Monday, October 5, 2015

Câu Chuyện Về Tính Lương Thiện - Tạp Ghi Huy Phương


Người ta định nghĩa “lương thiện” là tốt lành, không vi phạm đạo đức, pháp luật. Các phát biểu về lương thiện, có lời của nhà văn Nhất Linh: “Muốn cho người ta dễ có lòng thiện thì làm thế nào cho người ta khỏi nghèo khổ.” Một nhân vật khác là E. Rueys thì cho rằng: “Khi giàu làm người lương thiện không gì dễ bằng, khi nghèo nàn làm được người lương thiện mới khó!” Nói như vậy có khác chi cho rằng phần đông người nghèo ít lương thiện hơn người giàu có.

Người ta căn cứ vào chuyện một cô người Mexico đến dọn dẹp nhà cửa cho một người chủ Việt Nam đã lấy trộm một cái nhẫn kim cương mà người chủ quên bỏ đầu giường, hay chuyện những đứa trẻ đi lượm bao ny-lông ngày trước ở quê nhà đánh cắp một đôi dép hay vơ một cái áo đang phơi trên cây sào. Nhưng cũng không phải vậy, mà trong xã hội này người ta cho rằng kẻ nghèo hèn đều đi ăn cắp và người giàu, có một cuộc sống tốt lành, kiểu nói “bần cùng sinh đạo tặc.” Ðó chính là lý do những chính trị gia như Lý Quang Diệu của Singapore, để cải tạo xã hội, phải làm cho dân chúng được cơm no, áo ấm, ai cũng giàu có.

Chúa Jesus thì nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Thiên Chúa (Mt. 19,24).” Người ta có thể hiểu câu nói này theo cách: Người giàu khó là một người lương thiện.
Hiện nay, nạn cướp giật điện thoại cầm tay xẩy ra thường ngày ở Việt Nam, thì một người bán vé số nghèo nàn, lượm được một cái “iPhone 6 plus” đem giao lại cho người mất, trong khi hàng triệu cán bộ lợi dụng chức, quyền, là những người giàu, dựa vào đảng, lương vài trăm đô la nhưng có nhà, xe, đất hàng triệu đô la, nhờ sự thiếu lương thiện, nói rõ là bất lương: “Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan!”

Một chị bán ve chai nhặt được số tiền 5 triệu Yen ($4,200) lập tức có những kẻ kém lương thiện, đến làm phiền, có người hăm dọa đòi anh chị chia số tiền nhặt được. Một phụ nữ đến nhận vơ đó là tiền của chồng bà đang lao động ở Nhật, gửi về cho mình, bà cất giấu trong thùng loa cũ rồi quên. Một người khác đem sổ đỏ “dỏm” đến cầm.

Một ông giám đốc ở Hà Nội khuyến khích sự lương thiện của người bán ve chai, đề nghị chị đem trả số tiền này lại cho chính phủ Nhật, vì giấy bạc này do Nhật in ra, là thuộc quyền sở hữu của chính phủ Nhật! Theo ông này, phải trả lại tiền cho nước Nhật để “nâng cao hình ảnh thân thiện, nhân văn của người Việt Nam đối với đất nước Nhật nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung.” Trong khi bao nhiêu đứa cướp giật, ăn cắp, buôn lậu làm xấu mặt Việt Nam ở đất nước Nhật, thì ông quan chức này đề nghị chị bán ve chai, hy sinh, dùng tính lương thiện của mình để cứu vãn cái mặt Việt Nam. Mặc dầu ông có hứa là sẽ vận động thiên hạ gây quỹ, đóng góp lại cho chị, nhưng đó là chuyện “cái mồi in bóng dưới nước.”

Hy vọng các quan chức Việt Nam từ đây về sau, ai cũng có lòng lương thiện cho dân đỡ khổ, nhưng xúi người khác lương thiện có lẽ dễ hơn chính mình phải lương thiện.
Chúng ta dạy trẻ em phải lương thiện trong khi, hơn 20 con heo đất của học sinh tại Trà Vinh để giúp học sinh nghèo bị người lớn ngành giáo dục “rút ruột” 20 triệu đồng. Chúng ta dạy trẻ sống công chính trong khi chúng ta có những “tên” hiệu trưởng như Sầm Ðức Xương sống bằng nghề “ma cô.”

Trong một xã hội như hiện nay, dạy cho con lương thiện, có nghĩa là đưa con vào con đường chết đói, vì đời này: “Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt, lọc lừa lươn lẹo lại lên lương!”

Nói về nghề lương thiện, không biết ở Việt Nam người ta sắp xếp cao thấp thế nào về mức độ lương thiện qua các ngành nghề. Tuy nhiên, tạm thời chúng ta hãy cho nghề lương thiện nhất là nghề bán ve chai, có muốn bất lương cũng khó lòng. Và nghề nào là nghề phi đạo đức nhất? Cứ nhìn tài sản của đám viên chức chính phủ và Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam, hoàn toàn không tương xứng với số lương bổng hàng tháng, chúng ta sẽ thấy rõ bọn sâu mọt chuyên đục khoét ngân khoản, tài nguyên đất nước và bóc lột “nhân dân” đến mức nào.

Viện Gallup ở Mỹ không thăm dò tính lương thiện qua giai cấp giàu nghèo mà qua nghề nghiệp. Ðứng đầu lương thiện nhất là ngành y, nhưng bác sĩ y khoa lại được xếp sau y tá, dược sĩ và bác sĩ thú y.
Ðược xếp đồng hạng sau đó là kỹ sư, giảng viên và linh mục (tỉ lệ tin cậy đều là 58%). Ít lương thiện hơn là cảnh sát và chuyên gia tâm lý.

Tệ hơn hết, người Mỹ cho rằng nghề bán xe hơi (car saleman) là nghề khó tin nhất, chung chiếu với nghề bán xe hơi là nghề quảng cáo, nghề bảo hiểm y tế và nhân viên bán bảo hiểm (tỉ lệ tin cậy từ 13% đến 12%). Các chính trị gia cũng được xếp hạng thiếu lương thiện như tỉ lệ tin cậy đối với các dân biểu chỉ có 14%, thượng nghị sĩ là 15%. Ðiều này có lẽ dân chúng thấy rõ hơn vào các mùa bầu cử.

Còn nghề ký giả thì không thấy cuộc thăm dò của Gallup nhắc đến.
“Nhà báo nói láo ăn tiền,” là một câu nói khá hàm hồ và ác cảm của ai đó đối với nghề báo. Phải chăng đó là loại nhà báo chuyên tường thuật các đại hội đảng hay tổng kết thi đua “sống và làm việc theo gương Hồ Chủ Tịch.” Thật tình, nguyên tác của nghề báo là viết sự thật, dù ở đâu, do đó đây cũng là một nghề “dễ chết” nhất. Ở Việt Nam hiện nay đã có bao nhiêu nhà báo vì nói sự thật, đã bị cho thôi việc, cầm tù hay bị ám hại.

Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả cho biết, trên thế giới, chỉ tính từ năm 1992 cho đến 2011 đã có khoảng 850 ký giả bị giết, nhiều nhất là vì lý do chính trị, chiến tranh, tham nhũng, nhân quyền và tội phạm, trong đó, 39% bị giết trong khi hành nghề vì lý do chính trị. Riêng tại Mỹ và Canada kể từ năm 1976, có ít nhất 15 vụ ký giả bị giết khi đang làm công việc của mình, trong số 15 người này có năm người gốc Việt. Những ký giả này không phải là nhà báo nói láo, mà nói quá thật theo quan điểm của mình, những sự thật làm mất lòng người khác.

Nhưng nghề “viết” cho phép kèm theo chữ “lách.” Và cũng nên thông cảm rằng, đôi khi không dám viết sự thật, không phải là vì thiếu lương thiện.
Chí Phèo đã từng lớn tiếng trước mặt Bá Kiến: “Tao muốn làm người lương thiện!” “Không được! Ai cho tao lương thiện?”
Ðôi khi làm người lương thiện không dễ!

Huy Phương

No comments:

Post a Comment