Sunday, November 17, 2013

Về Phương Trời Cũ (Chương 19)

Chương 19

Giai đoạn đầu để hợp thức hóa một cuộc tình là lễ đính hôn, một tập tục bất di bất dịch tự ngàn đời.  Không một cuộc hôn nhân nào được chính thức công nhận khi không có đủ những hình thức lễ nghi dù rằng những nghi thức ấy chỉ có giá trị về mặt đạo lý xã hội chớ không giá trị gì trong phạm trù tình yêu.  

Và, trong lúc chàng về quê mời các bậc trưởng thượng bên gia đình chàng đến chứng hôn, trong lúc nhà cô đang bận rộn sắm sang lễ vật, mời mọc họ hàng, và giữa lúc cô đang vui vì đã thỏa mộng ban đầu thì Khải lại xuất hiện trở về, như chuyện một người lính trận miền xa trở về thăm người yêu của mình vào đúng ngày nàng vu quy trong vở kịch “Thu sầu” của ban kịch Túy Hồng. Cô thì chưa vu quy nhưng cũng gần như thế.  Khải là người từ ngàn dặm trong vở kịch đã về mang nỗi sầu đến với cô.  Phải chi Khải đối với cô chỉ là bằng hữu sơ giao, phải chi cô không mảy may có cảm tình gì với Khải thì cô đâu phải ưu tư bận lòng.

Khải đến thăm cô lúc cô đang gói giấy đỏ những quà vật để chàng làm sính lễ cho ngày đính hôn mai này.  Những lễ vật đó đáng lý ra là phải được chuẩn bị và mang đến từ phía nhà trai nhưng chàng như một con chim trong cái trứng vừa nở, có biết gì đâu là lễ nghi phiền toái sự đời.  Thế nên gia đình cô phải lo toan, sắp xếp cho chàng mọi việc cho đúng lễ đúng đời để không thẹn mặt thẹn lòng với khách khứa gần xa.  


Đang ở nhà sau nghe có tiếng gõ cửa, cô vội chạy lên coi ai.  Khải hiện ra sừng sững trước mặt cô với nụ cười Benhur xưa nhắc cô một thuở học trò vang bóng khiến cô đứng lặng bàng hoàng.  Khải đã về thăm cô rồi đây như trong lá thư sau cùng đã hẹn.  Bao năm trời không gặp, Khải không khác xưa mấy, chỉ thêm chút già dặn và nét rắn rỏi phong sương của người trai nơi quân trường.  Qua giây phút ngỡ ngàng xúc động, cô mời Khải vào nhà.
Khải bước vào nhìn quanh, giọng vui tươi thân mật:
          - Kim có nhận được lá thư anh viết cách nay độ hơn tháng nói sẽ về thăm Kim hay không?
Cô lặng lẽ gật đầu.  Khải lại hỏi:
          - Chắc Kim không ngờ là hôm nay anh về đâu nhỉ?
Cô lắc đầu rồi kéo ghế mời Khải ngồi, mọi cử động chẳng khác gì là một cái máy.
          - Anh chỉ nói là anh sẽ về nhưng không nói là ngày nào là vì anh muốn dành  cho Kim một sự ngạc nhiên bất ngờ.  Quen Kim từ khi chung học, biết nhà Kim đã lâu mà có bao giờ anh dám tới đâu vì sợ rằng Kim không chịu tiếp anh hoặc chỉ gượng gạo miễn cưỡng, nhưng bây giờ thì anh không thể không tới được vì những lá thư của Kim đã gieo vào lòng anh một niềm hy vọng to lớn, đã thúc giục anh và giúp anh dạn dĩ hơn.
Ngừng lại ngắm nghía cô giây lát, Khải lại tiếp:
          - Lâu ngày không gặp, thấy Kim chẳng có gì thay đổi, cũng dịu dàng trầm lặng và cũng chẳng lớn hơn được tí nào.  Còn anh, Kim thấy anh thế nào, nói cho anh biết đi, sao Kim có vẻ thẫn thờ quá vậy?
Thấy không thể làm thinh mãi, bất đắc dĩ cô phải lên tiếng:
          - Anh đã thành một người lớn hoàn toàn,  lại thêm “sắt thép” nữa, nhứt là trong bộ quân phục sinh viên sĩ quan này, không còn một chút gì là bạch diện thư sinh của thuở còn đi học.
Khải cười có vẻ đắc ý với lời nhận xét của cô:
          - Nhớ hồi đi học ghê Kim nhỉ?  Hồi đó anh làm trưởng lớp, Kim làm phó, mỗi lần tổ chức lễ lạc gì cho lớp, hai đứa mệt đừ nhưng mà vui.  Đã hơn bốn năm rồi còn gì, bây giờ anh phải là người lớn chớ sao, người lớn để gánh vác việc nước việc nhà.  “Sắt thép” là sắt thép đối với ai chớ gặp Kim thì cũng phải tan phải chảy  thôi.  Kim nè, anh về thăm Kim và định nói với Kim một chuyện nhưng để anh chào hai bác trước đã, nãy giờ gặp Kim mừng quá cứ lo nói chuyện mà thành vô lễ.  Ba má có nhà không Kim?

Cô thầm kêu khổ trong lòng.  Khải muốn nói gì đây, nói gì thì cũng đã trể mất rồi.  Nhìn Khải vui tươi nói cười mà cô nghe lòng xốn xang bứt rứt.  Làm sao cô có can đảm nói cho Khải biết là cô sắp lấy chồng.  Chắc cô phải cầu cứu má thôi.  Cô yếu ớt trả lời Khải:
          - Ba Kim đi làm, chỉ có má ở nhà, để Kim vào trong lấy nước cho anh và mời má ra cho anh gặp.
Cô đi vào bếp làm cho Khải ly nước chanh và nói với má:
          - Má à, chắc má cũng biết cái chuyện thư từ qua lại giữa con với Khải lúc trước.  Hôm nay Khải về thăm với ý định bày tỏ gì đó, sẵn anh ta muốn gặp má, con nhờ má lựa lời nói với anh ta là con đã có nơi dạm hỏi, nói cho anh ta biết là ông thầy cũ của con đã về hỏi cưới con để anh ta đừng hy vọng gì nữa.
Má chật lưỡi lắc đầu:
          - Con sao, hết chuyện này đến chuyện nọ.  Người đến rồi người đi, người đi rồi người lại đến, sanh con gái thật là phiền.  Con làm sao mà chồng tương lai của con hay được ghen tương lên rồi khổ nữa đó.
Cô vừa đẩy má đi tới vừa bào chữa:
          - Thôi mà, ảnh là người hiểu biết mà ghen tương gì.  Tại ảnh nói ảnh không về thì con có quyền chọn người khác chớ.  Nhưng mà con với Khải chưa có gì đâu, con chỉ tội nghiệp anh ta thôi, má đừng lo.  Thôi má ra đi, đừng để người ta kéo dài hy vọng.

Cô bưng ly nước cùng má đi ra.  Đặt ly lên bàn, mời Khải xong, cô lui vào bên trong đứng sau bức màn theo dõi sự việc.
Khải đứng lên lễ phép nói:
          - Xin chào bác, con đến nãy giờ mà chưa có dịp chào bác thật có lỗi.
Má tươi cười khoác tay:
- Lỗi phải gì, cậu cứ tự nhiên, cậu về hồi nào vậy?
- Dạ mới về tới chiều hôm qua.
- Chà từ Đà Lạt về đây cũng phải mất hai ngày đường, xa dữ à!  Cậu nghỉ phép được bao lâu?
- Dạ một tuần, nhưng lộ trình đã chiếm mất bốn ngày nên coi như chỉ còn được ba ngày ở nhà đi thăm bà con và bạn bè.
- Lâu lâu mới có dịp về mà không ở chơi lâu được thật cũng đáng tiếc.  Tôi có nghe Kim nhắc về cậu.  Cậu là bạn học cũ của nó đó mà?
- Dạ đúng vậy, con học chung với Kim năm đệ tam, đến năm đệ nhị con chuyển sang ban toán.  Tuy học chung chỉ có một năm nhưng cũng đủ để con cảm mến Kim, xa nhau mấy năm rồi mà con vẫn không quên được. 
Má có vẻ ái ngại trước sự bày tỏ của Khải, muốn vào đề mà chẳng phải biết mở miệng làm sao.
- Uống nước đi cậu.  Con nhỏ này làm nước chanh ngon lắm, chua thật chua mà  cũng ngọt thật ngọt và mát thật mát.  Cậu dùng thử đi.
- Dạ, cám ơn bác.
Khải cầm chiếc muỗng khuấy nhẹ ly nước, bưng lên uống một ngụm dài rồi để ly xuống với lời tán dương nhận xét:
          - Ngon đặc biệt thật, cũng giống như bản chất của Kim vậy, cái gì cũng tinh tế đậm đà khiến cho ai có dịp tiếp xúc qua cũng đều có ấn tượng sâu sắc khó quên.
Má gật gù thở ra :
          - Ờ hình như vậy.  Mà cậu để ý đến nó làm gì, con người nó chỉ được có cái tỉ mỉ, có ý tứ chớ có giỏi giang gì bằng ai đâu.  Lúc cậu học chung với nó chắc cậu cũng biết không nhiều thì ít cái chuyện tình cảm lăng nhăng giữa nó với ông thầy nó chớ gì.
Khải nhíu mày không đoán được má hỏi thế với ý  gì nên trả lời một cách dè dặt :
          - Dạ con cũng biết sơ sơ…
Má thở dài ngập ngừng một chút rồi mím môi cương quyết bắn ra mũi tên :
          - Còn tôi thật khổ, tôi không hay biết gì cả, nếu biết thì tôi đã khuyên ngăn nó từ đầu.  Đợi đến chừng ông thầy nó đi rồi nó mới thú thật là nó thương ông thầy nó.
Nghe đến đây Khải buồn bã cúi  mặt với dáng điệu khổ sở.  Mũi tên tiếp tục lao tới :
          - Nó nói ông thầy nó lúc ra đi có hứa hẹn trở về nên nó đợi chờ hy vọng.  Tôi nghĩ con mình đã lỡ thương người ta mà cấm cản thì chỉ làm khổ nó thôi nên tôi phải chìu theo ý nó.  Được đâu một thời gian, không hiểu sao ông thầy nó đổi ý, gởi cho nó một lá thư nói rằng ông ta không thể về được, bảo nó đừng đợi đừng chờ gì nữa khiến nó quá thất vọng buồn rầu.  Sau đó bất ngờ nó nhận được thư cậu, chỗ bạn bè cũ dù sao cũng có chút cảm tình nên nó đã hồi âm cho cậu, đâu hay rằng gia đình cậu đã kén chọn cho cậu một người. Mãi đến khi người con gái đó đến tìm nó thì nó mới vỡ lẽ ra và do đó nó mới chấm dứt liên lạc với cậu.
          - Xin lỗi bác cho con ngắt lời.
Khải hấp tấp lên tiếng chận lời má :
          - Con có biết chuyện Quyên đến tìm Kim cho nên hôm nay con mới về đây để dàn xếp êm đẹp với Quyên và mong được tiến xa hơn nữa với Kim như ước vọng của con từ lúc còn đi học thưa bác.
Má nói như một cú sét giáng vào đâu Khải :
           - Nhưng rất tiếc đã muộn mất rồi cậu à.  Nửa tháng trước đây, ông thầy nó bất ngờ trở về xin kết hôn với nó.  Nó đã gật đầu ưng thuận và ngày mai này là lễ đính hôn của tụi nó.  Nó nghĩ rằng người xưa còn thương tưởng tìm về, dù sao cũng là người nó thương, dù sao cũng đã nặng tình.  Còn với cậu thì tình cảm chưa có gì là sâu đậm, lại nữa cậu đã có người thương yêu nên nó cũng ưng người cũ của nó cho xong để không ai lở dở, không ai khổ sầu.
Khải nói như khóc, cô đứng sau bức màn cũng nghe mắt mình cay cay.
          - Khổ chớ bác, con là người đau khổ đây nè.
Má cũng mủi lòng nhưng cố khuyên lơn :
          - Chẳng qua cũng tại duyên nợ với số phần.  Nếu biết con người không ai có thể cãi lại số mệnh thì cậu đừng buồn khổ mà chi.  Cậu với nó không duyên không nợ thì có thương bao nhiêu cũng không làm sao sum họp cậu à.

Khải ngồi bất động lặng thinh.  Má nhận thấy nhiệm vụ của mình đã xong, có ngồi lại cũng bằng thừa nên đứng dậy đi vào trong, Khải đâu cần chi những lời an ủi thương hại trong lúc này.  Thà để Khải ngồi một mình yên tịnh có lẽ Khải còn dễ chịu nhẹ nhàng hơn.
Cô bước ra đến bên Khải cất giọng u buồn :
          - Anh hãy quay về với Quyên đi.  Quyên thương anh hết lòng, đừng phụ rẫy Quyên tội nghiệp.  Câu chuyện tình của người con gái học trò năm xưa đến đây đã kết thúc, kết thúc một cách êm đẹp nên đã để hận sầu cho anh.  Kim rất tiếc và ân hận vô cùng đã lôi kéo anh vào cuộc tình đó để giờ đây anh phải đau phải khổ, để Kim mai đây dù hạnh phúc bên chồng cũng còn mãi trong lòng nỗi áy náy không nguôi .
Khải nhìn cô nghẹn ngào :
          - Bao nhiêu tình, bao nhiêu mộng, tôi định về đây nói với Kim thật nhiều nhưng bây giờ thì tôi không còn cơ hội và không được quyền nói gì nữa cả.  Trời ơi!  Sao tôi cứ là kẻ đến sau, cứ mãi mãi là thằng học trò phải nhường bước ông thầy.  Ngày xưa, muốn nói với Kim một tiếng yêu thì thầy đã yêu Kim mất, giờ đây định nói với Kim chuyện trăm năm thì người ta cũng đã bắt đầu với Kim chuyện trăm năm ấy rồi.  Không ngờ ngày đầu tiên gặp lại sau bao năm trời xa cách cũng là ngày vĩnh viễn chia ly.  Mỉa mai thay!  Người tôi yêu rồi đây là vợ của thầy, sau này nếu còn gặp lại tôi phải gọi bằng sư mẫu.

Cô cúi mặt nghe lòng ray rứt, biết nói gì đây cho Khải bớt cay đắng thương tâm.  Biết nói gì đây khi chính cô là kẻ gây cảnh phũ phàng.
          - Đã vậy rồi thì tôi không còn lý do gì để ngồi lại đây nữa.  Thôi cầu chúc Kim trọn đời hạnh phúc bên người trong mộng của Kim.  Cho tôi gởi lời chào bác tôi về.  Ngày cưới nhớ gởi cho tôi cánh thiệp để tôi dù không về được, ở phương xa tôi cũng sẽ nâng ly chúc mừng, mừng ngày hạnh phúc của người tôi yêu.  Cám ơn Kim ly nước chanh lúc nãy. Nếu hôm nay tôi không mất Kim, nếu tôi còn được uống mãi những ly kế tiếp thì ly nước chanh đó quả là một ly nước ngon nhứt trên đời.  Nhưng tiếc thay, chất ngọt chất mát trong đó đã có người tận hưởng, còn lại cho tôi chỉ một dư vị thật chua!
Khải nói xong đứng lên quày quã đi ra cửa.  Cô cũng bước theo tiễn chân Khải với lời xoa dịu an ủi sau cùng :
          - Nhưng thiếu chất chua thì ly nước chanh chỉ là một ly nước đường, chỉ ngọt chớ không ngon, cũng như ly cà phê muốn ngon thì phải thật đắng.  Dù chua dù đắng  nhưng nếu thiếu đi thì  cuộc đời sẽ thành vô vị.  Vì vậy cái dư vị chua còn lại cho anh đó không hẳn chỉ là biểu tượng cho cái dở cái chê.  Đôi khi ở một số người, sự đau khổ vì dang dở yêu đương lại là một cái thú, thú đau thương.  Mong rằng anh là một số trong những người đó, mong anh đừng quá thất vọng bi quan.

Khải chua chát mĩm cười nhìn cô lần cuối với ánh mắt buồn tái tê… “Thôi hết rồi, em đã về vui với người, xa nhau muôn đời, buồn này dẫm nát hồn tôi” (nhạc phẩm “Ngày buồn” của nhạc sĩ Lam Phương).

Đó là lần cuối cùng hai người đã gặp nhau, lần cuối cùng hai kẻ vô duyên còn đối diện để rồi mãi mãi bất hội trùng.  Từ đó đời chia như hai nhánh sông theo dòng trôi trôi mãi, một người yên phận theo chồng, một người vỡ mộng tìm quên lăn mình vào nơi gió cát, súng gươm là bạn, chiến địa là nhà, từ đó đã vĩnh viễn muôn trùng biệt ly 

Em về đôi bóng uyên ương,
Tôi đi chiếc bóng biên cương dặm ngàn
Thuyền em một chuyến sang ngang
Lòng tôi bao mối ngổn ngang tơ sầu
Từ đây tan vỡ mộng đầu
Em đâu còn nữa những ngày còn không
Một mai tái ngộ cố nhân
Em là “sư mẫu” tôi đành xin thưa…!
                                                
 ********************

Trước ngày vu quy, cô nhân được thơ Khải như một món quà, món quà cưới không bằng vật vị mà bằng một tấm lòng lưu luyến thiết tha đã khiến cho con sáo sang sông phải vương sầu, không cất cao nổi đôi cánh hân hoan trong ngày vui xuất giá.  Khải viết :

“Vẫn biết rằng mình không duyên không nợ, vẫn biết rằng Kim sẽ lấy chồng nhưng khi nhận được hồng thiếp báo tin, tôi cũng không sao ngăn được lòng mình thổn thức, nghe đau thương mất mát vô bờ.  Từ đây thôi đã hết, người tôi yêu đã vu quy… Tôi chẳng biết gởi gì để tặng Kim, mừng cho Kim ngày hạnh phúc mà chỉ có lời thành thật chúc mừng bằng tất cả tình tôi lần sau cuối.
Ngày xưa trong tuổi học trò, dưới cơn mưa chiều tôi đã nhường cho Kim chiếc áo, một sáng đẹp trời hai đứa đã cùng du ngoạn rong chơi.  Hình ảnh ấy đã theo tôi hằng đêm đi vào giấc ngủ, đã cho tôi bao cơn mộng đẹp và bao  niềm hy vọng ước mơ, những mơ  ngày sau mộng có thể thực hiện vào đời.  Nhưng tiếc thay!  Nguyệt lão trớ trêu đã se duyên lộn mối nên giờ đây mộng tôi bất thành, những cơn mưa đời tôi chẳng được cùng ai chia sớt, những ngày nắng ráo chẳng được cùng ai chung hưởng.  Dù vậy nhưng biết được người bạn đời của Kim là thầy xưa của hai ta thì tôi cũng rất yên lòng, tin rằng thuyền ai đã chọn đúng bến trong,  một bến tựa  bình an  cho cả cuộc đời. Tôi không biết nói gì hơn là cầu chúc hai người trăm năm hạnh phúc, trăm tuổi bạc đầu bên nhau.
Dù nay Kim đã thuộc về người cũng xin cho tôi được quyền nhớ.  Một năm chung học đủ để tôi yêu Kim nhưng mười năm chưa đủ để quên một chuyện tình….

No comments:

Post a Comment