Sunday, February 8, 2015

ĐÓNG TIỀN THẾ CHÂN - PT Nguyễn Mạnh San


Nhiều người trong chúng ta và kể cả nhiều người bản xứ đều không mấy quan tâm để hiểu rõ vấn đề đóng tiền thế chân cho người thân lỡ phạm pháp được toại ngoại hầu tra. Ngoại trừ có một thiểu số rất ít người khi phải đụng chạm đến vấn đề pháp lý như uống rượu say lái xe bất cẩn để gây ra tai nạn, đánh đập gây thương tích trầm trọng cho người khác, hành hung nhân viên công lực v.v… mới hiểu rõ vấn đề này.

Khi một người nào vi phạm luật lệ công cộng bị bắt quả tang hoặc phạm tội trọng hình đều bị đưa vào trại giam trước tiên trong vòng từ 24 tiếng đồng hồ, trong khoảng thời gian bi tạm giam, nếu can phạm muốn được thả về nhà để được tại ngoại hầu tra chờ ngày ra tòa xử thì can phạm cần đóng một sồ tiền thế chân nhiều hay ít còn tùy vào quyết định của quan tòa.

Hầu hết trong rất nhiều trường hợp can phạm không thể có đủ khả năng tài chánh để đóng đủ số tiền thế chân do quan tòa ấn định nên các can phạm phải nhờ qua trung gian những cơ quan tư nhân chuyên môn về Đóng Tiền Thế Chân Có Môn Bài hoặc qua những cá nhân có giấy phép hành nghề này (Bailman hoặc Bondman) để được phép tạm tại ngoại hầu tra chờ ngày trình diện trước phiên xử. Chẳng hạn như bị can phải đóng 2 ngàn đồng tiền mặt để đóng thẳng cho tòa, sau này can phạm được tòa xử tuyên bố trắng án thì số tiền 2 ngàn đồng đóng trước đây của can phạm sẽ được Tòa bồi hoàn lại đầy đủ cho can phạm, nhưng ngược lại nếu can phạm không đủ số tiền 2 ngàn đồng để đóng thế chân, can phạm có thể nhờ qua trung gian những cơ quan hay những cá nhân có giấy phép hành nghề đóng tiền thế chân lo liệu cho can phạm được thả về nhà tại ngoại hầu tra. Muốn được như vậy can phạm cần phải đóng cho những cơ quan ấy hay những cá nhân có giấy phép hành nghề đóng tiền thế chân một số tiền nhỏ được tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng số tiền 2 ngàn đồng thế chân cũng do vị quan tòa phán quyết. 

Chẳng hạn như quan tòa quyết can phạm phải trả 30 phần trăm của số tiền 2 ngàn đồng thế chân thì can phạm phải trả 30 phần trăm của số tiền 2 ngàn đồng thế chân thì can phạm phải nạp 600 cho cơ quan hay cá nhân hành nghề trung gian này và lẽ dĩ nhiên 600 coi như mất tiêu, dù sau này đến tòa can phạm có được xử trắng án đi nữa, can phạm cũng không lấy lại được số tiền thế chân đó, số tiền tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng số tiền thế chân nhiều hay ít cho cơ quan hay cá nhân trung gian trong các dịch vụ này đều tùy thuộc vào quyết định tối hậu của quan tòa. Vậy chúng ta nên nhớ rằng tiền thế chân đóng thẳng cho tòa án thì lấy lại được nhưng tiền thế chân đóng cho các cơ quan hay cá nhân trung gian thì hoàn toàn không bao giờ lấy lại được cả. Rất ít mấy ai có đủ số tiền thế chân để đóng thẳng cho tòa nhất là trong những vụ án trọng hình.

Nói tóm lại dù muốn dù không nếu ai có thân nhân ở trong hoàn cảnh lỡ phạm pháp vì bất cứ một lí do gì mà bị bắt đưa về nơi tạm giam, việc đầu tiên là thân nhân của bị can hãy nên cố gắng đóng tiền thế chân sớm chừng nào tốt chừng ấy để bị can được phép thả về nhà chờ ngày ra tòa trình diện trước phiên xử, hành động như vậy là điều hết sức khôn ngoan và thiết thực nhất; bằng không bị can có thể sẽ lãnh một hậu quả tai hại, hết sức bất lợi như câu chuyện xảy ra sau đây:

Một hôm có một cậu thanh niên gọi điện thoại cho tôi từ một trại tạm giam nhờ tôi liên lạc gấp với cha mẹ cậu để yêu cầu cha mẹ cậu mang 400 đồng tiền đến đóng tiền thế chân cho cậu được tại ngoại hầu tra. Cậu kể cho tôi nghe là cậu bị cảnh sát bắt về tội say rượu lái xe bất cẩn đụng vào một xe khác nhưng không gây thương tích cho ai. Ngay sau khi tiếp xúc với thanh niên này xong, tôi liền liên lạc trực tiếp với cha mẹ cậu để chuyển đạt những lời yêu cầu của cậu. Cha mẹ cậu nghe xong tỏ vẻ hết sức tức giận cậu và nhất quyết không chịu đem tiền đến lãnh cậu ra ngay. Cha mẹ cậu nói với tôi là cứ để cháu nó nằm đó một ít ngày nữa cho cháu nó biết thân phận.

Tới hai ngày sau cha mẹ cậu mới mang tiền đến đóng tiền thế chân cho cậu ta. Nhưng khi đến đón cậu thì người cậu trông tiều tụy, hom hem không nhận được ra cậu và chân nọ đá chân kia cậu đi không vững. Cha mẹ cậu phải chở cậu đi bác sĩ khám bệnh ngay. Sau này hỏi ra nguyên nhân là tại sao tình trạng cậu lại như vậy thì được cậu kể cho nghe là cậu bị tạm nhốt chung với một số bị can khác trong một căn phòng chật hẹp. Đêm đầu cậu bị hai tên can phạm to con, lực lưỡng như 2 cột nhà cháy, thấy cậu bé nhỏ trắng trẻo sạch sẽ, một tên tiến lại gần cậu nhe hàm răng trắng hếu, cười hô hố phun cả nước bọt lên mặt cậu, rồi bế bổng người cậu lên tung cho tên kia bắt, tung qua tung lại nhiều lần hai tên này coi cậu như trái banh. Đêm thứ hai một tên cũng trong hai tên đó từ từ tiến sát lại cậu, ôm chặt lấy người cậu và để cho tên kia lột hết quần áo cậu ra, rồi thay phiên nhau đè cậu xuống làm tình. Cậu la hét kêu cứu ầm ĩ lên, mãi nửa tiếng đồng hồ sau mới có nhân viên giám thị đến can thiệp. Lúc đó cậu đã gần ngất xỉu và tưởng như mình đang hấp hối chờ chết.

Cách đây ít lâu có một can phạm ở tù mấy tháng vừa mới được thả ra đến văn phòng gặp tôi và tâm sự rằng đương sự đã từng trải qua một ít ngày ở trại tạm giam rồi sau đó mới được tống vào nhà tù còn sung sướng gấp mấy ngàn lần sống 1 ngày ở trại tạm giam. Vì ở nhà tù họ nhốt các can phạm riêng biệt theo từng tội nặng nhẹ: còn ở trại tạm giam các can phạm bị nhốt chung với nhau đủ thành phần trong xã hội, không phân biệt loại tội phạm và chính đương sự cũng bị nếm mùi y như trường hợp của cậu thanh niên vừa kể trên. Đương sự còn nhấn mạnh thêm ngày nào đương sự còn sống trên trần gian này, đương sự sẽ không bao giờ có thể quên được cơn ác mộng kinh hoàng ở trong trại giam …!

PT Nguyễn Mạnh San

No comments:

Post a Comment