choạng chiều tối, một cô gái đi xe đạp, dừng lại trông như là cô giáo, đến gần anh rồi ngại ngùng thỏ thẻ ....."Bác ơi, bác làm ơn cho cháu mượn ống bơm xe cháu bị xẹp bánh". Bản tính galăng của bọn "Ngụy" vẫn còn lai láng, anh trả lời  ..--. "Thôi để tui  bơm dùm cho cô, tui không lấy tiền đâu !". Thế là anh hì hục bơm dùm cô ả, xong xuôi  cô gái cám ơn và đạp xe đi, anh sửa soạn dọn đồ nghề ra về với lòng buồn chán nản..." Lại về mà chẳng có đồng nào". Nhưng sao cô gái kia bỗng trở lại --.."Bác ơi xe cháu bị bể  bánh, chứ không phải bị xì hơi" ......" Thôi được, để tui vá cho cô". Thế là anh hì hục mở bánh xe, từ 3 hôm nay, sau mấy hôm  thọ giáo với thầy, đây là lần đầu tiên anh thực hành "Nghề vá sửa xe đạp". Sau khi móc được cái ruột xe ra rồi, anh bơm lên và nhúng vào thau nước để tìm lỗ bị xì hơi, rồi anh  lấy cái tăm anh đâm vào lỗ đó, dè đâu loay hoay lúng túng thế nào anh đâm thẳng nên  lũng thêm lỗ bên kia luôn. Vậy là một lỗ thành ra hai lỗ! Anh quê quá, chẳng nói gì hết, ngồi dũa rồi bào cho miếng ruột mỏng dần, rồi ịn keo lên để vá, xong miếng nầy rồi đến  miếng kia, hì hục mãi đến đỏ đèn mới xong, cô gái nhìn anh ái ngại  ...--Bác cho cháu thiếu, cháu không mang tiền theo.  --Thôi được, không sao, bao giờ ghé trả cũng được .  Nghe anh trả lời như vậy, cô gái dắt xe đi, vừa đi vừa nhìn lại  như không tin rằng : Tại sao có một người tốt như vậy ? 

Lúc anh đang hì hục chú tâm làm, anh không biết có một thằng đi xe đạp, chạy  qua chạy lại nhìn anh với gương mặt đằng đằng sát khí, lúc cô gái đi rồi anh dọn dẹp đồ đạc, bụng thì đói meo, chưa có chút gì trong bụng từ trưa. Anh định đạp xe về nhà ăn cơm, thì  nghe tiếng xe đạp thắng kêu cái "éc"  ...--Ê ! Ông già, ngày mai không được ngồi đây nữa  nghe, tui ngồi dưới kia mấy năm nay ông định ở đây chận đầu tui hả? ...........Anh không trả lời, chản nản tới óc, đạp xe về nhà và dẹp đồ nghề luôn.

Một ngày kia anh bàn với chị: hay là em dạy một buổi, còn một buổi đẩy xe bánh mì ra bán. Túng quẩn thì cũng làm thôi, việc làm lương thiện, có gì đâu mà ngại, sẵn có người muốn sang xe, chị mua liền với số tiền dành dụm. 

Rồi từ đó công việc lại nhiều thêm ra, sọan bài, nấu cơm, luộc thịt, làm patê, đồ chua ... đủ thứ trên đời, cứ chiều đến thì chị đẩy xe bánh mì ra đầu ngõ, soạn các thứ ra bán, tuần đầu thì đắt hàng, tuần thứ nhì thì chậm hơn, và tuần thứ ba thì ế .

Đồ ăn đem về không bán hết thì mấy đứa em ăn dùm, vì nhà không có tủ lạnh, vì vậy, ế ăn ...rồi lỗ là chuyện đương nhiên. Sau một tháng bán bánh mì, chị đem dẹp xe luôn, vì thằng lớn bị sưng phổi, phải vào điều trị ở Nhi Đồng .

Lúc nầy ở nhà má chị, nên không phải trả tiền nhà, chứ đi mướn nhà thì tiền đâu mà trả .

Chị vẫn còn may mắn chút xíu là chị có đứa  em thứ 8, nó là y tá. Sau 75 có vài năm  chị sống với nó, lo cho nó vào học y tá trên huyện nhà, sau nầy tốt nghiệp được phân công về xã nhà làm việc, nên nhờ chị mỗi tuần gom thuốc tây đem về quê cho nó,  đây là thu nhập phụ mỗi chủ nhật, nhưng lại là thu nhập chính, chị tích lũy được số tiền  hàng tuần cũng nhờ dịch vụ nầy.

Sau khi giã từ nghề bán bánh mì thì vài tháng sau  có người đi Mỹ, họ đi chính thức, nên bán đổ bán tháo đồ đạc, họ bán rẻ cái xe thuốc lá thế là anh mua đem về cho chị, bán món nầy thì không phải làm đồ ăn nên cũng nhẹ phần nấu nướng. Thế là, mỗi sáng chị ẵm thằng nhỏ đi gửi nhà bà hàng xóm [vì má chị phải may đồ chợ để có tiền nuôi mấy đứa em của chị] gửi bé từ sáng đến chiều, giá là 500 đồng, tương đương 4 cent tiền Mỹ, lúc nầy thằng nhỏ được 4 tháng, chính sách nhà nước "mẹ sanh con nhỏ được nghĩ 6 tháng". Khi gửi thằng nhỏ xong, thì chị cùng thằng lớn đẩy xe thuốc lá ra đầu ngõ, đem sách đánh vần ráp chữ để dạy con  học, nó sáng dạ lắm, dạy đến đâu nó thuộc đến đó, dù mới chỉ 24 tháng, còn đang tập nói .
Từ sáng đến chiều, bán lẻ thuốc lá chỉ lời độ1000 đồng VN, tức khoản 8 cent tiền Mỹ, mà gửi con hết 500 đồng rồi, còn 500 thì mua đồ ăn cho buổi chiều.
Xe thuốc lá đậu trước nhà thờ đầu ngõ, có khi gặp tụi bạn chạy ngang, chị phải thụp  đầu xuống, lấy nón lá che ngang, chị không sợ bạn cười chê, chỉ sợ tụi bạn nhìn chị thương xót.
Một hôm, có một cậu thanh niên độ 20 tuổi, học thợ tiện trong nhà thờ ra mua thuốc, sau khi mồi điếu thuốc, cậu ấy nói là "Em thấy cháu bé sáng sủa quá, chị trông cũng trí thức, sao không kiếm việc gì khác mà làm, bán lẻ từng điếu thuốc, thì đâu có lời bao nhiêu, mà chị đem con ra phơi nắng".
Buổi chiều đẩy xe thuốc về nhà, cứ ngẫm nghĩ lời cậu ấy nói ..." lời được bao nhiêu, mà đem con ra phơi nắng".

Đúng! Cậu ấy nói đúng, chị thử thời vận kiểu nầy phiêu quá, nhưng chưa nghĩ ra sẽ làm nghề gì khác  để kiếm tiền khá hơn, phụ với nghề dạy học, và nghề đi gom thuốc tây. Một bữa kia, mới dọn hàng ra, giăng tấm che trên mui xe vừa xong, xấp xếp thuốc để thế nào cho  đẹp mắt, thì một chiếc xe đạp đỗ xịch phía trước, trên xe có 2 thằng, chị biểu con đứng xuống vì nó đang ngồi trong lòng, thì từ bên kia đường, một thằng chạy xe đạp băng qua, cũng ngừng trước xe thuốc, tức là 3 thằng tất cả, 2 thằng đã đứng 2 bên, thằng mới tới thì đứng chính giữa, phía trước mặt, chị nghĩ bụng, ít ra cũng bán được 3 điếu thuốc, bán lẻ thì 1 lời 1.

Đúng là 3 thằng chị bán được 3 điếu thuốc, nhưng khi lũ nó đi rồi, thì 10 gói 3 số 5 biến mất, 10 gói chị đã chia làm 2, cột dây thun, để bên trái 5, bên phải 5, 3 thằng nó ảo thuật cách gì mà khi tụi nó đi rồi thì 10 gói thuốc biến theo tụi nó.  
Trời đất ơi! cả vốn liếng dành để bán thuốc, cả gia tài, nằm gọn trong 10 gói thuốc, bị chơi cú nầy nặng quá, chị ôm con vào lòng, nước mắt tuôn rơi lả chả, không nói được nên lời, chỉ lẩm nhẩm trong miệng như con mẹ điên ...--Sao mà mình khổ thế nầy .... .

Chị không còn tâm trí đâu mà ngồi đây nữa, ngồi bán "tóc teng" từng  điếu thuốc, cả ngày lời chỉ có 1000 đồng VN, mà lại bị cú nầy, lại nhớ lời cậu thanh niên ấy nói, may là con chưa bị bệnh, thôi thì chắc trời còn thương, 3 thằng ấy biết đâu nó rước hết bệnh tật của con mình.

Thế là, không luyến tiếc gì nữa, chị dẹp xe thuốc lá, và tiếp tục suy nghĩ sẽ làm gì nữa đây, nhưng biết mua bán gì nữa, dân tình xung quanh đều đói khổ, bày ra bán món ăn gì trong xóm cũng đều bị mua thiếu. Thế là đành phải chịu đi dạy học, dạy thêm phụ đạo  học sinh giỏi, dạy riêng học sinh dở gom lại ở nhà phụ huynh, và gửi con đi nhà trẻ ...Thời gian cứ dần trôi, theo nghề "bán cháo  phổi" [gọi như vậy  vì đồng lương không được bao nhiêu  mà cứ thi đua và hội hợp liên miên], và cứ mỗi chủ nhật thì đi gom thuốc  tây đem về quê cho đứa em gái.

Hai mùa hè trôi qua, khi đứa lớn được 4 tuổi, chị gửi thằng nhỏ cho  má chị, còn 2 mẹ  con, chị cùng thằng lớn đi gom thuốc tây, chị chở con đi bằng xe đạp, hồi đó những người bán  thuốc đều bán chui vì công an nó bắt dữ lắm, và các người bán  thuốc không tập trung một chỗ, vì vậy  chị phải chở con đi nhiều nơi, lúc thì đến nhà họ ở khu  chợ Tân Bình, khi thì   Tân Định, chợ  Ông Tạ, đôi  khi qua   chợ Bình Tây, hai mẹ con dong ruỗi trên đường, đói thì ăn đầu đường xó chợ, khi con mệt thì ngẽo đầu ngủ trên cái túi gác trên  ghi đông xe,  hoặc đỡ con ngồi bên dãy nhà  đóng cửa  ven  lề đường gác đầu trên đùi chị mà ngủ, chờ mối đem thuốc tới. Sau khi gom đủ thuốc, chị gửi xe ở gần trạm  và  2 mẹ con phóng lên  xe bus, xe bus cứ chạy chập chờn, chập chờn  tới trạm không ngừng hẳn, cứ  rề rề, chị chờ lúc xe tạm ngừng trong tích tắc, chị dặn con:-- Mẹ đưa con lên, con gặp gì thì nắm lấy nhe. Nó nghe lời, phóng lên thật nhanh, cậu lơ túm lấy nó rồi đẩy nó vào giữa, nó chụp cái thành  ghế cứng ngắc, chị ôm giỏ thuốc lốc xốc chạy theo xe bus, giỏ nặng trĩu, thời đó có thuốc bổ ống, nên tuy nặng nhưng giá trị không nhiều, thời gian nầy đô thuốc dùng cho bệnh nhân miền quê đô  chưa cao, nên toàn là thuốc xí nghiệp rẻ tiền, khi nào em  chị cần thuốc ngoại thì chị đem đi riêng mà phải giấu kỹ vì trên đường đi công an xét gặp là nó tịch thu,  những thứ thuốc ngoại nầy mắc tiền nhưng nó lại nhẹ hều.     

Trở lại chuyện trên xe bus, cái giỏ thuốc nội, xung quanh chị ém quần áo, trên thì đồ chơi con nít, chị ngụy trang giống như 2 mẹ con đi về quê chơi, trên xe, người đông như  kiến, có những thanh niên ngồi trên băng, nhìn thằng con chị 4 tuổi mà 2 tay bám chặt thành ghế nó bị đẩy qua đưa lại theo mỗi đà xe chạy và thắng gấp, những ánh mắt dửng  dưng vô cảm, chị cũng chẳng cần xin xỏ cho con được ngồi, nghĩ và nói thầm trong miệng "Ráng đi con, nếu để bố đi, CA nó bắt được thì bố bị tù nữa, khổ cho bố mà cũng  khổ cho nhà mình lắm con ơi, hai mẹ con mình  có ăn quán, con có  ngủ lề đường nhưng lúc nào  Mẹ cũng được ở gần con, được ôm con   trong lòng  và không lo sợ ai đánh con, còn em con thì đã có  bà ngoại trông dùm rồi ". Thằng con 4 tuổi của chị nó như có vẻ hào hứng khi phiêu lưu cùng mẹ, có hôm xe đông quá, nó phải ngồi trên những đòn gánh để dưới sàn xe và nép mình bên cạnh những gánh hàng, mà miệng lúc nào cũng cười vô tư mỗi khi nhìn mẹ, có hôm thấy chị đứng đeo tòng teng tay vịn thanh ngang trên nóc xe, nó còn  rũ : - Mẹ ngồi đây với con nè ..

Thời gian nầy, có người quen, chỉ anh bán vé số, anh đóng cái khung mất mấy ngày, rồi đem đặt trước lề đường, bên kia là Tổng Tham Mưu cũ, mỗi lúc trời mưa giông gió bất  ngờ anh phải lấy thân mình đè lên mấy tờ vé số kẻo nó bay mất, tay thì vịn 2 cái cây đỡ tấm bạt bên trên, chờ lúc bớt giông thì thu gom các tờ vé số.

Một bữa nọ, một con mẹ chạy chiếc cúp đỏ choét ghé vào đổi tấm vé vừa xổ trúng, anh vốn tính cẩn thận, cầm tấm vé soi lên ánh mặt trời rồi nghiêng qua nghiêng lại trông cho kỹ, sau cùng thì anh chịu đổi, anh gom hết tiền lời tiền vốn đổi cho bà ta, khi xong hết ngày anh đến đại lý thì mới biết ra là vé số giả. Đúng là "nghèo mà còn gặp cái eo".  Sau đó anh còn bị gạt vài lần nữa nên phải bỏ nghề. 

Sau đó có người bạn chỉ anh  vào làm ở lò vôi, vác từng bao vôi, rồi mở miệng  trút vào lò nung, bụi bay mịt mờ xung quanh, có mang khẩu trang, nhưng  chủ không có nhiều để thay, cứ bịt mãi cái đó, sau nầy khi khám sức khỏe để đi Mỹ, khám phá ra phổi anh có đốm  trắng .     

Nhớ hồi chưa lấy nhau, sau khi anh đi cải tạo về, có lần chị nghe nói ở chùa Giác Lâm bên Phú Thọ, có ông sư xem bói hay lắm, chị rũ anh cùng đi, ông sư sau khi hỏi tuổi, ông lật sách ra, trên trang sách, hiện ra cảnh bên bờ sông, có cái chòi rách nát, cất dựa sát bờ, trên cái sạp tre ông chồng ngồi mặc quần cụt, áo thun 3 lỗ, rách bươm, ngồi buồn, mặt nhìn ra sông, bà vợ thì đang ngồi chỗ miếng ván bắc bên sông vo gạo, cảnh vật đìu hiu vắng vẻ. Ông thầy bói trầm ngâm tư lự một hồi, rồi lắc đầu chép miệng: Hai tuổi nầy  lấy nhau khổ lắm, chỉ hơn ăn mày một chút là không phải đi xin ăn, nhìn  sách  thì thấy cũng còn có cái ăn là bà vợ đang vo gạo, nhưng chiều  tối mới bương chải kiếm được chút gạo về nấu, cảnh nầy chưa thấy có con mà đã thấy khổ rồi. Trên sông thì nước đang hối hả trôi, lục bình dật dờ xuôi theo dòng nước, ông chồng ngó mông lung ra bờ sông, ý như lục bình trôi tới  đâu, thì đành xuôi theo số phận tới đó, chứ không biết làm sao hơn .  Nếu sau nầy lấy nhau mà giống y như cảnh trong hình thì chắc là khổ lắm!
     
Lúc đi tù về CA phường vẫn chưa cho anh vào hộ khẩu, mà chỉ tạm trú, cứ vài ba bữa CA khu vực đề nghị anh đi kinh tế mới hoặc có quê thì phải về quê, sau cùng chỉ còn  một cách tốt nhất là anh xin vào làm phu hồ ở Công Ty Xây Lấp, đang cất rạp Hòa Bình, nói CTXL cho ngon, chứ đồng lương chết đói, làm chỉ để giữ hộ khẩu cho được ở SG, chứ lương cả ngày không đủ để ăn sáng. Cứ buổi sáng đạp xe đi, chiều đạp xe về, đầu cổ, tóc tai dính đầy bụi xi măng, về nhà phải lấy chanh chà đầu chà cổ trước khi tắm, chứ rửa nước liền thì xi măng sẽ  dính chặt hơn, trong khi bụng thì đói meo, vì chỉ ăn có buổi sáng, buổi trưa ngồi nghĩ thì ăn khoai củ gì cho đở đói, chiều về ăn cơm nhà . Công việc là cõng  xi măng, gach cát  từ dưới đất lên lầu, hồi đó kỹ thuật xây cất còn sơ khai, nên mọi thứ di chuyển đều phải dùng sức người, chứ không văn minh như bây giờ. 
        
Thời gian cứ lững lờ trôi, năm ấy đứa lớn được 5 tuổi .
Một ngày nọ, có cô bạn học Gia Long khi xưa đến thăm, nhà cô ấy trong Tân Phú và  cô cho biết: em bạn dâu của cô ấy dạy ở trường mầm non Tân Phú, có thầu căn tin ở trường, cần người bán món ăn sáng cho học sinh và phụ huynh, nếu có người làm thì chỉ phụ đóng tiền mướn mặt bằng cho trường mà thôi, vốn liếng, lời lỗ gì thì người bán lo hết. Chị thấy quyết định nầy rất là quan trọng, vì nếu bán hàng nơi đó thì phải dọn nhà  vào Tân Phú, chắc là phải nghỉ dạy học, vì nếu vẫn còn đi dạy thì sau 3 tháng hè nầy, đi dạy lại phải gởi con ở nhà trẻ, tiền dạy học chỉ đủ tiền gửi 2 đứa, muốn dư chút đỉnh thì phải dạy thêm, mà dạy thêm có nghĩa là: bán cháo phổi.Thôi thì "một liều ba bảy cũng liều", nghỉ dạy và dọn nhà vào trong Tân Phú, vì chị nghĩ nghề đi thuốc tây nầy phiêu  lắm, có khi CA theo dõi bắt được, tụi nó sẽ tịch thu hàng, hơn nữa chẳng lẽ cứ dắt con phiêu lưu qua các chợ thuốc mỗi tuần, toàn gặp những khuôn mặt "mắt la mày liếc" "mắt trước mắt sau" vì sợ CA nó chộp, nên thà kiếm việc gì căn bản hơn, chứ làm nghề nầy tương  lai cho con không khá nỗi, thôi thì bỏ nghề nầy đi .  
  
Người bạn ấy giúp đỡ nhiệt tình, mướn dùm một cái chái bên hông ngôi nhà lai, phía dưới nền thì vẫn còn gạch lổn ngổn cục lớn cục nhỏ, mái ngói, nhưng khi có trời mưa gió bão thì cát rơi xuống rào rào; chắc lúc họ làm, hà tiện xi măng, nên cát thì ra cát, xi măng  thì ra xi măng, không dính lại với nhau, còn cửa sổ mới là thê thảm, chỉ là miếng ván   đóng dính luôn vào cửa  sổ .
  
Căn phòng vuông vức độ  3 mét mỗi chiều, không có cầu tiêu, muốn đi đồng thì đi vào  cái bô, rồi ra sau góc hè đào cái lỗ, lấp đất lại, còn muốn "văn minh" hơn, thì chịu khó  ra cái cầu tiêu lộ thiên, không gì che chắn, hơi xa nhà một tí, cháu chủ nhà có đào cái lổ  sâu độ 1 thước, gác 2 cây vào, phía dưới thì giòi bọ tùm lum, thấy mà rùng mình sởn tóc gáy, phải nói là "tiền nào của nấy", không có tiền nhiều, thì làm sao ở nhà sang hơn cho được .
    
Lúc ấy chị trả tiền 6 tháng là 6 phân vàng, tiền dành dụm chắt chiu phòng khi hoạn nạn, mấy tháng hè chờ tựu trường để căn tin mở cửa, chị mua 6 cái ghế con, tủ đựng bánh ướt, chở cái bàn cũ, xửng hấp bánh ướt ra cửa chợ Tân Phú bày ra bán hàng, cứ bán  được 10 dĩa thì lời 5 dĩa, nhưng cực nhất là khi trong chợ mấy bà bán hàng muốn ăn thì mình phải bưng vào, mà hể cuối ngày quên không nhớ bà nào kêu, thì mất tiền mà còn mất dĩa, khi bưng dĩa vào chợ thì chị để hai nhóc coi hàng, năm ấy thằng lớn được 5 tuổi, thằng nhỏ 3 tuổi. Vậy mà biết nghe lời mẹ, trông gánh hàng, dặn gì nó làm theo đó, chị  còn dặn các bà bán hàng xung quanh, chỉ có tôi và chồng tôi có thể dắt con tôi đi thôi,  các bà giúp dùm, ai dụ nó đi là họ bắt cóc rồi dặn con, con phải la khóc to lên nếu ai dắt  con đi nhe, mẹ chỉ bưng dĩa bánh nầy cho khách rồi chạy ra liền nhe con  !. Thằng lớn nầy từng tuổi ấy  mà lúc nào cũng quấn theo em, và lúc nào cũng như muốn giúp mẹ và còn chỉ cho em nó học chữ nữa chứ. Lúc nầy nó đã đọc được vài  bài văn ngắn rồi.
      
Ý định dọn hàng ra bán ở đầu chợ vì chị nghĩ phải làm gì để có tiền vô, chứ cứ ngồi  không ăn mãi thì giống như một loài chim vào mùa đông, không kiếm được thức ăn, chim trống và chim mái cứ rĩa lông, rĩa thịt cho con ăn thịt của chính mình, đuối dần rồi chết cả hai vợ chồng cùng lũ chim con, vì vậy cứ bán được lời đồng nào thì  hay  đồng  nấy.

Đồ đạc bán hàng thì được gửi ở Trường Mầm Non, khi dọn hàng, thì chị lật ngữa cái bàn ra để  phía yên sau, [cái yên đã được cơi cho rộng ra để chở đồ], rồi mọi thứ được chất lên đó. Hai đứa nhỏ thì bố có mua cho chiếc xe đạp chút xíu [đây cũng là tiền mà bố dành dụm   để mua xe cho con], cái xe có yên ngồi phía sau, cứ  mỗi chiều khi chị thồ đồ ra bán hàng thì đứa lớn chở đứa nhỏ chạy trước, ra đến chợ thì ba mẹ con dọn hàng, chiều về thì bố  ghé chở thằng nhỏ về, thằng lớn đạp xe theo bố. Thằng lớn có vẽ nhiệt tình khi đi "làm ăn " với mẹ, hai đứa nhỏ nầy trời sinh vào gia đình bố mẹ nghèo, chắc nó cũng biết phận mình nên chẳng bao giờ khóc la mè nheo nhõng nhẽo, nhất là đứa lớn, gần 5 tuổi mà trông em như đứa trẻ trưởng thành. 
    
Còn nhớ có một buổi chiều, chị chở mọi thứ về trường, trời cũng tối rồi, mưa rơi lất  phất, từ đằng xa chị nhìn thấy ánh đèn điện sáng choang trong căn tin, dừng lại nhìn kỹ thì thấy cô bạn của chị đang tiếp các bạn bè trong quán, những người nầy chị đã từng quen biết lúc còn học dưới mái Trường GL, bây giờ phần đông họ đều thành đạt, họ là  bác sĩ, vợ kỷ sư , giáo viên cấp 3, hoặc là vợ của cán bộ đang làm ở hải quan, hoặc gia đình có đồ  nước ngoài, chị nhìn lại mình sao thê thảm quá, quần thì ống thấp ống cao, đầu đội nón lá  rách bươm, xe đạp thì cũ xì, lại chất đằng sau nồi niêu xong chảo, thôi thì nghèo xó nào thì nghèo, cũng đường đường học chung với chúng bạn, lẽ nào mang hình hài "khố rách áo ôm" nầy cho tụi bạn  nó gặp, chúng nó lại xem thường mình lại rũ lòng thương hại  mà tưởng  mình nghèo [mà nghèo thiệt]. ., rồi thí cho vài chục  thì nhục  chết được. Thế là !,chị chẳng thèm "diễu hại bệnh nhân" ( đây là kiểu nói của người Nam, ý là lượn qua lượn lại làm ra  vẻ khốn khổ để gợi lòng thương xót ) chị quẹo vào căn nhà kế bên là tiệm  may để gởi đồ, bà già chủ nhà lên giọng: "Tui cho gửi hôm nay thôi nhe, không phải ngày nào cũng gửi, tui không rãnh mà thức giữ đồ cho bà đâu nhe!" ( mặc dù chỉ để một góc  nhỏ bên sân bà ấy), chị lại năn nỉ: Cho cháu gửi hôm nay thôi, vì bên quán có khách.
    
Lúc nầy anh cũng còn làm ở CTXL anh chị đã nộp đơn theo diện HO, giấy tờ dịch vụ  chị đều có tiền đóng đủ, tiền nhịn ăn nhịn mặc, phòng khi bệnh tật, con ốm chồng đau.
Có một đêm anh bị nóng rồi lạnh, đắp mấy cái mền cũng vẫn lạnh, vài hôm trước anh đã bị trúng mưa trên đường đạp xe về nhà, đêm ấy trời mưa lớn lắm, anh bị sốt rét trở lại.
    
Ôi!  Từ nhỏ đến lớn, cho đến khi lấy anh, chị chưa từng chứng khiến  cảnh thương tâm nào hơn cảnh nầy, mà  chính  chị lại  là người trong cuộc: 2 con thì nhỏ một đứa 3 tuổi, một đứa 5 tuổi, lúc ấy khoảng 1 giờ đêm, chị kêu thằng lớn dậy, nói với nó:  _Con ơi con, bố bệnh nặng lắm, con nằm đây giữ em, mẹ đưa bố đi bác sĩ, con gài cửa lại, con đừng khóc, đừng la nhe con, khám bệnh bố xong mẹ sẽ về liền , thế rồi chị chạy qua dặn bà chủ nhà, xong xuôi, chị đỡ anh ngồi ở yên sau, chị lót cái gối nằm ở yên truớc, anh nằm úp đầu  vào gối, chân anh thì gác lên 2 cái gạc 2 bên, chi trùm áo mưa lên người anh rồi đẩy ra  văn phòng bác sĩ.
     
Vùng nầy, Tân Phú, đã là ngoại ô SG, mà chỗ ở nầy lại là ngoại ô của Tân Phú. Hồi  anh còn bị đi tù, thỉnh thoảng hè nghỉ dạy, chị thường đến nhà cô bạn nầy chơi, chị và  bạn Dung nầy rất là thân nhau, có khi chị ở lại chơi vài ba ngày, Dung dắt chị đi vòng vòng trong xóm, thăm những luống hàng bông thẳng tắp, những luống hoa cung cấp cho  nội thành vào dịp tết, dân ở đây chủ yếu trồng rau quả, họ vẫn còn xách nước tưới rau bằng tay. Vậy mà, cảnh vật ban ngày với những hàng trúc xanh rủ bóng, êm ả nên thơ bao nhiêu thì về đêm, nhất là những lúc mưa to gió lớn như vầy thì thật là khủng khiếp, những hạt mưa nặng bám vào thân, làm trúc rũ xuống, rồi khi có gió nó bị quật lên, quật xuống, trúc va vào nhau "nghiến răng" kêu ken két, người giàu óc tưởng tượng cứ tưởng như những con ma ẩn mình hai bên, và đang vươn những cánh tay dài ra chụp người đi lạc. Đêm ấy, trời mưa gió mịt mờ u tối, sấm sét nổ đì đùng, chị và anh giống như cảnh trong cuốn phim nào đó mà thời con gái chị đã từng xem qua: "người kỵ mã bị thương nằm trên lưng ngựa, cô gái lầm lũi dắt ngựa đi trong đêm tối, giữa lúc núi rừng gào thét, đổ xuống những trận mưa kinh hồn, hai kẻ khốn cùng sa cơ trên bước đường giang hồ hành hiệp, họ đã dắt dìu nhau tìm cái sống trong cái chết cận kề".
     
Trong phim xem khi xưa thì người chồng bị thương nằm trên lưng con tuấn mã, còn bây giờ chị lại là vai chính trong cuốn phim "Một cuộc tình buồn", thê thảm hơn  trong phim, là thay vì dắt ngựa đi, chị lại gồng mình nắm chặt cái ghi đông xe, đẩy anh đi dưới cơn mưa tầm tã, nửa lo cho  anh, nửa lo cho 2 con trong  đêm  khuya thanh vắng lại ở nhà một mình . Nghĩ gì thì nghĩ chị quyết tâm: "Phải cố gắng lên! Trời sẽ không phụ lòng người", nghĩ vậy nên chị thật là bình tĩnh, miệng lâm râm khấn vái cho anh qua khỏi cơn bệnh ngặt nghèo nầy, đừng chết, bỏ em và con không nơi nương tựa, chẳng lẽ cuộc tình của hai đứa mình đến đây chấm dứt rồi ư, anh phải sống, để cùng em dạy dỗ con thơ, chúng nó cần có một người cha bên cạnh, đừng sớm vội ra đi như thế .......
   
Đẩy độ gần 1 tiếng đồng hồ thì ra đến đầu chợ Tân Phú, rồi phải vòng qua một hẻm kế nữa, chị không hiểu sức đâu sao mà chị khỏe thế, đường thì trơn trợt, chị kềm chặt cái ghi đông, anh thì không nhúc nhích cục cựa gì, ra tới nhà bác sĩ, kêu cửa, khóc lóc van xin" bác sĩ cứu dùm chồng tôi, tôi biết là khuya rồi, 2 con còn nhỏ ở nhà một mình, tôi không thể đem chồng tôi vào nhà thương được, xin bác sĩ độ lượng nhân từ làm phước, nếu chồng tôi chết thì khổ hai con tôi lắm Bác sĩ ơi!" vừa kêu cửa vừa vái Phật Bà nhân từ cứu giúp  cho chồng, miệng thì khẩn cầu BS, tay thì sờ trán anh, khi nóng khi lạnh, anh rên hừ hừ ....chắc không cảnh nào khổ hơn cảnh nầy.

Thế rồi cửa cũng mở, và bác sĩ xem mạch bán thuốc sốt rét đem về nhà uống, rồi giữa trời mưa gió, sấm sét chớp lạch liên hồi, chị đẩy anh về, đường đi trơn trợt, đôi lần suýt ngã, nhưng chị vẫn ráng ghì chặt cái ghi đông xe, chị bất kể mưa tạt gió giông, người như tê cứng, không còn cảm giác, miệng thì vẫn không ngừng khấn vái Phật Bà cứu độ  ..( sau nầy nghĩ lại, chắc Phật  Bà đã đáp ứng lời cầu nguyện chân thành  của chị, nên đã ban cho chị một sức mạnh   phi thường như vậy ).
Về nhà thì thấy 2 con ôm nhau ngủ. chị hâm lại nồi cháo  và giúp anh  ăn từng muổng, rồi uống thuốc. 
    
Ôi, còn đâu .......người lính chiến ... giày bốt đờ sô với 2 bông mai vàng đính  trên ve áo, những năm tháng  tù đày  trong các  trại tập trung  đã lấy đi biết  bao nhiêu sinh mạng của các thanh niên đầy nhiệt huyết, yêu quê hương, yêu tổ quốc, khi được thả ra từ nhà tù nhỏ  sang nhà tù lớn, thì anh chỉ còn lại  tấm thân  tàn với căn  bệnh quái ác nầy  đây . Khi anh trở về, lấy nhau, một thực tế quá phũ phàng  là chạy gạo, lo ăn từng bữa, nhưng  vẫn hạnh phúc với hai trẻ được sinh  ra  thật  thông minh đĩnh ngộ. Bây giờ anh nằm đây, trong cái chái nhà nhỏ tơi tả nầy, và chị đang hồi hộp trông từng hơi thở của anh 


Lúc  anh mới đi tù về  vẫn còn vài cô  độc thân  có ý đợi anh về , sống trong chế độ mới  mà  vài cô vẫn " ăn nên làm ra "  , có nhà có cửa sẵn sàng, sao anh vẫn đi  tìm chị làm chi, để rồi  phải chịu cảnh khổ như vầy, lương cô giáo không được bao nhiêu, mà bây giờ cũng bỏ dạy rồi, thời gian nầy đang chờ đợi Căn tin mở cửa, nhưng đâu chắc gì mà làm ăn  được, anh thì  ngay thẳng, không mánh mung chụp giựt, làm công việc gì  thì  chỉ bỏ ra bằng  sức lao động của mình, mà những năm tù đày khổ ải, sức khỏe có còn lại bao nhiêu . Càng nghĩ chị càng thương anh nhiều hơn "chị  cầu  xin Phật Bà ban phép mầu nhiệm cho anh qua khỏi cơn bệnh nầy,  hai  con của chúng con còn nhỏ lắm,  làm sao mà một mình  vừa lo sinh kế, vừa dạy con trong cái xã hội hỗn mang nầy được". Nằm bên anh chị khấn  và niệm  Phật mãi  cho đến lúc mệt quá thì ngủ quên  lúc nào không biết .

Sáng hôm sau ngủ dậy anh ăn cháo, uống sữa, anh tỉnh táo lại dần, rồi hỏi là: - Cháo nấu hồi nào mà nhừ vậy. ( Chị không trả lời, nghĩ thoáng  qua   hơi thầm trách anh là  anh chẳng để ý gì đến chị cả , vì  từ lâu rồi chị đã  ăn cháo thường xuyên, vì muốn nhường cơm cho 3 cha con ăn cho no, phần cơm thừa còn lại thì chị ăn, nếu không còn thừa thì chị đã có sẵn nồi cháo đây rồi ). Anh còn bảo tối hôm  qua anh không biết gì hết, lại còn diễu là tối qua mà đi luôn chắc em không có tiền mua hòm ( chị vẫn không trả lời nhưng  nghĩ là : không phải vậy đâu, chị vẫn còn  ít vàng để dành  khi đi thuốc cho Mai, nhưng chắc chắn là không phải để mua hòm  cho anh , vì anh không thể chết tức tưởi như vậy được  ! 

Sau đó anh được vào hộ khẩu, và bỏ làm ở CTXL. trường học khai giảng, căn tin mở cửa, chị bày ra bán bún riêu, bánh ướt , anh ở nhà phụ chị bán hàng .
Thời đó, khoảng năm 1991, đất nước vừa mở cửa, cán bộ bắt đầu giàu, nên cũng theo đà tiến bộ, sắm xe gắn máy, tấp nập chở con đến trường, gánh hàng của chị từ 5 ký bánh ướt, 5 ký bún  riêu, cứ từ từ  tăng dần lên. Chị bán đắt hàng đến độ là mỗi tối khi chủ lò chở bánh ướt tới nhà, chị phải ngồi gỡ ra trước, để sáng hôm sau chỉ việc cắt và bỏ vào xửng hấp, vừa hấp vừa bán liền tay, đến nổi móng tay của chị không kịp ra, vì cứ bị bào mòn lúc bốc bánh trong xững, các bà cho vay bạc góp cứ lượn qua lượn lại  để nhữ cho chị mượn tiền, nhưng chị đã quá rành  mánh của các bà nầy quá rồi , chẳng bao giờ  chị  nghĩ là sẽ nhờ vã đến các bà nầy .

Mỗi ngày, sau khi chợ búa mua bán xong chị đều dư ra một số tiền lớn, chị cột thun lại bỏ trong cái tủ đựng đồ ăn, vì chị nghĩ nhà trống trước trống sau, nếu ăn trộm vào nhà, nó hay lục tủ chứ đời nào nó lục trong cái chạn đựng đồ ăn, chồng con chị lúc nầy ăn uống thoải mái. Cuối tuần chị đếm lại tiền rồi ra tiệm vàng đầu chợ mua cái khâu vàng y, 3 hoặc 5 phân, chị cứ tích lũy lên dần. Chị nhớ vàng thời đó khỏang 4 trăm ngàn một chỉ ( 1991 ) vậy mà hàng ngày chị có thể lời 5 hay 70 ngàn sau khi trừ tất cả các chi phí. Đúng là "Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai".

Chị cám ơn Trời Phật, cám ơn  bố mẹ chồng, cám ơn các người anh em bên chồng, đã cho chị một người chồng thật là tư cách, đạo đức, có những lúc gia đình chị nghèo tận bùn đen nhưng lúc nào anh cũng căn dặn chị là "giấy rách phải giữ lấy lề".

Buôn bán phát đạt, cộng với  số vàng bên chồng cho  thì  chỉ một năm sau anh chị mua được nhà, gần mặt đường, gần trường học mầm non Tân Phú nên dọn hàng cũng đở vất vả, hồi đó nhà còn rẻ lắm, chỉ 2 cây là mua được căn nhà rộng rãi, ngày dọn ra nhà mới, lối xóm xung quanh kéo lại xem, họ là những người chân lấm tay bùn, da đen thui vì dầm mưa dãi nắng tưới rau, họ xì xầm "Hai ông bà nầy giỏi quá, mướn nhà có hơn một năm mà mua được nhà". Chị nhớ lại ngày dọn đồ đạc vào ở nhà mướn, chỉ có cái tủ đứng to, gỗ gì mà đen mun bên chồng cho, cái giường mẹ chị cho lúc ra riêng, 2 chiếc xe đạp cũ, với mớ nồi niêu xong chảo linh tinh, lúc ấy hàng xóm cũng đã kéo lại xem, chị cũng đã nghe tiếng xầm xì". Đám nầy đỡ hơn đám trước", sau nầy hỏi lại " đám trước" là làm sao! thì biết là " Hai vợ chồng với đứa con còn  bé  đến thuê nhà trước kia, có ông chồng đạp xích lô, bà vợ ở nhà chỉ trông con nên nghèo quá, nửa đêm âm thầm trốn đi vì không có tiền để trả mấy tháng tiền nhà ".

Thôi đã đến lúc giã từ cái xóm ngoại ô của Tân Phú.

Giã từ cái giếng nước ở giữa các luống rau, hàng ngày anh đã đến đó để gánh nước về nhà xài, đến nỗi các bà xách nước tưới rau hỏi anh là:- Sao ông cưng vợ ông quá vậy, sao không để bả gánh. Anh đã trả lời là:- Cô ấy  làm gì cũng được chỉ không gánh nỗi đôi nước. Và các bà đã có vẻ ganh  tức với chị, vì từ khi  gia đình anh chị dọn tới đây, xóm nầy  như có  một luồng gió mới thổi vào,  các bà đã có sự so sánh giữa anh với các ông chồng, vì  anh săn sóc  2 con kỷ quá , ngoài giờ đi làm thì tha con về ( lúc chị còn ngồi bán ở trước cửa chợ), anh  tắm rửa kỳ cọ cho con  từ lóng tay, lóng chân ,  dạy con học,  rồi còn mua cả cái máy tính  nhỏ xíu  để con làm quen  với  các kỷ thuật văn minh hiện đại, anh  chẳng cờ bạc rượu  chè, từ việc lớn  đến việc nhỏ, dạy con  thật xuất sắc, trong khi  cái xóm nầy các bà hay bị chồng đánh, mỗi sáng  ngủ dậy, không bà nầy u đầu thì bà kia cũng bị bầm mặt, ngày nào mà không có bà nào bị thương tích gì thì là chuyện lạ!  Có bà còn nói  thẳng với chị : -- Sao bà  có phước quá  vậy ? Hà hà , chị cười trả lời : -- Phần ai nấy hưởng bà ơi !

Giã từ bà Tám chủ nhà tốt bụng, hôm anh bệnh 1 giờ khuya kêu cửa cho bà biết, bà đã thỉnh thoảng đội áo mưa chạy qua nhìn vào khe cửa, để yên tâm là thấy 2 đứa nhỏ đang ngủ.

Giã từ "thằng Cụi" (cháu nội của bà Tám), đêm đó nó say mèm, đang nằm hát nghêu ngao bên chòi nhà nó, vậy mà nó còn nói "Để 2 đứa nhỏ tui dòm cho đừng lo, đẩy ông đi bác sĩ đi".
     
Giã từ vợ chồng "Con Tư Hiền hàng bông",[cháu nội bà Tám] ở lại mạnh giỏi, tụi tui chỉ dọn ra gần trường thôi hà, có đồ hàng bông thỉnh thoảng ghé bán cho tui nhe! 
Thôi giã từ hết thẩy bà con cô bác, có đi chợ nhớ ghé hàng tui ăn bánh ướt nhe,  tui bán rẻ cho bà con ăn.
     
Nói xong chị quay đi chỗ khác, vì chị không cầm được nước mắt, chị khóc, chị thấy mình vẫn còn may mắn hơn mọi người, còn thấy tương lai phía trước hơn những người kia, cả đời họ bán lưng cho đất, bán mặt cho trời, và chẳng có một chút tương lai nào hết ngoài gánh hàng bông.
    
Vài tháng sau khi dọn nhà, thì anh mua được chiếc Cup, anh lấy lại phong độ, chở vợ con đi tới đi lui. Chị lúc nào cũng chỉ ở trong hậu trường lo 4 cái bao tử không để bị đói, không để lầm than khốn khổ như hồi mới lấy nhau. Anh như tàng cây che bóng mát, vợ con dựa vào, chị khỏi phải lo đối ngoại gì hết.

Thế rồi việc gì đến phải đến, đầu năm 1994 anh chị và hai con lên máy bay đi Mỹ, mỗi lần nghĩ đến những ngày khốn khổ chị thấy như mình trải qua một giấc mơ khủng khiếp.
   
Chị phải cám ơn bạn Dung, đã đem đến tin vui cho chị, để chị mạnh dạn mà làm một cuộc đổi đời, có lẽ, Phật Bà Quan Âm đã xui khiến cho Dung thăm chị, vì kể từ khi chị lập gia đình, rồi có con, rồi bương chải kiếm sống, 5 năm trôi qua đã lâu không gặp lại nhau. Lúc ấy hằng đêm, trong những ngày tận cùng của khổ đau và tuyệt vọng, chị đã tha thiết khấn cầu Phật Bà và có lẽ Bà đã thị hiện qua Dung, đến thăm chị bất ngờ  và cho chị  "một con đường để thoát khỏi cảnh bế tắc". Dung đã đi Mỹ trước chị, và từ đấy đến nay  không có cơ hội nào mà liên lạc với nhau.
   
Và phải kể đến đứa em gái của chị là vào năm 78 khi chị được đổi về quê nhà, chị đã phụ má chị mà nuôi 4 đứa em, chị thầu căn tin ở trường chị dạy, và các em đã thay nhau trực căn tin để có tiền mà nuôi nấng nhau, và Mai  (là em thứ 8) sau nầy làm y tá ở xã nhà, đã giúp chị bằng cách nhờ chị gom thuốc tây đem về để bán cho dân chúng trong xã. Tiền dành dụm, lo cho con bệnh, lo đủ thứ trong nhà là nhờ dịch vụ nầy đây. Đúng là kinh Phật dạy người về thuyết  nhân quả, gieo nhân nào  thì hưởng quả nấy, xưa  chị giúp nó thì nay  nó giúp lại  chị .

Và phải trân trọng mà dành một chỗ  trong trái tim của mỗi thành viên trong mỗi gia đình HO là niềm biết ơn  sâu sắc đến Bà Khúc Minh Thơ và các   Cựu Sĩ quan  QLVNCH , đã đến gặp Tổng Thống Regan  vào thời gian ấy, bà đã không nén được xúc động  mà khóc ròng trước mặt  vị Tổng Thống để trình bày hoàn cảnh , tù tội, bị đày ải   của các sỉ quan chế độ cũ. Bà đã đem hết nhiệt tâm  tranh đấu cho các gia đình  sỉ quan  sang Mỹ . Chị xin thay mặt  gia đình chị nói riêng và các gia đình HO khác  xin gửi đến Bà lời tri ân chân thành nhất.
    
Những gì xẩy ra trong cuộc đời của chị, làm chị ngộ ra một điều là cứ  làm ăn chăm chỉ, cần kiệm, ăn hiền, ở lành, tử tế, ngay thẳng, giúp người, thì Trời Phật sẽ cho mình tất cả.
    
Bây giờ thì quá nhiều việc phải làm , để thực hiện những ước mơ mà bao tháng năm anh chị hằng mong mõi nơi xứ sở có quá nhiều cơ hội.
Cầu xin mọi việc đều trôi chảy, ơn trên che chở cho gia đình anh chị.
             
Phan Ngọc Vinh

1 comment:

  1. Các bác cựu sĩ quan VNCH HO v.v.nên lập ngày vinh danh tưởng niệm TT Reagan, và cám ơn bà KMThơ.

    ReplyDelete