Monday, March 28, 2016

Món Ngon Ở Việt Nam (Phần 2)

Hành trình thú vị của một phiên bản hủ tiếu Nam Vang

Phiên bản hủ tiếu khô óng ánh màu nước chan

Tự nhận món ăn mình phục vụ là "nguyên bản" luôn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là với dòng hủ tiếu tương đối phổ biến trong đời sống ẩm thực Sài Gòn như hủ tiếu Nam Vang. Tuy nhiên những dữ kiện của phiên bản hủ tiếu Nam Vang - Ty Lum đã gợi mở rất nhiều điều lý thú về món ngon này.
Hủ tiếu Nam Vang khi du nhập vào Việt Nam đã bị lai tạp ít nhiều. Nếu như tô hủ tiếu nguyên bản chỉ có thịt heo bằm và xắt miếng, ăn kèm với xà lách và giá sống (cùng một chút đường) thì khi phiêu bạt theo làn sóng người Tiều gốc Việt về Sài Gòn, hủ tiếu Nam Vang đã thay đổi khá nhiều về hình thức. Nếu như phần nhân bổ sung thêm gan, tim, tôm, trứng cút... thì phần rau ăn kèm cũng phong phú hơn với rau cần, tần ô và hẹ. Tuy khác biệt là vậy nhưng chung quy hủ tiếu Nam Vang khi du nhập vào Sài Gòn có phần ngon hơn cũng như phù hợp với khẩu vị địa phương, nên có lẽ cũng không ai thắc mắc về những thay đổi này.

Theo như đầu bếp Ty Lum thì món hủ tiếu đầu tiên ra đời vào khoảng năm 1920 tại Bết-Chan, một thị trấn nhỏ cách thủ đô Nam Vang 19km do một gia đình người Tiều từ Trung Hoa sang lập nghiệp sáng chế ra. Rồi s a u đ ó chuyển về W E N - Thành vua (một liên doanh Pháp - Hoa) và mở t h ê m một quán mới đặt tên là La Pagode tại thủ đô Phnompenh.

Ty Lum vốn là con của một gia đình Việt kiều ở Nam Vang (cách gọi khác của thủ đô Phnompenh). Sau khi học hết trung học, ông theo học nấu ăn tại một trường lớn chuyên về ngành này và may mắn gặp được một ông thầy người Hoa chỉ cho bài "hủ tiếu". Khi ra trường Ty Lum đứng bếp cho nhà hàng La Pagode trứ danh được 2 năm thì được thu dụng vào Hoàng cung, và trong đó món điểm tâm hủ tiếu Nam Vang được chính Ty Lum phục vụ.

Tô hủ tiếu Ty Lum có thêm chả cá, tôm, tim, gan và trứng cút

Khi hồi hương, Ty Lum sinh sống bằng nghề buôn quạt máy, rồi sau đó ra Nha Trang mở lò sấy mực khô cung cấp cho các nhà hàng. Cũng nhờ đi khắp nơi nên ông phát hiện Sài Gòn còn thiếu một quán hủ tiếu Nam Vang "đạt chuẩn", tức là tuy có thay đổi cho phù hợp với khẩu vị địa phương nhưng vẫn phải giữ được chất lượng nguyên thủy của món hủ tiếu này. Nước súp phải rất trong, ngọt nhờ vào xương hầm chứ không phải bột ngọt.
Khi mở tiệm hủ tiếu đầu tiên tại ngã tư Nguyễn Trãi - Huỳnh Mẫn Đạt (quận 05), Ty Lum đã cải tiến thêm phần nhân với miếng chả cá, tim, gan cũng như trứng cút. Thú vị nhất là cọng hủ tiếu được đặt riêng của quán, ăn dai, mịn mà không bị chua. Rồi đến phần tỏi phi thơm lừng chan trên bề mặt tô hủ tiếu, nhất là ở phiên bản khô. Khi trộn đều tất cả lên rồi nêm nếm với chanh, ớt và tỏi chua mới thấy hết vị ngon của món ăn này. Đặc biệt phần nước súp được giữ lại như nguyên bản với vị ngọt đậm mà thanh.

Đã đến Phnompenh và thử qua món hủ tiếu nơi đây, tôi vẫn thấy không đâu ăn hủ tiếu Nam Vang ngon như... Sài Gòn. Có lẽ từ những "can thiệp" thú vị của các đầu bếp tài hoa tụ hội từ tứ phương đã mang lại nét độc đáo cho món hủ tiếu Nam Vang ngay tại Sài Gòn, hình thành nên một xu hướng thưởng thức hết sức đặc biệt của món ngon này.

Hủ tiếu Cả Cần: Một phần di sản Sài Gòn 

Tô hủ tiếu có tuổi đời hơn 40 năm

Người Sài Gòn hầu như ai cũng biết đến thương hiệu hủ tiếu và bánh bao “Cả Cần” nằm ở góc tiểu đảo ngay ngã tư Nguyễn Tri Phương – Hùng Vương này (phía trước công viên Văn Lang và khá gần với bùng binh Ngã Sáu). Cũng có nhiều người thắc mắc sao cái quán đề bảng “hủ tiếu Cả Cần” có phần cũ kỹ, xập xệ đó lúc nào cũng đông khách, nhất là từ giấc trưa đến tối khuya. Nhưng nếu biết được lịch sử thú vị cũng như những câu chuyện xung quanh nó, có thể bạn cũng sẽ rất ngạc nhiên.

Đầu tiên là cái tên trứ danh “Cả Cần”. Chủ của thương hiệu hủ tiếu này là ông Trần Phấn Thắng (nay đã mất). Theo lời tâm sự của ông khi còn sống, thì “Cần” là tên của một người bạn thân chẳng may mất sớm. Chữ “Cả” được ghép thêm vào vì ông thích những chữ có cùng phụ âm theo kiểu “Tin-Tình-Tiền-Tù-Tội”. Và cũng từ cái tên “Cả Cần” đó mà ông rất tâm đắc với câu quảng cáo toàn chữ “c” của quán: ”Có Cả Cần Cần Chi Có Cả”.

Vợ chồng ông Cả Cần xuất thân từ công chức chế độ cũ. Bà là người gốc Bến Tre và nấu ăn rất ngon, còn ông thì khiếu ăn nói khéo léo và tài giao thiệp rộng rãi. Từ sự kết hợp trên họ đã quyết định từ bỏ công việc hiện tại và mở quán hủ tiếu và bánh bao Mỹ Tho. Cái tên “Cả Cần” được ông chọn cho quán đầu tiên nằm ở ngã tư Công Lý (Nguyễn Văn Trổi bây giờ) – Trương Quốc Dung. Năm 1969, khi mở quán thứ hai thì ông Thắng mời bà Năm Sa Đéc (nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời, vợ của học giả Vương Hồng Sển) đứng tên hộ như như một cách mượn danh người nổi tiếng để quảng cáo. Cách làm này rất hiệu quả khi những người hâm mộ cả lương và bà Năm Sa Đéc kéo đến nườm nượp để vừa thưởng thức món ăn ngon cũng như chiêm ngưỡng thần tượng của mình bằng xương bằng thịt.

Sự kết hợp này cũng làm nảy sinh nhiều đồn đoán: ông Cả Cần gốc Sa Đéc chư không phải Mỹ Tho, hoặc bà Năm Sa Đéc có quan hệ với ông Cả Cần, hoặc bà Năm có phần hùn trong quán… Thậm chí còn có nguồn thông tin cho rằng thương hiệu “Cả Cần” do bà Năm tạo dựng ra, và ông Thắng đã hợp thức hóa thương hiệu này trước qua các văn bản pháp luật để chính thức sở hữu nó. Tuy nhiên, thông tin chính xác nhất vẫn là bà Năm chỉ là người đứng tên như một hình thức khuyếch trương thương hiệu. Tiếp theo đó có một vụ thưa kiện giữa quán và chính quyền về việc giải tỏa mặt bằng mà cuối cùng là ông Thắng đã thắng kiện. Bà Năm Sa Đéc sau đó đã rút tên ra. Quán được đổi tên thành”Mỹ Tiên”, là tên cô con gái lớn của ông Thắng.

Sau năm 1975 gia đình ông Thắng định cư ở Montreal, Canada và mở một số nhà hàng mang thương hiệu “ONG CA CAN” khá thành công. Rồi những năm 90 mở cửa, ông cùng gia đình về lại Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn. Quán hủ tiếu nức danh ngày xưa nay đã xuống cấp và mất dần khách. Gia đình ông thương lượng lại mặt bằng, để rồi ngày nay quán có đến 2 chủ: bữa sáng do người quản lý cũ bán, từ chiều đến tối là của gia đình ông. Khách đến đây sẽ thấy dòng chữ Việt – Anh trên tờ menu: “Sáng và chiều khác nhau” (Morning and afternoon different) như một cách làm rõ về những khác nhau trong chất lượng tô hủ tiếu,  cũng như khẳng định buổi chiều mới là chính hiệu hủ tiếu và bánh bao Cả Cần.

Tô hủ tiếu khô với nước sốt chua ngọt độc đáo

Tô hủ tiếu Cả Cần theo nấu trường phái hủ tiếu Mỹ Tho, món ăn được “Việt hóa” từ hủ tiếu của người Tiều (Triều Châu). Chủ các tiệm hủ tiếu Mỹ Tho thường là người Việt gốc Hoa, tuy nhiên chủ các lò sản xuất bánh hủ tiếu lại thường là người Việt chính gốc. Bánh hủ tiếu Mỹ Tho là loại bánh khô được chế biến từ các loại gạo thơm địa phương như Nàng Thơm, Nàng Út hoặc thậm chí là loại cao cấp như Nàng Thơm Chợ Đào. Ngày nay có 2 trung tâm sản xuất bánh hủ tiếu khô nổi tiếng: một ở Mỹ Tho và một ở Gò Công, sản xuất hầu hết hủ tiếu khô cung cấp cho cả nước. Nhờ vậy mà sợi hủ tiếu Mỹ Tho có mùi thơm của gạo, trụng với nước sôi thì mềm nhưng không bở, nhai thì nghe dai dai nên gọi là hủ tiếu dai, ăn không có mùi chua.

Cách thưởng thức món hủ tiếu Cả Cần cũng theo 2 cách là khô và nước. Để thấy hết cái đặc biệt của tô hủ tiếu này tôi nghĩ bạn nên gọi một tô khô. Cái khác biệt và độc đáo của món khô so với nước là ẩn dưới lớp thịt bằm, sườn non, xá xíu và con tôm luộc kia là một loại nước sốt chua ngọt rất đặc biệt. Chính vị chua ngọt này hòa với vị mặn của lớp tôm khô cháy tỏi phía trên tạo nên hương vị đậm đà của tô hủ tiếu khô. Nêm thêm một chút chanh, ngắt thêm vài cọng giá sống, rau cần, hòa lẫn với bánh hủ tiếu mới thấy hết cái ngon của tô hủ tiếu Cả Cần trứ danh qua bao thập kỷ này.

Hủ tiếu Cả Cần ngày nay có cải biên thêm một chút, ngoài các thành phần sườn non, thịt bằm, xá xíu, tôm còn có thêm chả cây và dồi chiên (như trong món cháo lòng). Phiên bản đặc biệt này được bán với giá 67,000 hẳn sẽ làm bạn hơi bất ngờ. Tuy nhiên với thành phần đặc biệt và đa dạng như vậy, cũng đáng để thử qua.

Ngoài ra còn có món bánh bao đã làm nức lòng bao thế hệ khách hàng. Bạn sẽ sửng sốt thêm một lần nữa khi biết một cái bánh bao đặc biệt có giá đến 32.000đ (nhân tôm, thịt, trứng muối và nấm đông cô). Bánh được hấp trên một bếp lớn với kỹ thuật bí truyền, tạo ra độ thơm ngon mà hiếm quán nào sánh bằng. Rất nhiều thực khách khi ăn hủ tiếu xong còn gọi một cái bánh bao đặc biệt ăn thêm, vì như vậy mới trọn vẹn một lần đến ăn ở Cả Cần.

Hơn 40 năm trôi qua cùng với bao biến cố và sự kiện, tô hủ tiếu cùng cái bánh bao vẫn giữ đúng hương vị từng làm mê đắm bao thế hệ người Sài Gòn. Sẽ không quá lời nếu cho rằng hủ tiếu Cả Cần là một phần của di sản ẩm thực Sài Gòn.

Tân Nhân

No comments:

Post a Comment