Monday, February 1, 2016

Năm Thân Nói Chuyện Khỉ - Phong Châu


Lấy tay che mắt, bịt hai tai và bịt miệng ý nói lên sự khôn ngoan của người biết giữ lễ, với phương châm là không nhìn những việc xấu, không nghe những lời nói xấu và không nói những điều xấu xa.

Một ngày cuối năm con Dê, ông Tám đang nằm thẳng cẳng trên Sofa xem phim Tề Thiên Đại Thánh thì bà Tám từ sau vườn, tay cầm một cái kéo tỉa cây xồng xộc bước vào đến ngay chỗ ông Tám cất giọng soprano:
- Ông có biết giờ này là mấy giờ rồi không?

Ông Tám vẫn không thay đổi vị thế nằm, trả lời gọn ơ:
- Chắc cũng gần mười giờ.

Bà Tám nghe thế bèn quay người vừa bước đi vừa nói lớn:
- Ông cứ nằm với con khỉ đột đó, trưa nay khỏi cơm nước gì cả…

Ông Tám không trả lời, tiếp tục coi đoạn Tề Thiên đang rút thiết bảng đánh với ma vương dưới chân núi Ngũ Hành. Ông không thấy đói vì vừa mới nốc một ly cà phê sữa đặc nên chẳng quan tâm đến lời đe dọa bỏ đói của bà Tám. Ông đã từng nghe bà Tám nhiều lần hăm he như thế nhưng rồi đâu vẫn vào đấy, nghĩa là đến giờ cơm bà vẫn ới ông vào bàn ăn như không có chuyện gì xảy ra.

Cơm nước xong, ông Tám lại bước đến ngồi ở sofa, ông không mở Tivi coi Tề Thiên mà lật tờ báo Xuân ra đọc. Bà Tám tiếp tục làm phận sự của người nội trợ. Xong đâu đó bà đến ngồi bên cạnh ông Tám dịu giọng:
- Ông đọc cái gì vậy?

Ông Tám trả lời:
- Đọc cái con khỉ.

Bà Tám biết ông Tám đang đọc báo xuân Bính Thân năm con khỉ nên bà không cáu gắt khi nghe ông trả lời “đọc cái con khỉ”.

Bà xuống giọng hỏi ông Tám:
- Hôm trước anh chị Hai bên Cali qua nhà mình chơi có nói bây giờ ảnh chỉ như hai con khỉ già sống cui cút ở nhà là sao? Bộ ảnh chỉ đều tuổi Thân hết hay sao?

Ông Tám tay vừa lật mấy trang báo vừa lơ lửng hỏi lại:
- Thế bà và tui tuổi gì?

Bà Tám hơi chưng hửng, nghĩ bụng, cha này chưa trả lời mà còn hỏi lại là sao vậy?
- Tui tuổi con heo còn ông tuổi con chó chứ tuổi gì nữa!

Ông Tám cười:
- Không phải đâu bà ơi, bà và tui dù có con gì đi nữa thì hiện tại tui với bà cũng đã biến thành hai con khỉ già rồi, giống như anh Hai chị Hai vậy thôi.

Bà Tám trợn mắt:
- Bộ ông điên rồi hả?
- Điên đâu mà điên. Bà thử nghĩ coi, như tuổi của bà và của tui sống lủi thủi trong căn nhà này mà không giống hai con khỉ già thì giống cái con gì chứ?

Bà Tám tỏ vẻ bực mình:
- Tại sao là khỉ già? Ông nói tui nghe coi.

Giọng ông Tám càng tỉnh:
- Bà đừng có mà tại sao với lại tại trăng, ai nói sao tui nói vậy chứ có biết cái khỉ khô gì đâu…

Không được ông Tám trả lời chuyện hai con khỉ già, lại nghe ông Tám nói hai chữ “khỉ khô” khiến bà Tám không khỏi thắc mắc:
- Ông đào ở đâu ra mà hết khỉ già rồi lại khỉ khô, cái gì là khỉ khô? Ông nói đi…

Ông Tám trả lời ngay:
- Khỉ khô không phải là bắt khỉ đem phơi khô làm khô khỉ để nhậu. Khỉ khô là người ta nói đến những người không biết gì hết, như bà hỏi tui hai con khỉ già mà tui không biết thì gọi là không biết cái khỉ khô gì hết…Tui còn nghe ta nói khỉ mốc nữa kìa…Ví dụ như tui hỏi bà có biết sự tích hai con khỉ già hay không, bà ú a ú ớ không biết thì tui gọi bà là chẳng biết cái con khỉ mốc gì cả…Thiệt tình…chừng này tuổi đầu rồi mà có những chữ nghe nhiều người nói, tôi cũng chẳng hiểu được ngọn ngành ý nghĩa của nó ra làm sao cả… khỉ thiệt…

Bà Tám nghe ông Tám nói đến khỉ già, khỉ khô, khỉ mốc tưởng là xong chuyện nên định đứng lên. Ông Tám thấy vậy bèn lên tiếng:
- Bà cứ ngồi yên đó đi, tui sẽ nói thêm chuyện khỉ cho bà nghe để mai mốt ai có hỏi thì bà biết mà trả lời.

Nghe thế bà Tám lớn giọng:
- Nãy giờ ông có biết gì về khỉ già khỉ khô khỉ mốc gì đâu mà biểu tui nghe cho biết…thiệt là vớ vẩn…

Bà Tám định đứng lên lần nữa nhưng đã bị ông Tám nắm tay kéo lại. Bà Tám hơi bực mình:
- Ông đừng có làm trò khỉ nghe, nói gì thì nói lẹ để cho người ta đi dọn dẹp nhà cửa.

Ông Tám mở mắt thật to ngạc nhiên khi nghe bà Tám vừa nói đến hai chữ “trò khỉ”. Mặt ông vui hẳn lên:
- Ấy ấy, có phải bà vừa mới nói hai chữ trò khỉ phải không? Hay lắm hay lắm! Vậy mà tui cứ tưởng bà không biết cái khỉ mốc gì hết. Bà nói cho tui biết ý nghĩa của hai chữ trò khỉ là gì nào. Bà mà nói trúng thì tui bao bà vé máy bay qua Cali ăn tết với anh Hai chị Hai khỉ già cho vui.

Bà Tám hơi ngượng, nguýt ông Tám một cái:
- Tui không biết trò khỉ là gì, ông biết thì nói đi. Nhưng mà thôi, không nói đến trò khỉ, ông biết gì về con khỉ thì kể cho tui nghe cũng được rồi…

Ông Tám uống một ngụm nước rồi đặt ly lên bàn, chậm rãi:
- Vậy trong khai sanh của bà tên là gì? Nói tui nghe coi.

Bà Tám hơi sững sốt:
- Ông đã biết tên tui dạo còn lẽo đẽo đi theo hết con đường này đến con đường nọ ở Sài Gòn, giờ hỏi là ý gì, tên cúng cơm của tui là Mai. Lê Thị Mai, sao? Có gì không?

Ông Tám lại cười:
- Tui không có quên đâu bà ơi, bà đúng là Lê Thị Mai, thế bà có hiểu tên Mai của bà là gì không?

Bà Tám trả lời ngay:
- Mai là hoa mai, hoa mai vàng chứ gì mà ông thắc mắc.

Ông Tám bật cười ha hả:
- Đúng rồi. Tên của bà là Mai. Nhưng Mai đây không phải là hoa mai mà mai là khỉ, bà có biết không?

Bà Tám hơi gắt:
- Ông đừng có đem tên cúng cơm của tui mà ra nói xàm nói bậy nghen.

Ông Tám xuống giọng:
- Trên thế gian này ai mà không biết mai là khỉ. Tui ở miệt vườn Cà Mau và biết dân miệt dưới đó thường nói câu: “Tháng ba cơm gói ra Hòn. Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang Mai”. Theo tiếng địa phương mai ở đây có nghĩa là Khỉ chứ chẳng phải là hoa mai hoa mốt gì cả. Trong hang toàn khỉ là khỉ mà dân miệt đó đã từng lòn ngang qua hang để ra đảo (hòn) hốt trứng chim nhạn mang về ăn, đặc biệt vào mùa xuân hàng năm, cả ngàn cả vạn con nhạn đen kéo về tụ ở mấy hòn tha hồ mà đẻ trứng. Hình như khi nói đến con khỉ thì người ta muốn ám chỉ những điều không được hay đẹp, như cụ Tú Xương đi thi rớt có than rằng “Ới thi là thi. Ới khỉ là khỉ”. Theo thuyết tiến hóa của ông Charles Darwin thì giống khỉ là thủy tổ của loài người. Khỉ biến thành người phải mất cả triệu triệu năm. Nhưng ở Việt Nam sau tháng tư bảy lăm, người ta nói từ người biến thành khỉ chỉ có mấy năm thôi, nguyên do là mấy cái ông râu xồm Các Mác, ông đầu hói Lê Nin, ông dơ Mao Xáng và bác Cáo (vốn ở hang Pắc Bó) đều là những danh nhân thế giới chủ trương “thuyết thụt lùi” để phản đối thuyết tiến hóa của ông Charles Darwin. Lại có cái ông Ngô Thừa Ân bên Tàu chế ra bác Tề Thiên nhảy từ Hỏa Sơn ra rồi theo Thầy Đường Tăng đến Tây Trúc thỉnh kinh và nhiều phen đã cứu thầy trò Tam Tạng. Như vậy xét ra, giòng giống của bác Tề Thiên đâu phải dở như thiên hạ thường chê bai. Tội nghiệp cho bác ấy quá! Người ta cũng nói Hầu là Khỉ nữa. Nhà văn Đặng Tiến có kể theo giai thoại “Vào thời Trịnh Khải -1783, thế lực chúa Trịnh đang suy tàn, nhưng vẫn còn kẻ theo nịnh bợ. Đặng Kim đã làm đến tước “hầu” mà còn xin làm con nuôi nhà chúa nên đổi tên là Trịnh An. Một hôm trên tường vôi nhà Hầu có người vẽ một cây cổ thụ đang xiêu đổ, lá cành trơ trụi, gốc rẽ ngả nghiêng, trên cây có con khỉ đang nằm ngủ, bên cạnh có hai câu thơ:
- Khỉ ơi tỉnh dậy đi thôi
Đừng chờ cây đổ đi đời nhà mi.

Hầu tỉnh ngộ, từ quan, lấy lại tên cũ. Về sau khi Trịnh Khải đổ, ông tránh được nạn.

Trở lại chuyện của thế kỷ 20, mấy cha ghẻ lở trong rừng (vì sống với khỉ) được về thành, mặt mày hớn hở và để trả thù “vặt” đã bắt đưa đi đày hàng triệu người Miền Nam vào chốn rừng sâu nước độc mà người ta goi là chốn “khỉ ho cò gáy”. Cái này mới thiệt là ngộ, khỉ cũng biết ho là chuyện không có trên thế gian này, vậy mà ở nước Nam ta lại có mới thiệt là lạ. Mấy chú khỉ kêu khẹt khẹt thì tui có nghe chứ chưa bao giờ nghe chú ho cả. Còn cái chuyện “cò gáy” mới lạ hơn nữa… khó tin giống như cả nhân loại không tin là có cả triệu con người bị đày vào những chốn rừng thiêng nước độc, kể cả ông già bà lão phụ nữ trẻ em cũng được đưa vô thiên đàng “kinh tế mới “ “khỉ ho cò gáy”…

Đang thao thao bất tuyệt bỗng ông Tám đưa mắt nhìn sang bà Tám thì thấy bà mắt đã lim dim nhắm, không biết đã ngủ hay con` thức để nghe. Ông lặng lẽ đứng lên, đến mở cửa tủ lạnh lấy ra một chai bia, ra phòng trước nhâm nhi một mình trong khi bà Tám bắt đầu phát ra tiếng ngáy ro ro…

***

Sau bữa cơm chiều, chờ cho bà Tám dọn dẹp đâu đó, ông Tám lại ngồi trước màn ảnh Tivi với bình trà nóng. Vì trong căn nhà rộng mà chỉ có hai con khỉ già nên hai ông bà thường ngồi bên nhau nói chuyện, lúc thì nhắc đến mấy đứa con đứa cháu ở xa, lúc thì nhắc đến mây người thân còn sống ở Việt nam, cũng có lúc bàn qua chuyện “chính chị chính em” sau khi nghe tin tức của đài Việt đài Mỹ…chuyện mưa chuyện nắng chuyện ăn chuyện uống…cùng chuyện xăng nhớt xe cộ…

Ông Tám chờ cho bà Tám ngồi xuống mới lên tiếng:
- Lúc trưa bà biểu tui kể chuyện khỉ mà bà ngáy khò khò lúc nào…hóa ra tui chỉ nói cho khỉ nghe thôi hả?
- Thôi nha! ông đừng có đem cái tên Mai Khỉ của tui ra chọc nữa nha, liệu hồn ông đó…còn chuyện gì thì ông cứ kể tiếp, tui nhắm mắt nhưng nghe hết những gì ông nói, hay lắm…

Ông Tám đặt ly trà xuống bàn, nhìn bà Tám rồi nói:

- Tui với bà già rồi…thôi không nói chuyện khỉ già khỉ non nữa. Tui sẽ kể chuyện về mấy con khỉ vì năm nay là năm con khỉ như bà biết đó. Nói tới năm con khỉ, ai trong chúng ta mà quên được cái tết Mậu Thân dạo 1968 là Việt Cộng thừa dịp dân chúng Miền Nam ăn tết, chúng mở các mặt trận trên toàn lãnh thổ Miền Nam mà chúng gọi là cuộc tổng nổi dậy của nhân dân Miền Nam. Nặng nhất là tại cố đô Huế, chúng đã sát hại trên năm nghìn người dân vô tội…cho nên cứ đến năm con khỉ thì người Việt ta, nhất là người dân xứ Huế không thể nào quên được biến cố đau thương này.

Thấy bà Tám im lặng ra điều suy tư, ông Tám lên giọng:
- Thôi, không nhắc chuyện buồn Mậu Thân nữa.

Rồi ông bất chợt hỏi bà Tám:
- Thế lúc con` nhỏ có bao giờ bà coi mấy chú khỉ làm xiếc không?

Bà Tám bị hỏi bất ngờ nhưng cũng trả lời ngay:
- Hồi tui còn học ở tỉnh, nhà gần chợ nên cũng có thấy mấy gánh hát Sơn Đông bán thuốc dán thuốc xức răng gì đó thường hay đánh trống khua chiêng bên hông chợ để rao bán, xen vào mấy màn ảo thuật và cũng có hai ba con khỉ con làm trò vui cho mấy người đi chợ bu quanh xem, nhưng đông nhất vẫn là bọn trẻ con. Mấy con khỉ làm đủ trò…nào là cưỡi xe đạp, lộn nhào và còn hút thuốc phì phèo nữa…trông rất vui. Bọn con gái tụi tui cũng đứng lại coi mãi miết…
- Thế bà có biết có bao nhiêu loài khỉ không? Thế bà có biết có bao nhiêu loài khỉ không?
- Ông đã mói rồi còn gì…khỉ khô khỉ mốc khỉ gió …Bà Tám trả lời 
Ông Tám đưa tay ra dấu.
- Không phải mấy thứ khỉ mốc đó đâu.Không phải mấy thứ khỉ mốc đó đâu.Tui muốn nói là mấy giống khỉ như là khỉ đột, đười ươi, khỉ đỏ đít, vượn… là đồng chủng với nhau chứ mấy loại khỉ bà nhắc đến là người.

Bà Tám gật gù cười vì bà đánh lừa ôngBà Tám gật gù cười vì bà đánh lừa ông Tám, làm cho ông tưởng rằng bà không biết mấy giống khỉ như ông vừa kể. Bà Tám vói:
- Nếu ông còn nhớ chuyện Nếu ông còn nhớ chuyện khỉ thì kể tiếp cho tui nghe.

Nghe thế, ông Tám bèn Nghe thế, ông Tám bèn bưng ly trà uống.
- Tui nói bà nghe nghen…Tui còn nghe người ta hay dùng hai chữ “bú dù” để chỉ con khỉ nữa đó. Tui nói bà nghe nghen…Tui còn nghe người ta hay dùng hai chữ “bú dù” để chỉ con khỉ nữa đó. Hình như mấy người Bắc ưa nói hai chữ “bú dù” lắm. Còn những chuyện có dính dáng đến con khỉ thì trong dân gian cũng nhiều lắm. Mặt của mấy chú khỉ lúc nào cũng nhăn nhăn nên người ta gọi là khỉ ăn ớt, rồi khỉ sợ mắm tôm, lúc no nê rổi rảnh thì khỉ ngồi bắt rận, chải lông; kẻ hay dọa người là rung cây nhát khỉ, miệt vườn miệt quê ngày xưa thì hay đi cầu khỉ, công xúc tu sĩ cũng gọi là. Ông Tám đang liên miên Ông Tám đang liên miên
- Vậy ông có biết chuyện người ta ăn óc khỉ.

Ông Tám cũng định nói chuyện ăn óc khỉ, nghe bà Tám hỏi, ông thích thú:
- Chuyện này bắt nguồn từ việc bà Từ Hi Thái Hậu đời nhà Thanh bên Tàu đãi ăn óc khỉ năm Giáp Thân 1874 bà Từ Hi Thái Hậu thết đãi các sứ thần tây phương bằng cách ra lệnh bắt 200 con khỉ để làm 140 món ăn trong đó có món óc khỉ. Theo sử sách Tàu thì việc chuẩn bị thết đãi này được chuẩn bị suốt 11 tháng 6 ngày với 1750 người phục vụ, tốn kém công quỹ tới 374 ngàn lượng vàng để đãi 400 thực khách suốt 7 ngày đêm. Chỉ nghe vài con số đã thấy kinh hoàng quá. Khỉ được cho ăn mặc như các vị đại quan mà bà ta cho là nịnh thần, gian tặc như Tần Cối, Bí Trọng (không phải Tổng bí… Trọng Lú), Bàng Hồng, Mao Diên Thọ…để trong một chiếc lồng chỉ nhô cái đầu lên phía trên. Khi được lệnh của Từ Hi Thái Hậu thì một vị quan dùng một chiếc dao bằng ngà gọt ngang chỏm đầu con khỉ, xong dùng muỗng bạc múc óc khỉ ra rồi rưới lên đó nước sâm nóng, xong dâng mời đến các vị khách…Nghe mà rợn cả người, dã man quá. Hiện nay trong nước nhiều chức sắc nhà nước và đám gọi là đại gia lại bày trò ăn óc khỉ để sống lâu sống thọ…

Bà Tám nghe ông Tám kể đến đó cũng thấy rùng mình kinh sợ nên khoác tay bảo ông Tám:
- Thôi thôi… ông ngưng kể chuyện đó đi, nghe khiếp quá. Hay là để tui kể vài chuyện khỉ mà tui biết cho ông nghe, tui cũng vừa nhớ ra vài chuyện đây

Ông Tám vỗ đùi:
- Vậy mà bà nói là không biết khỉ mốc gì hết, kể cho tui nghe coi.

Bà Tám tằng hắng giọng:
- Ừa…kể thì kể...ông nghe nè: Lúc nãy ông có nói vượn và khỉ cũng chung một chủng loại. Tui nhớ đến hai câu ca dao hay câu hò câu hát gì đó nhắc đến con vượn…“Má ơi đừng gả con xa. Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu…” Chuyện này tui nghe má tui nói là ngày xửa ngày xưa… hình như là vào thời chúa Nguyễn thì phải, lúc đó đám con gái thường là “khuê môn bất xuất” đến khi cha mẹ gả chồng thì theo chồng, dù xa xôi đến đâu cũng phải chịu. Ở đây là nói đến mấy cô gái lấy chồng theo lệnh chúa Nguyễn vào tận Miền Nam khai khẩn đất hoang, đường sá xa xôi cách trở, nhớ mẹ nhớ cha cũng chẳng biết đường nào mà mò về cho nên mong cha mẹ cứ gả con cho mấy cái thằng ở làng bên cho gần cũng đặng…Còn nữa, nhớ năm học đệ lục đệ ngũ gì đó, lâu quá quên mất tiêu, có học đến tác giả Nguyễn Đình Chiểu với tác phẩm Lục Vân Tiên cũng có câu nhắc đến con vượn hú khi Nguyệt Nga trở về Hà Khê… “ Thôi thôi em hỡi Kim Liên. Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê. Trải quả dấu thỏ đàng dê. Chim kêu vượn hú tứ bề nước non”. Thôi! Tui nhớ có chừng ấy thôi. Ông còn gì kể tiếp đi, chuyện khỉ coi bộ cũng hấp dẫn phải không ông?

Ông Tám vỗ tay khen bà Tám:
- Năm sáu chục năm rồi mà bà còn nhớ mấy câu ca dao câu thơ thiệt là giỏi, chủ nhật này tui phải đưa bà xuống phố ăn phở mới được. Bây giờ tui cũng mới nhớ là có con khỉ bay lên không gian ở thế kỷ trước, đám khỉ thấy vậy chứ cũng có ích cho các cuộc thí nghiệm khoa học lắm chứ, nhất trong lãnh vực y khoa và khám phá không gian. Bà nghe nghen…Con vật đầu tiên được phóng vào quỹ đạo không gian là một cô khỉ thuộc giống khỉ sóc của xứ Péru sinh năm 1957 được gọi là Miss Baker. Cô nàng bay vào không gian và trở về trái đất bình an vô sự vào ngày 28 tháng 5 - 1959 bằng hỏa tiễn Jupiter của Hoa Kỳ, lên tới độ cao 360 dặm, thời gian ở trong không gian là 16 phút. Cô nàng Baker chết vào ngày 29tháng 11 - 1984 tại Alabama, hưởng dương 27 tuổi. Sau đó có chú khỉ thuộc giống tinh tinh cũng được cơ quan Nasa phóng ra vũ trụ vào ngày 31 tháng 11 - 1961 nhưng chỉ mới bay mới 6 phút thì bị thu hồi cho rớt xuống Đại Tây Dương, chú khỉ có tên là Ham an toàn trở về sống ở sở thú Washington 17 năm, qua đời lúc 25 tuổi tại North Carolina…Nhiều lần khỉ được huấn luyện để đưa vào không gian như Liên Xô trước đây và ngay cả quốc gia Iran cũng đã có lần phóng một anh khỉ vào không gian…khỉ cũng thuộc loại thông minh không kém gì tui với bà…hì hì.

Bà Tám nghe ông Tám diễu dở nên xua tay:
- Cứ ngồi đây mà nghe ông cà kê dê ngỗng chuyện khỉ thì đói meo đó…thôi, tui đi nấu cơm…

***


Tối đến ông Tám lại dụ khị bà Tám ngồi nghe ông kể tiếp chuyện khỉ. Bà Tám vừa nể chồng, cũng vừa muốn nghe nên không lên tiếng. Ông Tám bắt đầu:
- Dạo còn ở Việt Nam, trước và sau 1975, lúc tui đổi về công tác ở thủ đô Sài Gòn, tui có nghe và đọc trên các tờ báo văn học nghệ thuật nói đến thi sĩ Bùi Giáng. Ông Bùi Giáng là thi sĩ có biệt tài làm thơ rất nhanh và ngôn ngữ trong thơ của ông cũng nhiều khi không hiểu nổi như chính con người của ông khi ông tự ví mình là đười ươi thi sĩ. Nào là “Đi về giũ áo đười ươi. Đăm chiêu khách địa từ người tặng ta” nào là “Ấy là thơ thuở chưa điên. Ở trang dấu ngoặc quàng xiêng reo đời. Bấy giờ xoang điệu đười ươi. Diệu hoa lầu các ngậm ngùi dấn thân”. Đọc mấy câu thơ trên, thú thật với bà là tui chỉ cảm nhận một điều gì đó ngông ngông nghênh nghênh nơi thi sĩ Bùi Giáng chứ chẳng hiểu đích thực nội dung ông muốn nói là gì. Có điều, nếu ông tự gọi mình là “đười ười thi sĩ ” cũng không có gì quá đáng. Sau tháng tư 75 tui thường thấy ông lang thang khắp phố phường Sài Gòn, thiệt tội nghiệp cho một tài danh…

Ông Tám vừa ngưng câu chuyện “đười ươi thi sĩ ” thì bà Tám đột nhiên hỏi:
- Nè ông, ông có biết mấy hình tượng ba con khỉ bịt mắt bịt tai bịt miệng không?

Ông Tám định chấm dứt câu chuyện khỉ đã dài dòng nhưng nghe bà Tám hỏi thế, ông tiếp: Gì chứ chuyện đó ai mà chẳng biết. Đó là bộ hình tượng Tam Không:

Không nhìn, không nghe, không nói. Tượng ba chú khỉ lấy tay che mắt, bịt hai tai và bịt miệng ý nói lên sự khôn ngoan của người biết giữ lễ, với phương châm là không nhìn những việc xấu, không nghe những lời nói xấu và không nói những điều xấu xa.

Nguồn gốc triết lý này xuất phát từ tông phái Thiên Thai (?) bên Trung quốc được đề cập đến trong tác phẩm “Không thấy Không nghe Không nói” từ thế kỷ thứ 8. Tư tưởng này khi du nhập vào Nhật Bản với hình tượng ba con khỉ “Tam Không” là tác phẩm của nhà điêu khắc Hidari Jingoro (1594-1634) được thờ ở đền Toshogu ở Nikko. Theo ngôn ngữ Nhật thì:
- Nizaru: Tôi không nhìn điều xấu.
- Kikazaru: Tôi không nghe điều xấu.
- Iwazaru: Tôi không nói điều xấu.
Sau này ông Gandhi bên Ấn Độ, người chủ trương tranh đấu bất bạo động đã luôn mang theo bên mình bộ tượng “Tam Không” này…

Ông Tám định tiếp tục bình luận về ba con khỉ “Không Không Không” thì chuông nhà reo.

Bà Tám vụt đứng lên bước ra phía cửa trước; ông Tám nói với theo:
- Sắp nhỏ hẹn chiều nay ghé ăn cơm, bà mở cửa cho tụi nó vào và sửa soạn cơm nước cho rồi. Tôi sẽ phụ bà một tay…

Phong Châu
Tết Bính Thân 2016

No comments:

Post a Comment