Sunday, August 16, 2015

Hành Trang Và Lý Tưởng - Teresa Trần Kiều Ngọc


Lời nói đầu: Rời Việt Nam sang Úc khi còn đang học lớp 2, cô Trần Kiều Ngọc đã để lại những cảm xúc thật sâu đậm trong lòng mọi người qua bài nói chuyện thật sâu sắc – “Hành Trang và Lý Tưởng”, trong buổi Lễ Giỗ Cố GS Nguyễn Ngọc Huy lần thứ 25 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW/Úc Châu. Để chia sẻ rộng hơn đến các bạn trẻ Việt Nam khắp nơi, cô Kiều Ngọc đã chuyển bài nói chuyện sang tiếng Anh. Cầu mong đại gia đình Việt Nam chúng ta hòa chung nhịp đập ước mơ cho một Việt Nam tươi sáng và dân chủ. Mong lắm thay!

Con xin kính chào tất cả quý ông bà và tất cả anh chị em.
Hôm nay con xin chia sẻ về chủ đề ‘Hành trang và lý tưởng’. Đây là bài nói chuyện mà một cách đặc biệt con muốn nói với các bạn trẻ. Con xin phép ông bà, cô chú bác, anh chị kiên nhẫn lắng nghe hết tâm tình của con, vì những gì con sắp nói đây có thể không có gì là mới lạ cả. Con chỉ muốn được nhắc lại với các bạn trẻ trong ngày hôm nay. Để bắt đầu, con xin được dành chút ít thời gian để kể về hành trình trở về quê hương và tìm ơn gọi trong cuộc đời con như thế nào.

Con rời Việt Nam sang Úc khi con còn đang học lớp 2. Đối với người lớn thực sự mà nói, họ phải lo toan với muôn vàn khó khăn để làm lại từ đầu trên đất khách quê người. Nhưng với một đứa trẻ như con lúc bấy giờ thì chỉ buồn nhất vì không còn được nghe và nhìn thấy mặt chữ tiếng Việt khi đến trường nữa. Vì vậy, ngày ngày sau khi tan trường, con lội bộ mò mẫm đến một thư viện công cộng để tìm sách tiếng Việt mà đọc. Vào đầu thập niên 90, sách vở Việt Nam lúc bấy giờ còn rất khan hiếm. Không có sách thiếu nhi với những hình ảnh và màu sắc lộng lẫy như bây giờ! Nhưng chỉ cần lật qua những trang sách trong quyển sách dày cộm với những hàng chữ quen thuộc và các dấu thanh sắc huyền hỏi ngã nặng là con cảm thấy hạnh phúc lắm rồi!

Rồi thời gian cứ dần trôi đi … Những lời văn lột tả về quê hương, về cuộc sống, về con người VN của những nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn như Khái Hưng, Nhất Linh… cũng như những vần thơ u uẩn của bà Huyện Thanh Quan càng ngày càng thấm vào trí não của con khiến con luôn nghĩ về quê hương Việt Nam. Con rất muốn biết hình ảnh của đất nước Việt Nam thật sự như thế nào mà vì chỉ có một thời gian ngắn ngủi là bảy năm được sống ở quê nhà nên con chưa một lần cảm nghiệm được hết vẻ đẹp của quê hương mình. Vào năm cuối cùng của bậc đại học, con quyết tâm tìm hiểu ơn gọi đi tu. Lẽ dĩ nhiên, nếu dấn thân phục vụ và sống đời tận hiến, con sẽ không chọn nơi nào khác hơn là được phục vụ trên chính quê hương mình.

Con đã chọn tập sự tại Dòng Tu Phaolô, thành phố Pleiku. Hành trang con mang theo cho chuyến đi chỉ vỏn vẹn có một cỗ chuỗi hạt mân côi để con cầu xin Chúa cho con có được sự bình an cùng với một bức hình của mẹ con làm niềm an ủi khi con buồn và nhớ mẹ và vài bộ quần áo mà con mang theo. Sau gần hai ngày hành trình, vào một buổi tối mùa đông, con cũng tìm được nơi con muốn đến. Nhà dòng nằm thoai thoải trên một sườn đồi thơ mộng và chìm đắm trong sương mù lúc về đêm.

Phải nói, chuyến đi Pleiku như là một định mệnh làm thay đổi thái độ sống và cuộc đời của con. Có ba trải nghiệm mà con luôn ghi khắc trong lòng. Trải nghiệm thứ nhất là hầu như vào mỗi đêm, con đều nghe văng vẳng tiếng khóc đau đớn của các trẻ mồ côi, khuyết tật. Có những em bẩm sinh đã bị dị dạng, mù lòa và bất toại, có em vừa mù lẫn cả bất toại. Tiếng khóc của trẻ hoà lẫn với tiếng thở dài của các maseour làm con không sao ngủ được. Việt Nam quả là một đất nước cả ngày lẫn đêm đều chìm đắm trong đau khổ!

Trải nghiệm thứ hai của con là buổi tối trước ngày khởi hành vào rừng thăm làng phong cùi, con đã thức suốt đêm, mắt trắng dã vì mường tượng đến cái chết thảm thương của mình sau khi bị lây bệnh cùi. Nỗi sợ hãi đó bao trùm lấy con suốt đêm và luôn cả buổi sáng, suốt chặng đường dài mấy tiếng đồng hồ cho đến khi con đứng trước mặt những người cùi. Hình ảnh của những thanh niên, cụ già vẫy tay chào đón, bàn tay ngón còn ngón mất với những ánh mắt còn chút hy vọng xót xa của những trẻ em sinh ra và lớn lên trong làng phong cùi nhảy lên reo mừng vì có người lạ đến thăm. Mọi sợ hãi về cái chết bỗng chốc đều tan biến trong con. Con nhận ra tình yêu mạnh hơn là sự sợ hãi về cái chết. Tình yêu chiến thắng, vượt xa và bỏ mặc sợ hãi sau lưng.

Trải nghiệm thứ ba làm con nhớ nhiều nhất, đó là hầu như đi đến đâu con cũng thấy người ta hay nói dối. Già trẻ, lớn bé ai cũng biết nói dối. Gặp ai có thể tin được, con đều vặn hỏi họ, tại sao ở đây người ta thích nói dối như vậy. Nhưng cái khổ nhất là mình đã bị lừa mà vẫn cảm thấy xót xa và thương họ vô cùng! Mình không thể bỏ quên họ được. Và nếu bỏ mặc họ, con cho đó là một trọng tội đối với tổ quốc. Dù trải nghiệm đó có xấu xa đi chăng nữa, nó vẫn lại là một sự nhắc nhở giúp con nhớ đến thực trạng tồi tệ của đất nước mình ngày nay. Thực trạng đó đang khát khao chờ mong chúng ta biết yêu thương, đoái hoài nhìn đến để có sự đổi thay.

Bây giờ nhìn lại, con nhận ra hai điều quan trọng trong cuộc sống. Đó là chuẩn bị hành trang cho cuộc hành trình sống có lý tưởng. Đời sống con người là một cuộc hành trình. Chúng ta cần có lý tưởng sống để góp phần vào việc xây dựng, phát triển cho sự trường tồn của đất nước cũng như nhân loại. Cuộc sống không định hướng, không mục đích, là một cuộc sống buồn tẻ, vô vọng. Đây là một cuộc sống đi ngược với định luật tự nhiên vì con người vốn sinh ra là phải có hy vọng để sinh tồn và phát triển.

Song, có lý tưởng mà không có sự chuẩn bị, suy tính kỹ càng để đạt tới mục đích thì cũng không khác gì là chuyện mơ mộng hão huyền mà thôi. Con nhớ, Chiến sĩ Võ Đại Tôn đã từng nói: “Tôi có thể ăn nửa chừng, uống nửa chừng, ngủ nửa chừng nhưng tôi không thể tranh đấu nửa vời”. Chúng ta không thể chỉ bỏ ra chút ít công sức mà đòi hỏi nhận lại một kết quả thần kỳ. Chúng ta phải có sự chuẩn bị hành trang cần thiết cho một cuộc hành trình đầy cam go để đi tới đích. Hành trang con muốn nói ở đây là tư tưởng, tư duy, là cách chọn lựa và thái độ hành xử của mình. Lý tưởng cũng như niềm mơ ước của chúng ta phải thực sự hình thành trong tư tưởng, trong sự mong muốn cháy bỏng của chúng ta trước khi biến thành hiện thực qua hành động. Mọi việc chúng ta làm ngày hôm nay đều có sự ảnh hưởng nhất định đến tương lai. Vì vậy chúng ta phải có sự chuẩn bị tư tưởng, lập trường và mục đích rõ ràng ngay hôm nay.

Chắc hẳn tất cả mọi người hiện diện nơi đây, đại gia đình của con đều có chung niềm khát khao, ước mơ nhìn thấy quê hương Việt Nam có được dân chủ và tự do. Nếu một ngày đất nước mình thật sự có tự do dân chủ, con nguyện xin bỏ tất cả, nếu có thể, con sẽ cầm cuốc cùng với người dân mình, trồng những hạt lúa mới trên đất nước thanh bình của chúng ta.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm người Việt rời bỏ quê hương đi tìm tự do, để trưng dẫn thêm về hành trang tư tưởng, con xin chia sẻ một vài suy nghĩ cá nhân, mà theo con, nếu chúng ta không kịp thời xét lại, nó sẽ cản bước trong cuộc hành trình tìm tự do cho đất nước Việt Nam.

Ơn nghĩa và sức mạnh thật sự
Trước hết con muốn nói về chuyện ơn nghĩa và sức mạnh thật sự. Ở đây con không nói về công ơn của những bậc tiền nhân, của ông bà, cha mẹ và của những người đã hy sinh cả cuộc đời cho chúng con có được ngày hôm nay, để được hưởng tự do và biết bao nhiêu quyền lợi cũng như sống hạnh phúc trên đất nước Úc. Ơn nghĩa đó suốt đời chúng con không quên và chúng con cũng sẽ không bao giờ trả hết. Vì ngày nào còn mang ơn thì ngày ấy thế hệ cao niên và thế hế trẻ chúng con còn yêu thương nhau, còn kết chặt, còn gắn bó, còn chung sức để đi suốt chặng đường đấu tranh còn lại cho tự do Việt Nam. Tuy nhiên, có một món nợ ơn nghĩa khác mà theo con, chúng ta cần phải thanh toán sòng phẳng. Đó là món nợ nước Úc đã tiếp nhận và “cưu mang” chúng ta trong suốt 40 năm qua.

Đức tính nhớ ơn của người Việt là một đức tính cao đẹp và chúng ta không phủ nhận việc đề cao vấn đề đền đáp ơn nghĩa. Bốn mươi năm rồi, hầu như hễ có dịp, là chúng ta luôn nhắc đến chuyện mình mang ơn nước Úc. Chúng ta luôn nhắc đến là vì trên thực tế, chúng ta chưa bao giờ trả hết món nợ đó. Thân phận của người thọ ơn lúc nào cũng ở thế yếu kém, cần sự giúp đỡ, không bao giờ ngang hàng được với những người đã ra ơn giúp mình. Vì còn mang ơn quá nhiều, nên chúng ta vẫn chưa thật sự có sức mạnh và ảnh hưởng trên đất nước này. Đối với con, cách trả ơn hay nhất cho nước Úc là bằng chính thành công nỗ lực của chúng ta, đóng góp vào các vai trò lãnh đạo, kinh tế, truyền thông, chính trị Úc. Chỉ khi nào chúng ta có những đóng góp lớn lao, chúng ta nắm quyền chi phối sức mạnh thương mại, tài chính, công nghệ thì lúc bấy giờ chúng ta mới thật sự được nể trọng. Lúc qua sông, thuyền là thứ ta cần nhưng khi đã lên bờ, chúng ta phải bỏ nó lại, chúng ta không thể đội thuyền lên đầu mà tiếp tục lên đường. Nếu không, con thuyền sẽ trở thành gánh nặng cho chúng ta. Cũng như thế, khi chúng ta hoạn nạn, nước Úc giúp chúng ta, chúng ta cần trả ơn cho xong, nếu không, việc mang ơn đó sẽ là mối trở ngại lớn cho việc tạo nên sức mạnh và tầm ảnh hưởng thật sự của người Việt trên đất nước này.

Con xin lấy ví dụ về dân tộc Do Thái. Dân tộc Do Thái là dân tộc có bản năng sinh tồn mạnh mẽ. Họ sống lưu vong suốt 2000 năm, bị các dân tộc khác áp bức, bóc lột nhưng họ vẫn tồn tại, phát triển và đạt được những thành tựu lớn cả thế giới phải kính nể. Như Albert Einstein, người đạt giải Nobel năm 1921 cho những đóng góp của ông về vật lý hoặc gần gũi nhất là Frank Lowy ở Úc, một trong những nhà tỷ phú giàu nhất nước Úc với tổng tài sản hiện nay là khoảng $7.5 tỷ Úc. Chưa kể đến rất nhiều người Do Thái nắm các chức vụ lãnh đạo trong các ngân hàng lớn trên thế giới. Họ hòa nhập vào xã hội mới, họ lao động, họ thành công và khi có ảnh hưởng lớn trong xã hội, họ đủ khả năng thay đổi môi trường xã hội đó theo cách thức họ mong muốn.

Nước Úc và các nước giàu mạnh trên thế giới bắt buộc phải đặt quyền lợi của họ trước chuyện bảo vệ hay tương trợ chúng ta. Hiện giờ, nước Úc cho mình rất nhiều thứ, từ việc cho tiền để chúng ta mua, mướn trụ sở, phát triển các dịch vụ an sinh xã hội trong cộng đồng Việt Nam. Đây là quyền lợi của họ và cũng là quyền lợi của mình. Hai quyền lợi đi chung với nhau thì rất dễ. Nhưng nếu quyền lợi của một VN tự do dân chủ đi ngược lại với quyền lợi của nước Úc thì liệu họ có còn hỗ trợ mình nữa hay không?

Một ví dụ về việc xây cất tượng đài chiến sĩ Úc Việt tại tiểu bang Nam Úc vào năm 2004. Tượng đài chiến sĩ Úc Việt là một hình thức nhắc nhở sự kiện những người lính đồng minh Úc trước đây đã cùng sát cánh tranh đấu với những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Tượng Đài cũng là một cách để ghi nhận sự đóng góp của người Việt tại Nam Úc. Lần đó, chính phủ Liên Bang không ủng hộ việc làm này. Họ cũng không cho tiền chúng ta xây cất tượng đài. Họ bị áp lực từ phía chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Rất may lúc đó, chính phủ Nam Úc ủng hộ chúng ta, họ đã giúp cho mình một khoảng đất tại trung tâm thành phố Adelaide, tất cả phần còn lại là do chúng ta tự bỏ tiền túi mấy trăm ngàn ra để xây. Chúng ta còn sẽ tiếp tục làm được và làm hơn thế nữa! Chúng ta phải luôn tự đặt câu hỏi: Nếu nước Úc bỏ rơi mình, cắt giảm hết mọi chi phí, mình có sống được không? Tìm hiểu một trong những nguyên nhân khiến miền Nam Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ năm 1975 cho con có cảm tưởng, chúng ta thua vì hầu như chúng ta thiếu sức mạnh thật sự, chúng ta thiếu sự đoàn kết trong tư tưởng. Khi các đồng minh ngừng cung cấp vũ khí, lính viện trợ, chúng ta thua cuộc, chúng ta trơ trọi một mình. Người Mỹ khóc lóc thương tiếc cho năm mươi mấy ngàn lính Mỹ của họ nhưng không biết họ có thật sự xót xa đau buồn cho mấy triệu người dân Việt Nam của mình không? Chúng ta không thể quá tin tưởng vào bất cứ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài mà quên đi sức mạnh của toàn dân Việt Nam, vì đó mới chính là sức mạnh thật sự của chúng ta.

Làm chính trị – Tham chính và lập trường chính trị
Có một tư tưởng nữa mà con muốn chia sẻ. Phải nói, đây là lời thú tội của con vì trong quá khứ con đã vấp phạm. Hồi đó, nếu có ai hỏi con có làm hay biết gì về chính trị không? Con phản ứng rất nhanh không cần suy nghĩ: “Không, cháu không làm chính trị, cháu không biết gì về chính trị hết”. Lúc đó con rất tự hào là mình đã trả lời câu nói một cách khôn ngoan, mình giữ được thái độ trung lập, không đảng phái, quá an toàn cho bản thân. Bây giờ nhìn lại, con mới nhận ra đó mới chính là một câu trả lời chính trị, một câu trả lời ích kỷ, chỉ nghĩ đến sự cầu an cho bản thân. Tư tưởng của con lúc bấy giờ không khác gì là nghoảnh mặt làm ngơ, chối bỏ quyền lợi của dân tộc, vong ơn cả với đất nước mình đang sống, nơi con đã hưởng biết bao quyền lợi của một thể chế chính trị tốt đẹp. Lời nói và thái độ đó không khác gì phó mặc và đem hai tay dâng hiến dân tộc, đất nước cho những kẻ xấu. Như cố mục sư Martin Luther King đã từng nói: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt” .

Sau này con tìm được định nghĩa của hai từ chính trị mà con rất tâm đắc: “Chính trị là nghệ thuật vươn tới lãnh đạo dân tộc, xây dựng, củng cố và phát triển đất nước, mang lại sự tốt đẹp cho quốc gia dân tộc. Thể chế chính trị của một quốc gia định đoạt số phận hiện tại và chi phối cả tương lai của một quốc gia, trong đó có quyền lợi thiết thực của người dân sống trong quốc gia đó. Vậy có nghĩa là nếu người dân không quan tâm đến chính trị, tức là người dân tự phó mặc số phận của mình cho nhà cầm quyền muốn làm gì thì làm, phó mặc mọi sai lầm, áp bức, bất công, kể cả sự sỉ nhục cứ áp đặt lên đời sống hôm nay và tương lai của mình và của cả một dân tộc.”

Vậy, chính trị là một điều cao quý, đáng được chúng ta tự hào dấn thân vào việc làm chính nghĩa này. Con xin mạn phép giải thích thêm hai chữ chính trị với các bạn trẻ: chính trị có hai hình thức khác nhau. Một là tham chính, hai là lập trường chính trị. Ví dụ như các bạn tích cực tham gia vào một đảng phái chính trị nào đó mà các bạn thích, hoặc trở thành bộ trưởng, dân biểu, thượng nghị sĩ … thì gọi là tham chính. Tuy nhiên, nếu các bạn muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư hay bất cứ ngành nghề nào khác và không thích tham chính thì cũng không sao, nhưng các bạn không thể không có tư tưởng, suy nghĩ hay quan điểm chính trị. Khi các bạn đi bầu cử, biết phân biệt đúng sai về các đường lối chính sách của đất nước, biết phê bình hay dở và ít nhiều quan tâm đến tình trạng đất nước thì đó là có lập trường chính trị. Về tình hình Việt Nam, chúng ta đã biết Cộng Sản là xấu, là ác, là giả dối nhưng khi ai hỏi tới, chúng ta không nói được ít nhất hai chữ ‘giả dối’ đối với Cộng Sản Việt Nam thì chúng ta phải cần tự xét lại. Nếu người ngoại quốc nhìn vào hàng trăm, hàng ngàn người Việt Nam trả lời như con trước đây thì chính nghĩa của chúng ta nằm ở đâu? Chúng ta là ai? Ai sẽ sống chết cho quê hương Việt Nam thay chúng ta?

Chúng ta đừng đánh giá thấp thái độ hay việc làm của chúng ta. Chỉ cần mỗi người góp một chút thôi hay có lập trường rõ ràng về chính trị hoặc tham chính là chúng ta đã góp sức mọn để ‘rao giảng chân lý, sự thật’ và giúp cho dân tộc VN sớm ngày thoát ách Cộng Sản. Hiện nay, nước Việt Nam có 90 triệu dân, chỉ cần chấm dứt chế độ Cộng Sản sớm một ngày thì chúng ta sẽ bớt được 90 triệu ngày đau khổ cho người dân. Chế độ Cộng Sản còn tồn tại thêm một ngày, thì người dân phải hứng chịu thêm 90 triệu ngày chìm trong bể khổ.

Sợ hãi
Để kết thúc bài chia sẻ này, con xin kể một câu chuyện về sợ hãi. Như chúng ta biết, sợ hãi đã làm thay đổi thế giới, giết chết niềm tin, hy vọng và lạc quan. Lòng người tan rã vì lo sợ.
Chuyện thần thoại Ả Rập kể rằng:
Một hôm dịch tả gặp đoàn thương gia tiến về thủ đô Bát-đa. Người dẫn đầu đoàn xe hỏi hắn:
– Dịch tả đi đâu mà vội vàng thế?
Dịch tả trả lời ngắn gọn:
– Ta về Bát-đa giết hại năm ngàn mạng người.
Vài ngày sau đó, trên đường từ Bát-đa trở về, đoàn thương gia lại gặp dịch tả. Người hướng dẫn đoàn tức giận mắng hắn:
– Nhà ngươi nói rằng chỉ giết hại có năm ngàn người, vậy mà bây giờ con số người chết tại bát-đa lên đến năm chục ngàn. Nhà ngươi thật dối trá.
Dịch tả ôn tồn trả lời:
– Không, ta nói thật. Ta chỉ giết có năm ngàn người không hơn không kém. Chính là nỗi lo sợ đã giết chết số người đông đảo còn lại đó.

Câu chuyện thần thoại cho ta thấy ‘sợ hãi’ không thể giết chết chúng ta. Điều giết chết chúng ta là những gì từ trong tư tưởng mà ra. Mấy đêm trước khi con soạn bài nói chuyện này, con cũng rất sợ. Con sợ những gì con nói sẽ không được mọi người đón nhận và thương mến con. Nhưng con tự nghĩ, con là con cháu của Vua Hùng, của Lý Lê Trần, của Hai Bà Trưng..tất cả mọi người ở đây cũng giống như con, đều là con cháu của Quang Trung. Chúng ta có một sợi dây vô hình liên kết chúng ta lại, đó là tình yêu thương của giống nòi. Nếu đứng trước nguy cơ diệt chủng, tình yêu thương đó chắc chắn sẽ được bộc lộ một cách rõ rệt hơn nữa. Vậy thì đứng trước đại gia đình của con, cớ gì mà con phải sợ nói lên những điều mình nghĩ.

Muốn tranh đấu cho một lý tưởng cao đẹp, ta phải tìm thấy sự bình an trong chính nghĩa và tin tưởng vào con đường chân lý mình đi. Nếu bỏ cuộc nửa chừng là vì chúng ta chưa đủ niềm tin, chưa đủ thiết tha và sẵn sàng chết cho lý tưởng của mình. Tình yêu thật sự không biết đến sợ hãi. Có một câu nói của Thánh Nhân: “Tình yêu không biết sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo.”

Một trong những bài diễn văn nổi tiếng nhất của thế kỷ XX là bài diễn văn của Cố Mục Sư Martin Luther King, người đã bị giết hại năm 1968 vì tranh đấu cho quyền bình đẳng của người da đen tại Hoa Kỳ: “Tôi có một giấc mơ, tôi mơ rằng một ngày nào đó mọi thung lũng đều được bạt đi, những nơi cong queo sẽ được làm cho bằng phẳng, và những chỗ ngoằn ngoèo sẽ được kéo cho ngay thẳng”.

Tổng thống Abraham Lincoln đã bị sát hại vì lý tưởng dân chủ và bình đẳng. Cố mục sư Martin Luther King cũng cùng chung số phận. Tổng thống Nelson Mandela đã phải trải qua 27 năm tù vì tranh đấu cho tự do và bình đẳng. Những con người này không chỉ có những lời nói để thuyết phục mà họ còn nói bằng chính mạng sống của mình. “Tự do tôn giáo hay là chết”, hoặc “tự do dân chủ hay là chết”. Những người dám giương cao những khẩu hiệu như thế trong một chế độ độc tài, chối bỏ tất cả những quyền tự do cơ bản con người thật đáng được chúng ta noi theo. Nói như TổngThống Nelson Mandela: “Ðó là một lý tưởng mà nếu cần tôi sẵn sàng chết cho lý tưởng đó “. Thật ra, đó không chỉ là lý tưởng mà còn là một đòi hỏi của ơn gọi làm người Việt Nam. Sống cho sự thật, sẵn sàng chết cho sự thật! Không uốn cong lưỡi để cầu thân nịnh bợ, không thỏa hiệp để được chút đặc ân hay không dễ dãi, dối trá để cho xuôi thuận công việc. Nếu muốn sống như thế thì có khác gì là chết trong dai dẳng, nhọc nhằn rồi còn gì nữa!

Tuổi trẻ trong nước đã hy sinh mạng sống vì lý tưởng tự do dân chủ cho Việt Nam. Hỡi tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại, chúng ta còn sợ, còn chần chờ gì nữa! Chuyến đi của cuộc đời chúng ta rồi cũng có lúc sẽ kết thúc. Nếu có sợ, thì chỉ sợ trước khi nhắm mắt, chúng ta đã chưa từng dám sống cho sự thật và lý tưởng để rồi không còn ai trên mặt đất này biết đến tinh thần bất khuất của giống nòi, của những người Việt Nam máu đỏ da vàng!

Teresa Trần Kiều Ngọc

No comments:

Post a Comment