Wednesday, February 17, 2016

Cải Táng - Mimosa Phương Vinh

Đây là một câu chuyện có thật của một người bạn. Xin gởi đến các độc giả của Người Phương Nam để tùy nghi cảm nhận hay suy gẫm.
Mimosa Phương Vinh

Người chết có linh hồn không, thật ra đó là một câu hỏi không có sự trả lời chính xác. Nhiều tôn giáo đã đưa ra nhiều lý thuyết để chứng minh cho câu trả lời này, và đã có nhiều cá nhân bằng chính những kinh nghiệm của mình đã cố thuyết phục mọi nguời về sự bất tử của linh hồn con người.Và những diễn biến phía sau cái chết luôn luôn là một câu chuyện đầy hấp dẫn, lý thú. Cái thế giới siêu hình, huyền hoặc, âm u, mơ mơ ảo ảo đó tự lúc nào đó đã trở thành một phần của đời sống con người. Có thể cái thế giới mù sương đó không quan trọng bằng cuộc sống cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, xe cộ, tiền bạc, địa vị hay danh dự …..Nhưng có những lúc nào đó những sự mơ hồ, huyền hoặc, vô hình kia đã chi phối, ám ảnh và bám chặt vào đời sống con người một cách khắc nghiệt như mạng luới mỏng manh, tơ tóc cuốn chặt bám riết con mồi vô phương đào thoát.
Một chiều cuối thu trời lạnh và âm u, sau khi lăng quăng trong những cửa hiệu xem thiên hạ mua sắm tôi trở về nhà bằng con đường băng qua khu rừng nhỏ. Rừng cây mùa thu vàng rực hay đỏ thẫm trông thực đẹp mắt và mặt đường dát đầy lá khô xôn xao, lay động theo từng cơn gió nhẹ từ đâu đâu thổi đến. Quả thật đời sống đã có những hình ảnh thật nên thơ và tuyệt vời mà con người thì đôi khi quá tất bật cùng cuộc sống nên không nhận ra những tặng phẩm mà tạo hoá đã ban cho mình. Nếu chiều nay tôi không về sớm vì sở không có việc làm có lẽ tôi đã mất một chiều lang thang trong cửa hiệu nghe lại những nhạc khúc xa xưa một thời tuổi trẻ ở thành phố quê hương tuyệt vời trong ký ức, và cũng mất một cơ hội đi trong rừng lá thu để nhớ âm điệu bài thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư:
    Em không nghe mùa thu
    Dưới trăng mờ thổn thức
    Em không nghe rạo rực
    Hình ảnh kẻ chinh phu
    Trong lòng người cô phụ
    Em không nghe mùa thu
    Lá thu rơi xào xạc
    Con nai vàng ngơ ngác
    Đạp trên lá vàng khô.
Nhà cửa vắng vẻ, buồn thiu vì các con tôi đi vắng. Tôi ngồi một mình trong phòng khách nhìn hình cha mẹ trên bàn thờ, đó là hình cha mẹ tôi khi còn rất trẻ mà người anh từ Washington đã gởi qua, anh nói thờ hình cha mẹ khi còn trẻ cho đẹp. Ngày xưa cha mẹ tôi cũng có bàn thờ ông bà rất lớn ở giữa nhà và cha tôi đã khá hào phóng chi tiêu tiền bạc cho những ngày giỗ tết. Đó là những dịp cho mẹ tôi trổ tài nấu nướng món ngon, vật lạ và bọn chúng tôi rất sung sướng vì được ăn uống thả ga cho đến hai ba ngày sau. Mỗi năm bốn cái đám giỗ chính của ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại và nhiều đám  giỗ khác ở ngày tảo mộ, tất niên, tân niên ... Ngày nay, tôi chỉ làm một đám giỗ cho cha mẹ và đó cũng là dịp tôi mời bạn bè đến tụ họp, nói chuyện trên trời dưới đất, thường đám giỗ được tổ chức ngày thứ bảy và kéo dài đến nửa đêm mới xong. Anh em tôi một bọn chín người, thường ai cũng có bàn thờ cha mẹ trong nhà dù có mấy người đã lấy chồng Mỹ, chồng Tây.
Những lúc buồn phiền tôi hay thắp nhang cho cha mẹ và kể lể cho các người nghe về những khó khăn của tôi. Các người có nghe hay không tôi cũng chẳng biết. Có lẽ nhiều người sẽ cho là tôi mê tín, dị đoan tuy nhiên điều đó cũng chẳng sao, miễn là tôi có thể giải tỏa những uẩn khúc của mình trong một lúc nào đó.
Một lần đã lâu lắm khi còn ở Việt Nam tôi làm ăn thất bại, tiền bạc hết sạch và có cơ đổ nợ, trong cơn tuyệt vọng tôi chỉ còn biết cầu nguyện. Ngoài việc cầu nguyện các đấng tối cao trong mọi tôn giáo tôi cầu nguyện đến mẹ tôi và một đêm thấy mẹ về trong cơn mơ, bà ngồi đầu giường vuốt tóc tôi mỉm cười an ủi, trấn an tôi là mọi chuyện sẽ qua. Nụ cười của bà đã đưa tôi ra khỏi cơn tuyệt vọng.
Ngày tôi làm lễ đính hôn với chồng, hôm sau tôi lên nhà thăm mẹ chồng thì bà vui vẻ nói:
- Hôm qua me nằm mơ thấy cậu con về. Cậu mừng vui lắm, ông bảo là me đã chọn được dâu hiền.
Tôi không hiểu chuyện đó có thật không, mấy chục năm trôi qua rồi, tôi và ông chồng đã đi đến chuyện xa nhau. Nhiều năm trước có dịp về Houston thăm gia đình  anh chồng, ông đưa cho tôi hai bức ảnh của hai cụ được phóng lớn và nói :
-Thím và chú xa nhau lâu rồi, nhưng còn mấy đứa nhỏ. Nếu thím đi thêm bước nữa tôi không dám nói, nay thím vẫn còn ở vậy xin đem hình hai cụ về cho các cháu biết ông bà.
Tôi nhận hai bức hình vì nể ông anh chồng đã giúp đỡ cho mẹ con tôi nhiều và vì bố mẹ chồng đã qua đời nên tôi luôn xem ông như cha mẹ.Tôi đến được nước Mỹ là cũng do công sức của ông ta đã dùng quyền huynh thế phụ dàn xếp mọi việc. Anh chồng tôi rất nặng nghĩa gia đình, giòng họ và nhất là với con trai tôi mang cùng họ của ông. Đứa con trai lớn lên không có cha bên cạnh, gặp nhiều thiệt thòi nên đem lòng oán hận người cha không có trách nhiệm với con cái. Nhiều lần con trai tôi đòi đổi họ, tôi đem việc này nói cho anh chồng tôi nghe. Ông bảo :
-Thím phải khuyên nhủ cháu, làm như vậy là mắc tội với tổ tông, giòng họ mình. Con cái làm nên cũng là nhờ giòng họ thím ạ!  Ông bà giòng họ nào có lỗi gì đâu!
Tôi bèn thờ luôn hai cụ và luôn cầu nguyện cho cháu hai cụ.
Thỉnh thoảng tôi nói với con trai khi cháu còn bé:
-     Ngày xưa ông nội đi dạy học, bác Khoa cũng đi dạy học nên 
chắc con cũng nên theo nghề này.
Tôi ngạc nhiên khi nghe con trai tôi nói :
-    Con đồng ý với mẹ là vì con cũng thích nghề này! Đó là ước  
mơ cuả con.
Và cháu đã đi con đường đó dù đó không phải là việc dễ dàng cho một người di dân trên đất Mỹ.  
Chị Trang bạn tôi không bao giờ tin vào sự cúng giỗ, dù chị là
một người Phật Giáo, chị lý luận :
-Nếu mình tin vào thuyết luân hồi thì cha mẹ mình qua đời đã lâu, nay cũng đã đầu thai kiếp khác thì giỗ cúng để làm gì!
Chị nói cũng có lý quá đi chứ!
Tuy nhiên sau khi nghe câu chuyện của gia đình Thùy Giang thì tôi trở nên sợ hãi và nghĩ rằng có một thế giới thần bí, siêu hình nào đó mà mình chưa khám phá ra thì cũng không thể đưa ra một kết luận chắc chắn nào cả.
Thùy Giang là một nguời con gái khá đẹp, nước da trắng hồng và tính nết rất cởi mở. Cô sinh ra trong một gia đình có đông anh em trai và cô là con gái độc nhất. Thuở trước khoảng năm 1930 đến 1940 Đà Lạt  thuộc về Hoàng Triều Cương Thổ, nhưng đất rộng người thưa, những nguời dân ở các nơi đến Đà Lạt lập nghiệp muốn chiếm đất bao nhiêu cũng được và đóng thuế thì rất là nhẹ.
Bác Khương ba của Thùy Giang khai phá đất trồng rau cải, cây ăn trái và sau này trồng hoa hồng để bỏ mối cho các chợ hoa ở Sàigon. Cha tôi là công chức nên gia đình tôi ở trên thành phố cho gần trường học. Khi chúng tôi đã có nhiều anh em, nhà cư xá chật chội nên cha quyết định về ngoại ô mua đất làm nhà gần gia đình Thùy Giang vì cha và bác Khương là bạn bè thâm giao.
Tôi và Giang có nhiều kỷ niệm vui đẹp của tuổi thiếu nữ. Chúng tôi hay dạo chơi trong những khu vườn ở ngoại ô để hái hoa dại hay lội dưới giòng suối trong những khu rừng thưa. Hai đứa có lúc đèo nhau đi Honda trên đồi Cù hay đi xuống Trại mát, Trại Hầm hái mận, hái mít. Có lúc đi thơ thẩn vào dinh vua Bảo Đại hay vào rừng thông hái nấm, ngắm hoàng hôn phía chân trời xa. Tôi chưa bao giờ cãi nhau hay giận hờn Thuỳ Giang vì cô ta rất là xuề xoà, dễ chịu và hình như có những người sinh ra để được sống sung sướng về vật chất ( trong đó có Giang), tôi không dám nói sung sướng về tinh thần vì những biến cố đã xảy ra cho cô sau này.
Năm 1973 bác Khương trai qua đời, gia đình chôn bác ở một góc vườn và làm một cái mộ giả cho bác gái. Sau 75, đời sống khó khăn không ảnh hưởng đến gia đình Thùy Giang vì cô ta kết hôn với Quốc Dũng một cậu con trai nhà giàu không dính dấp đến chế độ cũ, cô sinh một nguời con trai đặt tên là Quốc Sơn và dĩ nhiên đứa con độc nhất đó rất sung sướng, hạnh phúc bên cha mẹ giàu. Quốc Dũng làm cho công ty du lịch ở Đà Lạt và Thùy Giang cũng làm cho một công sở nào đó. Trong thời gian mười năm sau 75 Thùy giang có hai người anh em qua đời. Một vượt biên mất tích và một bị bắt vì một lý do mù mờ là tụ họp bất hợp pháp.
Châu em trai Thùy Giang bị bắt đưa đi cải tạo ở trại Đại Bình, đáng lẽ cũng chẳng đến nổi phải chết, vì gia đình khá giả và Đại Bình là một trại tù gần Đà Lạt nên dễ thăm nuôi. Khổ nổi Châu là một người tuổi trẻ ngay thẳng và đầy nhiệt huyết nên mang họa vào thân. Khi người cộng sản lập tòa án nhân dân công khai ở rạp Hoà Bình để xử những thành phần phản động, họ đem những phạm nhân ra để chứng tỏ luật lệ nghiêm minh và công bằng của mình. Đến khi họ  kêu án Châu mấy năm tù về tội phản động vì tụ họp bất hợp pháp và hỏi Châu có điều gì xin xỏ để được khoan hồng không thì Châu dõng dạc nói to trước toà án nhân dân:
-   Tôi chỉ xin hỏi mấy ông rằng tại sao các ông không thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định Ba Lê mà các ông đã ký kết.
Cả hội trường sững sờ, dân chúng xôn xao la ó, chánh án đập bàn rầm rầm mà vẫn không ổn định được trật tự. Sau đó mọi người tự động giải tán và Châu phải trả giá bằng một viên đạn bắn vào đầu với nhiều bạn bè cùng chết trong một ngày lao động nào đó khi tù nhân quá khát nước thấy một dòng suối nên chạy ào đến để uống. Họ đổ lỗi những người tù muốn trốn trại. Khi Châu chết, gia đình phải dấu bác Khương gái và nói với bác là Châu đã vượt trại đi Mỹ rồi. Bác Khương gái luôn luôn trách thằng con tệ quá đi Mỹ đã lâu mà không thư từ về cho đến ngày bác qua đời.

Khi bác Khương gái qua đời, chính quyền không cho chôn trong khu vườn nhà bên cạnh chồng. Gia đình phải an táng bác gái trong nghĩa địa gần nhà. Đời sống khá yên ổn cho gia đình Thùy Giang sau đó nhiều năm. Tuy nhiên những năm sau này thì đất đai trở nên có giá ở Việt Nam nói chung và Đà Lạt nói riêng. Đất nhà bác Khương thì quá mênh mông rộng lớn nên các con bác cắt đất bán dần dần cho cán bộ, Việt Kiều, tiền lên đến bạc triệu, bạc tỷ nên đời sống anh em Thùy Giang rất là sung túc, ai cũng có nhà riêng rộng lớn với đầy đủ tiện nghị. Thỉnh thoảng tôi có nói chuyện với các em tôi qua điện thoại hỏi về Thùy Giang và chúng tôi đều kết luận rằng cô ta là một người sung sướng, giàu sang từ trứng nước.
Mộ phần bác Khương trai vẫn ở một khu đất rất rộng thuộc một góc vườn cùng với ngôi mộ giả khá đồ sộ của bác gái. Các con thấy cha mẹ chôn xa cách nhau đã hơn hai mươi năm nên có ý định sẽ cải táng mộ bác trai gần bác gái nơi nghĩa trang, hơn nữa khu đất có mộ phần sẽ khó bán hay xây cất. Sau khi đã họp bàn nhiều lần họ nhất định mời thầy cúng về giúp đỡ trong việc cải táng, họ bốc mộ bác Khương trai đem vào chôn cạnh bác gái.
Tuy nhiên không hiểu tại sao ông Thầy cúng lại bàn rằng: sau khi chôn bác trai xong thì phải đào mộ bác gái lên, xốc xốc vài lần rồi chôn lại chỗ cũ như là một sự cải táng. Có nguời cho là điều lạ nhưng thầy cúng cho rằng như vậy mới đúng nguyên tắc. Anh em và Gia đình Thùy Giang đều là những người có nếp sống phóng khoáng tây phương nên không có ý kiến gì cả. Họ nghĩ là mình đã làm một điều tốt đẹp, chôn cất cha mẹ gần nhau, giải quyết được khu đất rộng ở góc vườn cho sự mua bán xây cất. Mọi người đều vui vẻ bằng lòng nhưng sự việc không đơn giản sau việc cải táng như mọi người nghĩ. 
Sau một tháng, người con dâu trưởng vợ anh Hoàng sanh bệnh rồi chết sau một tuần liệt giường. Anh Hoàng buồn bã nhớ vợ và chết sau đó ba tháng. Mọi nguời đều nhen nhúm một ý nghĩ nào đó về sự cải mộ cho cha mẹ nhưng họ không nói ra hay nếu có nói thì cũng với sự không tin tưởng tuyệt đối vì họ là những người tin vào khoa học và thực tế hơn những điều huyền hoặc, mông lung.
Vài tháng sau Huy là em kế của Thùy Giang lăn ra chết vì viêm gan cấp tính, mọi người tin rằng Huy ưa ăn nhậu nhiều thì chết vì bệnh gan là đúng rồi. Nhưng chỉ một tuần sau con rễ của Huy bị chết vì tai nạn xe cộ thì cả nhà trở nên hoảng hốt thật sự. Cả gia đình rối loạn lên vì không biết ai sẽ là nạn nhân kế tiếp. Họ đi coi thầy và thầy bói cho rằng bác Khương gái giận vì họ đào mả bác lên xốc xốc rồi chôn lại. Đó là sự “động mả” mà bà con mình hay dùng những tiếng nầy để nhiếc mắng nhau cho thỏa lòng căm ghét khi giận dữ. Anh em Thuỳ Giang trách cứ, la mắng ông thầy cúng thì ông chỉ im lặng và trơ mặt ra. Ngay những người không tin vào dị đoan, mê tín cũng thấy đó là một điều khó coi, dị hợm khi làm cái việc lay động chiếc hòm bác Khương gái một cách thô lỗ như vậy. Nhưng dù sao cũng là việc đã rồi.
Mọi người trong gia đình vào mộ sì sụp bái lạy xin cha mẹ tha thứ tội nhưng câu chuyện không ngừng ở đó vì chỉ hai tháng sau Quốc Dũng chồng của Thuỳ Giang lăn ra chết vì một căn bệnh rất mơ hồ.Trong gia đình  mọi người trở nên rối loạn hoảng hốt bởi sự ám ảnh của việc cải táng. Trước kia bác Khương là người Phật Giáo nhưng cũng không phải là người sùng đạo lắm, còn các con của bác thì sau này cũng không theo một tôn giáo nào nhất định cả, nhưng sau những cái chết của anh em và chồng Thùy Giang nhất định đến chùa, đến nhà thờ để xin giúp đỡ cầu nguyện. Các thầy có đến nhà để cầu an cho gia đình nhiều lần sau đó.
Một thời gian ngắn sau Thùy Giang bị bệnh nặng phải đi giải phẩu, mọi người tin tưởng rằng cô không bao giờ qua khỏi nhưng rất may mắn là cô đã thoát được nhưng sau đó Thùy Giang mang tật nơi chân phải đi khấp khểnh.Tôi tin tưởng rằng  những rủi ro, khủng khiếp sẽ rời xa gia đình cô mãi mãi và mọi việc hình như đã chấm dứt rồi. Và tôi cũng đã viết ra câu chuyện về gia đình Thùy Giang.
Buồn thay, vài năm sau khi viết câu chuyện này ra tôi mới hay tin sự nghiệt ngã vẫn chưa buông tha bạn tôi vì người vợ trẻ của Quốc Sơn (con trai độc nhất của Thùy Giang) cũng đã qua đời bỏ lại người chồng dở điên, dở khùng trên cuộc đời. Tất cả có phải là hậu quả của một sự cải táng và tất cả sáu người trong gia đình đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ và Thùy Giang bạn tôi phải khập khểnh cô đơn ở lại trong cuộc sống với quá nhiều kỷ niệm buồn.
Tôi suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện cải táng ghê sợ kia, nếu đó là một sự trùng hợp vô tình của đời sống thì quả thật cuộc đời này có những sự ngẫu nhiên quá lạ lùng và kỳ bí. Còn nếu đó là một hậu quả của một nguyên nhân thì có phải nguyên nhân là sự cải táng hay động mả không. Cha mẹ nào chẳng thương con, không lẽ vì sự giận hờn mà bác Khương gái lại bắt đi những người thân thuộc của bác trong khi họ là những người vô tội. Kẻ có tội chính là ông thầy cúng nhưng không nghe nói đến sự không may nào đã xảy đến cho ông ta cả.
Có người hay nói đến giòng họ và mồ mả ông bà, họ tin rằng con cháu trở nên hiển đạt hay bần cùng cũng tuỳ thuộc vào cửu huyền, thất tổ. Tôi không biết nhiều về điều này nên không dám bàn đến, tuy nhiên câu chuyện của gia đình Thùy Giang cũng có ảnh hưởng phần nào đến những việc làm và ý nghĩ của tôi. Tôi hay hướng về bàn thờ cha mẹ và hai cụ nội để thầm cầu xin những điều may mắn cho các con tôi, thỉnh thoảng tôi hỏi các em về mồ mả của cha mẹ ở quê nhà. Tôi nghĩ là mẹ tôi rất vui khi nằm trên khu đồi bên cạnh ba tôi và bên dưới là đồi thông ngút ngàn. Ngày còn sinh tiền bà hay nói: khi mẹ chết, mẹ thích nằm trên đồi thoáng rộng và nghe tiếng gió reo vi vu. Mẹ tôi xứng đáng được thỏa ước nguyện sau cùng vì lòng bà bao giờ cũng trang trải hào phóng, độ lượng cho con cái và những người xung quanh.
Câu chuyện của linh hồn con người mãi mãi vẫn là những bài toán không bao giờ có đáp số, và người ta không có ai thật sự đã gạt bỏ cái thế giới vô hình, mờ ảo đó ra khỏi cuộc sống của mình. Có phải thế hay không? Mỗi người sẽ có mỗi câu trả lời khác nhau. Tôi chỉ viết lên một câu chuyện thật của gia đình Thùy Giang bạn tôi. Câu chuyện có lúc đã là một đề tài nóng sốt của dân chúng trong thành phố ngàn thông/.
Mimosa Phương Vinh

1 comment:

  1. Thế giới tâm linh có những điều huyền bí mà người trần mắt tục chúng ta không thể nào hiểu nổi. Cho dù khoa học có chứng minh thế nào đi nữa thì mình vẫn tin là có một thế giới siêu hình, phải không chị Phương Vinh?
    Cám ơn chị Phương Vinh.
    Mến chúc an lạc.
    NPN

    ReplyDelete