Tuesday, March 25, 2014

Cuộc Di Cư Lớn Nhất Của Cá Hồi Đỏ Trong 100 Năm - Bài Thơ Cảm Tác "Về Nguồn" của BS Hòang Ngọc Khôi (Toronto)


Khoảng 15.000 người đã đổ về tỉnh British Columbia của Canada để chứng kiến một trong những hiện tượng bí ẩn của tự nhiên: cuộc di cư khổng lồ của cá hồi đỏ, được cho là lớn nhất trong 1 thế kỷ trở lại đây.

Dự kiến, khoảng từ 6-8 triệu con cá hồi đỏ sẽ di cư tới sông Adams thuộc khu vực Shuswap của tỉnh British Columbia trong năm nay và đây được xem là cuộc di cư lớn nhất của cá hồi đỏ kể từ năm 1913.

Cá hồi đỏ là một trong các loại cá sống ở nước mặn và sinh sản ở nước ngọt. Cá hồi đỏ thường đẻ trứng trong vùng nước nông trên sông Adams vào tháng 10 hàng năm. Sau khi phát triển trong vùng nước ngọt khoảng 1 năm, những con cá nhỏ nở ra từ trứng sẽ di cư ra biển và sống ở đó khoảng 3 năm rồi quay trở lại chính nơi chúng được sinh ra.

Loài cá hồi khi di chuyển định hướng bằng mùi. Mỗi con cá nhớ đều nhớ mùi của dòng sông nơi nó sinh ra. Khi di chuyển qua đại dương trở về con sông sinh sản, con cá sẽ tìm thấy đường của nó một cách hoàn toàn bản năng vì mùi vị thân quen càng gần càng trở nên rõ rệt.

Khi vào lại vùng nước ngọt, cá hồi sẽ không ăn và chuyển sang màu đỏ sáng.

Cá hồi có khả năng bơi ngược sông, vượt qua các dòng nước chảy xiết trong hành trình dài gần 500km từ biển tới sông Adams. Sau khi đã trở về nhà, chúng đẻ trứng rồi cuối cùng kiệt sức và chết. Trứng sau đó nở ra con non và con non lại hành trình ra biển.

Hiện tượng di cư bí ẩn của cá hồi luôn thu hút sự quan tâm của du khách đến với sông Adams. Tại công viên Roderick Haig-Brown cạnh sông Adams - địa điểm quan sát cá hồi đẻ trứng tốt nhất, bầu không khí tại khu vực vốn yên tĩnh này đã trở nên nhộn nhịp giống lễ hội đường phố.

Brian Riddell, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Quỹ cá hồi Thái Bình Dương, gọi cuộc di cư khổng lồ lần này là “điều bất ngờ thú vị” khi số cá hồi đỏ di cư nhiều gấp đôi so với dự đoán trước đó.

Với việc Bộ Nghề cá và Đại dương Canada đã cho phép các ngư dân thương mại đánh bắt 13,6 triệu cá hồi trong năm nay, chưa kể lượng cá do các nhóm khác đánh bắt, ông Riddell ước tính khoảng 7-8 triệu cá hồi, hơn nửa số đó là cá cái, sẽ trở về sông Adams trong mùa đẻ trứng năm nay, kéo dài hết tháng 10.

Cuộc di cư của cá hồi đỏ trên sông Adams:

Hàng triệu cá hồi đỏ di cư tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục.

Cá hồi nhuộm đỏ nước sông.




Rất đông du khách tới chiêm ngưỡng hiện tượng bí ẩn.







Cá hồi chết sau khi đẻ trứng.





Sưu tầm

Và dưới đây là bài thơ cảm tác của bác sĩ Hòang Ngọc Khôi Toronto sau khi đọc bài sưu tầm này

VỀ NGUỒN

            Nước đi ra biển lại mưa về nguồn
                        Tản Đà


Giữa một đêm trăng sáng
Biển lung linh ánh vàng
Cá Hồi nhìn mây nước
Man mác tình hoài hương.

Quê xưa xa vạn lý
Miền tây bắc hoang vu
Núi đồi thơm ngào ngạt
Hương dị thảo, kỳ hoa.

Tiếng suối reo róc rách
Gió rừng ru rì rào
Đã ngấm cùng xương tuỷ
Nhớ da diết làm sao!

Cá đâu tuồng sôi nổi?
Từ bỏ chốn ấm no
Đã từng đêm thao thức
Nẻo về thật gay go:

Bao kẻ thù rình rập
Gấu, sấu, sói, diều hâu...
Chưa kể bao đập chắn
Người thả lưới, buông câu...

Cá đâu phải đơn độc?
Hạ quyết tâm về nguồn
Cả triệu triệu đồng loại
Rủ nhau tìm cửa sông.

Này họ Vương dẫn lối
Nọ họ Cẩu đưa đường
Kià họ Hồng, họ Bướu
Thêm họ Ngân đủ năm.

Ngược sông rồi...ngược suối
Vượt hết thác... tới ghềnh
Tuy nhất sinh thập tử
Vẫn quẫy đầu nhẩy lên.

Bầy cá chỉ dừng lại
Khi tới ngọn nguồn xưa
Vào đúng mùa trăng mật
Kỳ mãn nguyệt khai hoa.

Lòng cá vui biết mấy
Giữa suối ngọt, nước trong
Ngắm đàn con bé bỏng
Đùa rỡn lội tung tăng.

Cá sinh xong kiệt lực
Nằm lả chờ chết thôi
Mừng bầy con khôn lớn
Bơi xuôi nguồn ra khơi.

          *****
Cá Mẹ như... Người Mẹ
Tình nghiã như...nước nguồn
Một đời...một Lẽ Sống:
Hy sinh cho đàn con...

          Số lượng cá hồi tại một cửa sông có khi lên tới gần hai chục triệu , như taị vịnh Bristol có năm người ta bắt được tới bốn chục triệu cá. Cá Hồi có năm loại như kể trên. Cá Hôì về tới nguồn, đẻ con xong là kiệt lực nằm chờ chết tha hồ cho các muông thú ăn thịt. Cá con lớn lên lại ra khơi rồi lại về nguồn như cha mẹ chúng, tạo thành một vòng luân hồi.

No comments:

Post a Comment