Monday, April 11, 2016

Sàigòn Tháng Tư Gạt Gẫm - Đòan Thị



Bài viêt là chuyện về Sàigòn từ tháng Tư 1975. Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, đã đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Tuy sống tại Pháp, bài viết của bà thường là những đề tài và khung cảnh đời sống Việt tại Mỹ.

* * *

Xứ Tây có ngày đầu tháng Tư “gạt gẫm”, ngày cá tháng Tư (Poisson dAvril) thiên hạ bày đủ trò phỉnh nhau cho vui, những chuyện “lừa dối” vô thưởng vô phạt với mục đích chọc cười người khác.
Sàigòn ngày cuối tháng Tư năm 75 dân Miền Nam bị gạt một cú mất mạng, 40 năm sau vẫn chưa hoàn hồn. Đó là ngày sụp đổ của VNCH tại miền Nam.

Đầu tháng Ba đài truyền hình số 9 trực tiếp phát thiên phóng sự đợt tản cư từ miền Trung về hướng Nam khiến dân chúng thấp thỏm tự hỏi, nếu Miền Nam sẽ có ngày như miền Trung, Sàigòn sẽ đi về đâu?
Quan chức Mỹ, nhân viên sở Mỹ đã rút dần, một số người đã ra đi, nhưng cả chục triệu dân Miền Nam sẽ đi đâu để lánh họa cộng sản, mà đi bằng cách nào, câu hỏi lớn khiến Sàigòn thất thần như người mất hồn.
Sáng ngày 08 tháng 4, Dinh Độc Lập bị đánh bom, trên lầu hai ĐH Văn Khoa náo loạn, sinh viên đổ xuống sân trường, cột khói trắng bốc lên màu tang tóc, tôi nắm tay cô bạn thân, hai đứa nhìn nhau chết lặng.

Rồi ngày định mệnh gõ cửa, Sàigòn thật sự bị bỏ ngõ, người ta thập thò trước nhà, nửa muốn ra đường xem mặt việt cộng, nửa ngại bị “họ xơi tái”, chị em tôi bị bố mẹ cấm cửa, đứng trong sân nhìn thiên hạ tụm năm tụm ba đưa tin vịt cồ.

Ông Soạn thất chí khi quân đội thoái lui từ tháng ba, ông cùng đồng đội và đồng bào miền Trung chạy giặc với đủ loại phương tiện, xe GMC, xe đò, xe Honda, xe đạp, xe ngựa, đi bộ…trực chỉ Sàigòn.
Hôm nay ngày cuối cùng ông khoác bộ chiến y cầm loa phóng thanh đếm, một hai ba, mọi người theo dõi nhân vật trong bộ quân phục VNCH đang tiến vào xóm, nín thở đợi chờ.
Ông tiến bước và lên tiếng,
- Nhà tôi hôm qua bị mất trộm một đàn gà gần chục con, tôi thông báo để bà con nếu ai thấy đàn gà của tôi xin mách giúp.
Bà Tư bực tức lớn tiếng,
- Việt cộng ở ngay đầu ngõ, ông không lo sao mà còn mặc đồ lính đi tìm gà.
Ông gìa lì lợm,
- Ai chả biết chúng nó đang vào đây, nhưng chúng nó làm gì được tôi nào.

Tôi không giận như bà Tư mà thấy nghèn nghẹn, người lính khi bắt buộc phải buông súng tháo chạy đau lòng đến thế đấy, Miền Nam đang hấp hối sắp rơi vào địa ngục CS, tôi không hình dung nổi ngày mai sẽ ra sao.
VNCH buông súng, việt cộng bồng súng độc quyền đổi đời dân Miền Nam, sĩ quan, quan chức chính quyền, văn nhân nghệ sĩ VNCH bị kết án có “nợ máu với nhân dân”.
Chả cần quan tòa xét xử, ngụy quân, ngụy quyền tự động trở thành tù nhân bị lùa vào trại cải tạo, địa ngục trần gian vừa mở cửa đón dân Miền Nam bị cưỡng bức chung sống với cộng sản.

Tất cả sinh viên nhập học trước năm 75 được gọi đến trường học tập chủ nghĩa CS, chúng tôi, “tàn dư Mỹ Ngụy” bị nhồi nhét nọc độc Mác Lê, xen kẽ những chuyến lao động cộng sản, ra ruộng đắp đê, đào kinh, trồng khoai... y chang gu lắc Xibêri.
Trong đợt lao động có bạn nổi hứng làm mấy câu đối mà chưa có câu đáp,
Ra kinh - Thấy Kinh - Thất Kinh

Riêng tôi khi thấy con kinh là thất kinh hồn vía, vì đứa đứng dưới ruộng bị đỉa đeo bám hút máu, con gái trên đê tải đất run bắn người vẫn phải ôm nắm bùn khi vài con đỉa ngo nghoe hù dọa.
Chuyện hành xác tuy khổ nhọc, lao động đến đuối sức với khẩu phần một trứng vịt cho bốn người ăn với rau, hôm sau ra kinh đúng là thất kinh, nhưng một năm chỉ có vài lần.
Đáng sợ hơn là chuyện tẩy não, nhồi sọ, xảy ra hàng ngày, ngoài mục điểm báo giữa giờ học, những buổi họp tổ thảo luận thật khiếp đảm, đoàn viên đảng viên nhai đi nhai lại, nhờ ơn bác đảng, gia cấp vô sản …

Đám Mỹ ngụy tàn dư chúng tôi bị tra tấn liên tục, may mà chưa có ai hóa rồ, đôi lúc tôi như bị mộng du giữa ban ngày, sân trường nhìn đâu cũng nón lá, nón tai bèo chen vai nhau như trong rừng Trường Sơn.
Văn Khoa bây giờ xa lạ đến thế, con gái quần đen áo bà ba, con trai dép râu, các bạn giờ đâu còn là bạn ta ngày xưa thân ái, họ đang mê sảng kinh tế chính trị Mác miết, ca ngợi thiên đàng CS trên đầu môi chót lưỡi.
Buồn thay ngày trước, bạn áo quần bảnh bao, nhảy nhót ăn chơi đúng điệu, bi chừ bỗng hóa thân như bộ đội ở rừng, hút thuốc rê tự vấn, tố cáo bằng hữu, sao bạn có thể lột xác như bướm đêm thế này.

Nghe bạn “thuyết pháp” tôi đâm lú lẫn, ô hay bạn nói tiếng việt cớ sao tôi chẳng hiểu mô tê chi cả, đến phiên tôi phát biểu, tôi ú ớ như đứa mù chữ, rặn mãi chả ra một câu ca ngợi đúng điệu “thờ ma cộng sản”.
Nói theo kiểu “dép râu”, tôi mất tập trung, giời ạ, hiểu sao nổi thiên đàng CS trong khi cả nước đang đói meo râu chỉ có bobo với ngô khoai, thức ăn của gia súc ngày xưa, bây giờ được bán theo nhân khẩu mới đểu.
Nhờ ơn bác đảng, cả nước lui về thời than củi, cúp điện, cúp nước, cúp thực phẩm, cúp tự do…, CSVN đoạt mấy loại cúp độc nhất vô nhị mà chưa có quốc gia nào trên thế giới dám “đăng cai” phát giải.
Tôi chỉ bị mất tập trung thôi, tôi mà phát điên lên lại khổ cho bố mẹ, và tôi tiếp tục mất tập trung đến lúc ra truờng, bài thi “chính chị chính em” của tôi đạt điểm khá, nhờ nhóm Mỹ Ngụy chúng tôi chia nhau làm bài.
Trả nợ quỷ thần cho cán cộng xong, tới lúc đi làm mới chua. Được đào tạo dưới “chế độ ngu dân” nên đầu óc tôi rỗng tuếch không nhớ nổi đường lối bác đảng ra răng.
Được bổ nhiệm làm cô giáo vùng kinh tế mới, cầm tờ quyết định của phòng tổ chức, tôi đi giữa sân trường thẫn thờ, bước chân vô định như tương lai của mình, chưa biết nói làm sao để bố mẹ yên lòng.

Trên đường về nhà tôi gặp cô bạn cùng khóa đang làm việc trong một “công trình” do Pháp viện trợ ở ngoại ô Sàigòn, nó rủ tôi đâm đơn xin việc vì ở đó thiếu người, tôi mừng như bắt được vàng.
Trước ngày “ứng thí”, tôi mua báo “Nhân Dân” để cập nhật chủ thuyết mác lê lết mà tôi đã bỏ lại ở sân trường, đọc hết tờ báo, đọc mờ cả mắt, càng đọc càng thấy mù mờ hơn.
Hôm sau trình diện phòng Tổ Chức (phòng Nhân Sự) để cán bộ sát hạch trước khi nhận việc, bước vào phòng Tổ Chức tôi rùng mình, cố nhớ chủ thuyết “ma quỷ” tôi vừa tụng hôm qua, mà sao trí nhớ cứ chơi khăm, càng căng thẳng đầu óc càng lú lẫn không nhớ ông Mác là người Đức hay Liên Xô.

Một lần nữa tôi lại mất tập trung, đành chịu vì tôi không thích giao du với cán cộng nên những gì họ dạy bảo tôi quên biến rồi, tôi thầm mong người phỏng vấn chỉ hỏi về trình độ chuyên môn cho tôi nhờ.
Quan cán tiếp tôi ngồi rút chân lên ghế kiểu nước lụt, gương mặt khắc khổ, đôi môi thâm xì, chắc là di chứng sốt rét những ngày ở rừng.
Ông châm điếu thuốc lào, lật tới lật lui hồ sơ của tôi rồi nghiêm giọng thách đố,
- Cháu dịch câu này ra tiếng việt, nếu dịch thông suốt cháu sẽ được nhận việc.
Vậy là thoát ba cái mớ rác rưởi chính trị dối trá, tôi mừng húm nhỏ nhẹ,
- Vâng, xin chú cứ hỏi.
Quan cộng tằng hắng ra vẻ nghiêm trọng, nghe này,
- “Quích sơ măn bông xên” là cái gì, cháu dịch đi.
Tuy quan cán trước mặt tôi gìa ngắc, nhìn chán lắm, nhưng tôi lại thấy tinh tú quay cuồng mới đáng sợ.
Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tôi chưa bao giờ nghe một câu tiếng tây như rứa, mà giọng quan lên xuống như tây thứ thiệt khiến tai tôi lùng bùng, đầu óc hoảng loạn mụ mẫm.

Tôi nhớ ông tây bà đầm đứng lớp ở Văn Khoa Sàigòn chưa hề đụng đến mấy chữ này, mấy niên học có bao giờ nghe thầy nói “sơ măn sơ miết” gì đâu, giờ bỗng quan phán một câu làm tôi phát sốt.
Đúng là quan bắt bí tôi, kiểu này là “mơ không thấy nổi” việc làm gần Sàigòn, giờ thì số phận của tôi như chuông treo tóc tơ, tương lai trực chỉ vùng kinh tế xa xôi diệu vợi.
Nghĩ đến viễn cảnh u tối sắp tới, tôi bèn lấy hết can đảm mà sao tôi cứ lắp bắp,
- Thưa chú, chú có thể đọc lại câu đó một lần nữa được không?
Thấy tôi quýnh quáng ngớ người, quan cán cười ngất, dịu giọng,
- Chú đùa, đấy là cách nói lái “quăng sơ mít bên sông” đó mà, ngày mai cháu vào đây nhận việc, công trường đang cần người khẩn cấp.
Cú gạt gẫm lần đó làm tôi suýt đứng tim, trên đường về nhà tôi đạp xe và cười tủm tỉm một mình, chắc thiên hạ tưởng tôi điên, ai từng sống với chế độ CS mà không có lúc lên cơn hoảng loạn như tôi ngày hôm đó.

Năm đầu tiên làm việc ở đây, ngày 14 tháng 7 chúng tôi được mời đến Lãnh Sự Quán Pháp dự lễ quốc khánh, tôi có nhiệm vụ cầm chuyện với nhóm Tây đang làm việc ở nhà máy, cứ tưởng đơn giản như đang giỡn, nhưng hôm đó tôi suýt bị chữ nghĩa chơi khăm.
Nói chuyện với Tây không khó, cái khó là xếp của tôi cứ đứng ỳ trước quầy thức ăn khai vị “tranh thủ” uống rượu đến “phút thứ chín mươi” vì “sâm banh” chưa lọt lưới, khiến tôi siểng niểng như kẻ sắp bại trận.
Nhân viên phục vụ tiệc Buffet khui Champagne cầm chừng, khui chai nào là hết ngay, xếp cán của tôi chậm chân mới uống có một ly, chưa đủ cơn thèm.
Xếp thiếu rượu, tôi bị vạ lây, mặc cho thiên hạ đưa đẩy chuyện vãn, xếp bảo tôi,
- Mình phải kiên trì bảo anh phục vụ khui Champagne, cháu yêu cầu anh ta đi.
Giời ạ, anh phục vụ người VN mà sao tôi nói không nên lời, uống rượu tôi rất thích, uống kiểu đòi nợ như vậy uống sao nổi, mà tôi làm gì có tính “kiên trì” như xếp, kiên nhẫn làm việc tôi không ngại, kiên trì làm lỳ thì tôi chịu thua.
May cho tôi, đang bối rối chưa dám lên tiếng mè nheo đòi rượu, gã tây trong đoàn dẫn xác đến hỏi xã giao,
- Quý vị thấy tiệc vừa khẩu vị chứ?
Như bắt được vàng, tôi dẻo mồm,
- Rượu tây không chê vào đâu được, nhưng tôi chưa thử Champagne.
Thế là ông tây ra tay “cứu bồ”, gã bảo anh kia khui Champagne, xếp tôi hả hê nốc vài ly, tôi chứng kiến màn ăn vạ, ăn xin, ăn hôi tệ nhất trong đời.

Gía tôi say được lúc này chắc đỡ nhục, dù sao xếp cũng là người VN, làm sao Tây hiểu được việt cộng với VNCH khác nhau cả một “chiến tuyến”, từ rừng ra phố họ không thể tỉnh táo trước cơm ngon rượu ngọt.
Tửu lượng của tôi không tệ nên đầu óc vẫn còn minh mẫn, xếp hớn hở uống từ rượu khai vị (ngọt) cho đến rượu trắng, đỏ, Champagne… làm mấy con ma men choảng nhau tưng bừng, nhìn xếp xiêu vẹo tôi đâm lo.
Hình như lần đầu trong đời được uống rượu Tây thỏa thích nên xếp bốc lửa nổi hứng phán một câu xanh rờn.
Trước khi lên tiếng, xếp dặn tôi, cháu cứ dịch thẳng thắn, bữa này là lễ mà, xếp lim dim cười mỉm,
- Quý vị còn nhớ chiến trận lòng chảo Điện Biên Phủ chứ, bao nhiêu vũ khí tối tân của Tây cũng không thắng nổi chúng tôi, vì chúng tôi “kiên cường, dũng cảm”.
Cái lo của tôi đã tới, chết cha mi chưa, xếp cán cộng lên men nã một tràng đại liên, tôi lãnh trọn băng đạn, lúc này mà dịch đúng ý xếp không biết chuyện gì sẽ xảy ra, bỗng tôi thấy rượu Tây có vị chát ngang xương.

Trong lúc cán bộ ngả nghiêng theo hơi men, tôi dịch một cách méo mó để tránh xảy ra một “Điện Biên” bên hông lễ Quốc Khánh của Tây, tôi cười như mếu, lên tiếng,
- Trong trận Điện Biên chúng ta là đối thủ, chuyện thắng thua chỉ là dĩ vãng, bi chừ chúng ta là bằng hữu.
Hú hồn, xếp cán không hiểu tiếng Tây lại đang nhảy đầm với con ma men, xếp Tây hài lòng nghĩ bạn ta biết dĩ hòa vi quý, thế là hai xếp vui vẻ cụng ly mặc cho “Đông Tây không thể gặp nhau”.
Tôi thoáng hoang mang tự hỏi, mình đã nhiễm cái thói gạt gẫm của cán cộng rồi sao, có thật là tôi đang thay đổi hay tôi cũng chỉ là nạn nhân của tình huống cười ra nước mắt như ri.
Trăm lần không, làm sao tôi có thể bị nhiễm trò lường gạt của họ, chẳng qua là trong lúc bom rơi đạn nổ tôi phải tránh đạn, chứ thường ngày tôi dịch kiểu này chắc nhà máy đang xây sẽ sập mất.
Tàn tiệc xếp cao hứng nắm tay ông Tây phát ngôn bừa bãi, tôi “miễn dịch” cứ để xếp thao thao “gửi gió cho mây ngàn bay”, ông Tây nhìn tôi cười thông cảm vì biết lúc này rượu nói chứ không phải xếp nói.

Hôm sau vào sở, rượu đã bốc hơi, xếp hỏi tôi,
- Hôm qua rượu ngon thật, chú có quá chén nhưng có quá lời không nhỉ
Tôi ỡm ờ,
- Chú có nhắc đến chiến trận Điện Biên.
Xếp chồm tới,
- Chú phát biểu làm sao?
Đến phiên tôi chơi khăm xếp đây, tôi từ tốn,
- Chú nói phe ta toàn thắng đuổi Tây chạy thí mạng.
Xếp nhăn nhó,
- Chết chửa, thế cháu dịch y chang lời chú.

Tôi im lặng một chút cho xếp phát rét, rồi câu rê,
- Lúc đó cháu chưa say nên nói năng cẩn thận.
Xếp quýnh quáng,
- Cụ thể cháu dịch làm sao?

Tôi khoái trí vừa cho xếp lên ruột để xếp hiểu hôm qua xếp làm tôi xoắn ruột như thế nào, tôi chậm rãi,
- Dạ cháu cố ý dịch sai lời chú, cháu nói, chuyện thắng thua chỉ là dĩ vãng, bây giờ Ta với Tây là bạn.

Xếp đập tay xuống bàn làm tôi hết hồn,
- Hay lắm, cháu nhanh trí đấy, được đào tạo dưới chế độ XHCN nên có khác.

Tôi không trả lời, chỉ muốn kêu trời cho hả giận, giận phận mình phải sống với họ, giận xếp ham uống đến mất khôn phát ngôn bừa bãi, làm tôi phải sử dụng đến chiêu trò lếu láo của họ.

Bốn năm sau, công trình ở ngoại ô Sàigòn hoàn tất, tôi ra tỉnh giáp ranh giới Sàigòn làm việc trong phòng kỹ thuật của một công trình khác, cũng do Pháp viện trợ.

Tại đây tôi có một đồng minh “tàn dư Mỹ Ngụy”, Thành, kỹ sư trẻ tốt nghiệp Phú Thọ, nhân sự còn lại toàn kỹ sư kỹ sải có bằng của Liên Xô, Đông Đức, chuyên ngành Xây Dựng (Công chánh) Cơ Khí, Điện…
Phòng có cô cán cộng và tôi là nữ giới, cô tốt nghiệp ĐH Kiến Trúc ngoài Bắc, ngành cấp thoát nước, chưa thấy ĐH Kiến Trúc nào trên thế giới có ngành nghề lạ như rứa, ĐHCS chắc chắn phải khác người.

Sàigòn bị đổi tên đã mười năm, cán cộng ngoài Bắc tìm mọi cách để được chuyển công tác vào Nam, có người thầm mơ, giá Miền Nam giải phóng Miền Bắc, vì thế cảnh vợ chồng làm cùng “cơ quan” là chuyện thường.

Phòng kỹ thuật chỗ tôi cũng không ngoại lệ, chồng KS, vợ làm căn tin, hành chánh, tài vụ (tài chính), thủ kho, cư xá của nhân viên nhà máy hồi xưa, nay được chia cho gia đình cán bộ ngoài kia nhập cư vào đây ở.

Họ trồng rau trên bãi đất rộng sau nhà, dùng điện, nước công cộng làm đá (nước đá), kem bán cho công nhân nhà máy, nấu cám lợn, “tranh thủ tất tần tật” của công để cải thiện kinh tế gia đình.
Trong đám cán cộng có anh Phú kỹ sư già, gần năm mươi vẫn “chửa vợ”, kỹ sư bậc 4, tột đỉnh kỹ sư, thanh liêm, “dị ứng” đoàn đảng, có biệt danh “kỹ sư chữa” hết bậc, dù là chửa vợ hay chữa máy.

Tủ lạnh, máy may, quạt máy, bếp điện, xe Honda… vào tay anh là “dứt bệnh”, anh chữa không lấy tiền, chữa vì mê chữa máy, chỉ thế thôi.

Tủ lạnh nhà anh công suất “siêu sao”, đá cục, đá tảng anh không bán, anh lấy nước đá làm nước chanh đường cho anh em đi công trường về uống, hoặc biếu hàng xóm có tiệc, hay giỗ chạp.

Chữa máy ngon lành, chửa vợ anh cũng được tiếng “lì lợm”, thiên hạ gả bán mỏi miệng anh vẫn làm lơ, chị cán bên tài vụ dúi cô em văn công ngoài Bắc vào tay anh để cô nhập hộ khẩu vào Miền Nam.

Cô xinh gái, tuổi đôi mươi, thế mà anh theo đúng chính sách “ba khoan” thời chiến, khoan yêu, khoan cưới, khoan đẻ, dù chiến tranh đã chấm dứt mười năm rồi.
Anh bảo, nhất gái văn công “giao lưu thoải mái”, rày đây mai đó, biết đâu là nhà, bạ vào chỉ khổ tấm thân già phải hốt ổ của người khác, có cho không anh cũng không nhận.

Anh là dân Hà Nội chính tông, có anh Khoa đồng hương, kỹ sư điện tốt nghiệp Liên Xô, anh Khoa cao to điển trai, nói năng nhỏ nhẹ, vợ anh Khoa, chị Thắm cao chưa tới một mét tư, già nhăn nhúm, tối mặt với chức thủ kho và đám lợn phải vỗ béo.

Vụ anh Phú từ chối cô Nụ văn công bắt mồi để anh Khoa than thở, hớp ngụm trà lấy trớn anh cười cười,
- Số bác đỏ như thế mà chê, chả bù tôi ngày trước ngu ngơ vâng lời tuyệt đối Đảng, bị đồng chí bí thư cưới cho cô bộ đội đảng viên xuất sắc, bây giờ hối tiếc cũng muộn mất rồi.

Tôi trêu anh Khoa,
- Vợ anh đảm đang chu đáo, “cơm, cám, đá…” thứ nào cũng xuát sắc, “mơ không thấy nổi” đấy.

Anh lắc đầu ngao ngán, anh Phú khoái trí pha trò,
- Nói thật với các vị, con gái rắc rối bỏ xừ, ở vậy cho yên thân.

Anh Phú từng tâm sự với tôi, ông cụ của anh làm việc với Tây, bị kẹt lại năm 54, cộng sản đã tru di gia đình anh, anh em nhà anh thề “không chơi” với đoàn, đảng, họ vùi đầu học và sống với nghề mà họ yêu thích, em gái của anh là bác sĩ.

Vì chưa biết Hà Nội nên có lần tôi hỏi anh về ba mươi sáu phố phường ngoài ấy, anh chua chát nói,
- Hà Nội của đảng chỉ độc nhất một “phường gạt gẫm”, mấy phường còn lại chỉ toàn “phường ăn hại”.

Tôi mến anh Phú, anh là người tự trọng, đàng hoàng, khác hẳn với đám cán cộng làm gì cũng “tranh thủ, có ý đồ”, bất chấp đạo đức.
Ông xếp công trình ở đây có bằng Đảng Viên tu nghiệp bên Đức đương nhiên phải nắm chức bí thư, quyền hành nằm trong tay quan, ít ngờ nghệch hơn quan cán cũ gốc bộ đội ở rừng.
Nhờ cái bằng “lừa dối” nặng ký bên Đức, nên quan tung chiêu khá lịch lãm, cũng đói ăn nhưng xếp chả thèm ăn hôi mà “chủ động” mời tây đi ăn nhà hàng mới bảnh.

Cứ khách Hữu Nghị (Palace thời VNCH) hoặc Caravelle ở sàigòn trên tầng thượng xếp mời Tây dùng bữa, rượu bia, bơ, phó mác, thịt nguội, thịt bò, thịt cừu… theo sát thực đơn “bơ sữa Tây” mà gọi.

Trong đám cán cộng có gã KS tốt nghiệp bên Liên Xô ngoài ba mươi, từng tu nghiệp bên Tây vài tháng, tiếng Pháp vừa đầy cái lá mít, đầy tham vọng, mỗi lần đi tiệc hắn “tranh thủ” kéo ghế ngồi cạnh Tây bốc phét.
Tôi chả phiền, nhắm rượu nghe hắn líu lo với Tây, lấy le với đồng chí đồng rận, ra điều ta nói tiếng tây như gío, may mà gió thổi bay mất lời hắn nói, chứ chữ nghĩa của hắn động lại chắc Tây dựng tóc gáy.
Hám Tây thì cứ hám, nhưng khi Tây bàn về công việc, nói về điều khoản trong hợp đồng, kỹ thuật…, hắn khều tôi và rút êm.

Xếp cán của công trình này khoái Cognac, chỉ uống loại này, tửu lượng cao, đầu óc minh mẫn nói đâu ra đó, nên lúc làm việc tôi không vất vả đảo chữ, đổi nghĩa, líu lưỡi như trong tiệc quốc khánh Tây năm nào.

Có lần quan tổng ngoài Hà Nội vào dự tiệc, thấy KS Liên Xô kè kè Tây, tưởng hắn là thông dịch viên, quan trịnh trọng mở lời bằng một “đích cua” sáo rỗng nặc mùi khẩu hiệu làm hắn điêu đứng.
Quan dứt lời, hắn đỏ mặt tía tai nhìn tôi trân trân, tôi phớt lờ đứng lên qua bàn bên cạnh lấy xô nước đá, giọng hắn ngắt quảng, do dự.

Tôi không nhịn được cười, mặc cho hắn làm bừa, ông Tây nóng ran lỗ tai, sợ để hắn líu lo sẽ sinh chuyện nên ông kéo tôi về chỗ ngồi cạnh ông, lúc này quan Hà Nội bật ngửa, nhìn tôi trân trân,
- Thế “đồng chí” mới là “phiên dịch” chính thức à?

Tôi gật đầu thay cho tiếng cười sắp bật ra khỏi miệng, nhưng bỗng giật mình, chết chửa mình có thề thốt vào đảng hồi nào mà quan gọi mình là “đồng rận”, đoàn viên TNCS mình còn sợ xanh mặt nói gì tới đảng.

Quan cộng làm tôi nhớ đến anh Phú, anh chả gọi ai là đồng chí, cũng không xưng “cậu, tớ”, cứ tôi với anh hoặc em mà nói chuyện, dân Hà thành thứ thiệt có khác.

Từ ngày Sàigòn bị đổi tên, cứ tưởng không thể đội trời chung với họ, thế mà tôi đã cảm mến những người bên kia chiến tuyến, tuy sống với CS chừng đó năm tháng họ vẫn giữ được nhân cách của một người tử tế.

Bỗng tôi hết giận xếp cán cũ nói năng xiêu vẹo trong tiệc quốc khánh Tây ngày trước, mà thương hại con người chất phác bị đảng gạt gẫm đưa ra chiến trường nướng tuổi thanh xuân, để ngày trở về mang bệnh sốt rét rừng, cuối đời vớt vát vài ly bia rượu.
Sau này tôi được tin xếp cũ bị đá về vườn, nhường chiếc ghế trưởng ban cho con ông cháu cha ngoài Bắc vào Nam vơ vét của cải của dân Mỹ Ngụy.

Cuối thập niên tám mươi tôi dứt áo ra đi, dừng chân ở Pháp, lễ Quốc Khánh hàng năm, nhớ đến ly Champagne ngày xưa cười ra nước mắt, Champagne bây giờ mình tự khui, tự rót chứ chả phải nài nỉ xin xỏ ai.
Mười bốn năm sống với CS buồn nhiều hơn vui, vì chuyện vui của tôi đôi khi đọng lại ít nhiều xót xa cho những người không chọn chế độ CS, họ sinh lầm địa phương, mang danh CS mà lòng không cam.
Bốn mươi năm sau ngày tận cùng của nước VNCH, những trò gạt gẫm vẫn còn tiếp diễn, ngoạn mục, trơ tráo bẩn thỉu hơn gấp trăm ngàn lần những ngày đầu cán cộng ở rừng tràn vào Sàigòn.
Dạo đó cán ngố còn trá hình “làm đầy tớ nhân dân”, vợ cán đi chợ giấu con gà dưới bó rau muống, một chiếc Honda đèo cả gia đình, vàng cây chôn dưới gốc cây.
Việt cộng thời nay ghê gớm hơn, đảng viên cao cấp hành xử như du đảng, họ thanh toán nhau bằng trò ngụy tranh tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, nhiễm độc phóng xạ…, đối thủ chắc chắn sẽ im lặng ngàn thu.
Như trong một bài viết gần đây của một tác giả, đảng viên phải “sống điêu, sống gian, sống vờ, sống giả”, những kẻ bị “chết lòng tử tế”.

Đáng buồn hơn trò gạt gẫm của việt cộng đã lây nhiễm không ít dân Sàigòn cũ, tàn dư Mỹ ngụy ngày nào giờ cũng thay lòng đổi dạ, thích ứng tối đa, hội nhập hết mình XHCN nên “lòng tử tế” bị bào mòn gần hết.
Họ học thói lừa đảo trấn lột người nhà sống ở ngoại quốc bằng những chiêu trò tệ chưa từng thấy, huynh đệ một lần nữa tương tàn không vì tiền đồ tổ quốc mà vì “tiền đô”.
Nếu bốn mươi năm về trước Sàigòn bị gạt một cú mất mạng, mất tên, thì bây giờ cái thành phố mang tên “Bác” của Việt Cộng lại đang gạt gẫm đồng bào Sài gòn cũ. Phi trường Tân Sơn Nhất có quan thuế (hải quan) trấn tiền “hồi hương”, về đến nhà anh em trấn tiền “huynh đệ”, gặp bằng hữu bị trấn tiệc “hội ngộ”.

Dân tị nạn biến thành “con bò Hòa Lan” dù mình không ở xứ hoa Tulipe, chỉ là con bò béo ngậy để họ vắt sữa, đã là việt kiều thì phải “chi”, mặc cho việt kiều bên trời Tây góp nhặt từng xu, làm cùng lúc hai ba việc.
Đau hơn là vài bác tỵ nạn “ăn cơm Úc, Mỹ, Châu Âu” lại hăm hở “hạ quyết tâm” hành hương về phố xưa cúc cung vái lạy cộng sản để mưu cầu gì đó.

Họ quên mất thuở ngồi tù cải tạo, lúc xuống tàu đi tìm Tự Do suýt mất mạng, thề không chung sống với cộng sản, xin nhập tịch nước tạm dung từ bỏ cộng sản, vậy mà ngày nay “Sàigòn gạt gẫm” lại là bến mơ.

Bài “Vĩnh biệt Sàigòn” của bác Nam Lộc làm tôi thổn thức,
“Sàigòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời,
Sàigòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời”

Cô gái Sàigòn trinh trắng ngày trước giờ còn đâu, Sàigòn sau 40 năm bị ma761t tên, nay chỉ còn là cái bóng của hồn Việt năm xưa, những ngày Sàigòn chưa bị đổi tên, chưa biến thành đứa gạt gẫm kẻ tha hương.

Đòan Thị
Avril 15

No comments:

Post a Comment